Số liệu trên trang web thống kê worldometers.info cũng cho thấy tính đến sáng 5/6, đã có 156.053.013 ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Trong số 13.531.417 ca bệnh đang điều trị, có 13.443.206 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,3%) và 88.211 ca (chiếm 0,7%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện vẫn hoành hành tại 222 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trong 24 giờ qua, với thêm 121.476 ca nhiễm, Ấn Độ tiếp tục là quốc gia ghi nhận nhiều ca nhiễm COVID-19 mới nhất trên thế giới, tiếp theo sau là Brazil (33.482 ca) và Mỹ (16.775 ca). Cùng với đó, Ấn Độ cũng là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất trong một ngày qua với 3.382 ca, sau đó là Brazil (1.184 ca) và Argentina (538 ca).
Số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy với 52.099.846 ca nhiễm COVID-19 tính đến sáng 5/6, châu Á tiếp tục là khu vực có nhiều ca nhiễm nhất thế giới. Trong đó, 703.822 ca đã tử vong do COVID-19 và 48.507.783 ca được điều trị khỏi. 3 quốc gia có số người nhiễm và tử vong do COVID-19 cao nhất tại châu Á là Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran với lần lượt số trường hợp nhiễm COVID-19 ghi nhận tới thời điểm hiện tại là 28.693.835; 5.276.468 và 2.954.309 ca; và số trường hợp tử vong lần lượt là 344.101; 47.976 và 80.813 ca.
Trong 24 giờ qua, châu Âu đã ghi nhận thêm 47.420 ca nhiễm và 1.224 ca tử vong mới vì COVID-19. Đây là châu lục có số ca nhiễm COVID-19 nhiều thứ hai thế giới. Pháp, Nga và Anh tiếp tục là 3 nước bị tác động nhiều nhất bởi đại dịch này tại châu Âu khi có lần lượt 5.701.029; 5.108.129 và 4.506.016 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, Anh hiện vẫn là nước có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất khu vực, với tổng số 127.823 ca, sau khi ghi nhận thêm 11 ca tử vong mới trong 24 giờ qua; tiếp sau đó là Italy (126.415 ca) và Nga (123.037 ca).
Là khu vực có số ca nhiễm nhiều thứ ba thế giới, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Bắc Mỹ cũng tiếp tục gia tăng, với 39.936.876 ca, trong đó có 901.813 ca tử vong và 32.848.650 ca được điều trị khỏi. Với 34.191.873 ca nhiễm và 612.237 ca tử vong vì COVID-19, Mỹ vẫn đứng đầu bảng danh sách của khu vực. Tiếp sau là Mexico và Canada với con số thống kê lần lượt là 2.426.822 và 1.389.508 ca nhiễm, cùng 228.362 và 25.679 ca tử vong vì COVID-19.
Trong khi đó, Nam Mỹ ghi nhận thêm 127.907 ca nhiễm và 3.125 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 29.448.286 ca và 911.044 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê của khu vực, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực khi có thêm 28.482 ca nhiễm mới, nâng tổng số trường hợp bị nhiễm COVID-19 lên con số 16.841.954 vào thời điểm hiện tại. Với 1.184 ca tử vong được ghi nhận trong một ngày qua, Brazil cũng là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất vì COVID-19; tiếp sau đó là Argentina với 538 ca tử vong mới và Colombia với 537 ca tử vong mới do COVID-19.
Tính đến sáng 5/6, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 4.939.240 ca, trong đó có 132.157 ca tử vong và 4.450.073 ca bình phục. Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 trong khu vực, với 1.686.041 ca nhiễm và 56.832 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 5.668 ca nhiễm mới và 67 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua. Tiếp theo đó là Morocco và Tunisia, với tổng số lần lượt 520.769 và 352.303 ca nhiễm bệnh cùng 9.169 và 12.902 ca tử vong.
Tại châu Đại Dương, con số thống kê được ghi nhận là 69.082 ca nhiễm (tăng 54 ca) và 1.252 ca tử vong do dịch bệnh COVID-19. Đứng đầu danh sách thống kê trên trang worldometers.info vẫn là Australia với 13 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 30.150 ca, trong đó 910 ca tử vong.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục hoành hành mạnh mẽ trên thế giới với số lượng ca mắc và tử vong không ngừng gia tăng, các quốc gia đang nỗ lực không ngừng đẩy nhanh tiến trình tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân. Ngày 3/6 vừa qua, thế giới đã cán mốc 2 tỷ liều vaccine được tiêm cho người dân. Tuy nhiên, 37% trong số này được thực hiện ở các quốc gia có thu nhập cao vốn chiếm 16% dân số toàn cầu. Chỉ có 0,3% số vaccine đã tiêm được thực hiện ở 29 quốc gia có thu nhập thấp nhất trên thế giới với tổng số dân chiếm 9% dân số toàn cầu.
Ngày 4/6, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo tình trạng thiếu vaccine ngừa COVID-19 cấp cho cơ chế COVAX trong tháng 6 – 7 có thể làm giảm hiệu quả của các chiến dịch tiêm chủng trên toàn cầu.
Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế của Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) khẳng định ủng hộ ý tưởng chia sẻ vaccine khi điều kiện trong nước cho phép.
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới St. Petersburg, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh nước này không chỉ tạo ra các công nghệ độc đáo và nhanh chóng thiết lập việc sản xuất vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trong nước, mà còn giúp các đối tác nước ngoài triển khai sản xuất vaccine.
Trước đó, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov chiều 3/6 cho biết Moskva sẽ thảo luận việc hợp tác sản xuất vaccine Sputnik-V tại Việt Nam./.