Ngày 31/5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhất trí sẽ nghiên cứu các đề xuất cải cách đầy tham vọng của các chuyên gia độc lập nhằm tăng cường hiệu quả của tổ chức đa phương này với việc các nước thành viên đóng vai trò chủ động.
Động thái này được đưa ra trong khuôn khổ kỳ họp Đại hội đồng Y tế thế giới (WHA) lần thứ 74 diễn ra tại Geneva, Thụy Sĩ.
Theo đó, các quốc gia thành viên WHO đã nhất trí thúc đẩy cải tổ dựa trên nghị quyết do Liên minh châu Âu (EU) thúc đẩy.
Ngoài ra, Bộ trưởng y tế của 194 quốc gia thành viên WHO sẽ họp vào ngày 29/11 nhằm quyết định việc khởi động các cuộc đàm phán một hiệp ước quốc tế về đẩy mạnh ứng phó với đại dịch trong tương lai.
[ASEAN và Liên minh châu Âu đối thoại về vaccine ngừa COVID-19]
Giám đốc phụ trách Chương trình Khẩn cấp của WHO Mike Ryan đã hoan nghênh các đề xuất trong khuôn khổ các nghị quyết và quyết định hướng tới một thỏa thuận quốc tế hoặc công ước khung về việc chuẩn bị và ứng phó với các đại dịch.
Các quyết định trên sẽ được thông qua chính thức tại phiên họp toàn thể diễn ra cuối ngày 31/5.
Bên cạnh đó, một ủy ban, do cựu Thủ tướng New Zealand Helen Clark và cựu Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf đứng đầu, cho biết một hệ thống toàn cầu sẽ được thành lập nhằm ứng đối phó nhanh hơn với sự bùng phát của dịch bệnh, qua đó đảm bảo không xảy ra một đại dịch do virus gây ra trong tương lai như đại dịch COVID-19 như hiện nay, vốn đang khiến 171.095.267 người mắc bệnh và 3.558.160 người tử vong.
Kỳ họp WHA lần thứ 74 diễn ra dưới hình thức trực tuyến từ ngày 24/5–1/6 với sự tham gia của nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới, trong đó có Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, bộ trưởng y tế và các đại diện cấp cao khác của 194 nước thành viên WHO.
Trong kỳ họp lần này, các nhà lãnh đạo chủ yếu tập trung thảo luận về các nỗ lực kiểm soát đại dịch COVID-19 và những lời kêu gọi cải tổ toàn bộ hệ thống y tế toàn cầu nhằm giúp ngăn ngừa những thảm họa tương tự như COVID-19 xảy ra trong tương lai./.
Thanh Hương (TTXVN/Vietnam+)