Ngày 21/12, ông Richard Peeperkorn, đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Dải Gaza, đã một lần nữa kêu gọi lệnh ngừng bắn mới, để mở đường cho các hoạt động viện trợ nhân đạo, cung cấp bổ sung kịp thời vật tư y tế cho các cơ sở y tế, hỗ trợ điều trị kịp thời cho bệnh nhân.
Lời kêu gọi này được đưa ra sau khi WHO ghi nhận tất cả bệnh viện ở phía Bắc Dải Gaza gần như không thể hoạt động do thiếu nhiên liệu vận hành máy móc, thiếu nhân viên và vật tư y tế.
Trả lời báo giới thông qua liên kết video từ Jerusalem, ông Richard Peeperkorn cho biết bệnh viện duy nhất ở phía Bắc Dải Gaza còn hoạt động nhưng ở mức "cầm cự" tối thiểu là Al-Ahli.
Bệnh viện này chỉ còn đủ nguồn lực để điều trị cho các bệnh nhân hiện tại mà không tiếp nhận bệnh nhân mới.
Chỉ khoảng 10 nhân viên của bệnh viện Al-Ahli đang tiếp tục cung cấp hỗ trợ sơ cứu cơ bản và chăm sóc vết thương thông thường do không đủ vật tư y tế.
Từ nhiều tuần qua, một số bệnh nhân tại bệnh viện Al-Ahli vẫn chờ để được phẫu thuật. Ngay cả trong trường hợp họ được phẫu thuật thì cũng sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị nhiễm trùng hậu phẫu do không có thuốc kháng sinh và những loại thuốc hỗ trợ khác.
Ngoài bệnh viện Al-Ahli, chỉ có 3 cơ sở y tế khác cũng đang trong tình trạng hoạt động cầm chừng là Al-Shifa, Al Awda và Al Sahaba.
Ba cơ sở này cũng là nơi trú ngụ của những người phải rời bỏ nhà cửa của mình do cuộc xung đột Hamas-Israel. Xét trên toàn bộ vùng lãnh thổ này, chỉ có 9 trong 36 cơ sở y tế chỉ có thể hoạt động một phần.
Ông Peeperkorn lặp lại lời kêu gọi của WHO về lệnh ngừng bắn để mở đường cho các hoạt động viện trợ nhân đạo cho các cơ sở y tế ở Gaza.
Hiện Mỹ, Qatar và Ai Cập đang thúc đẩy các cuộc đàm phán nhằm tìm kiếm thỏa thuận ngừng bắn mới giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas tại Dải Gaza./.
Theo Giám đốc điều hành Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) Catherine Russell, việc thiếu nước sạch sẽ đẩy nhiều trẻ em vào cảnh bệnh tật và đối mặt với nguy cơ tử vong trong những ngày tới.