Covaxin là vaccine đầu tiên do Ấn Độ sản xuất được đưa vào danh sách sử dụng khẩn cấp của WHO, mở đường cho hàng triệu người trên khắp thế giới được tiếp cận với vaccine, đặc biệt tại các nước nghèo. Việc Covaxin được WHO cấp phép cũng có nghĩa rằng hàng triệu người dân Ấn Độ đã được tiêm vaccine này sẽ có thể nhập cảnh vào nước ngoài một cách dễ dàng hơn.
Theo thông tin từ trang web của Liên hợp quốc, quy trình cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine được WHO thực hiện dựa trên các yếu tố tiên quyết bao gồm: chất lượng, độ an toàn và hiệu quả để đưa vaccine vào Cơ chế "Tiếp cận toàn cầu với vaccine ngừa COVID-19" (COVAX).
Tiến sĩ Mariangela Simao, Trợ lý Tổng giám đốc WHO về Tiếp cận thuốc và sản phẩm y tế cho biết: “Danh sách sử dụng khẩn cấp này mở rộng sự sẵn có vaccine, vốn được coi là những công cụ y tế hiệu quả nhất mà chúng ta có để chấm dứt đại dịch… Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần phải duy trì áp lực để đáp ứng nhu cầu vaccine của người dân, ưu tiên những nhóm có nguy cơ chưa được tiêm chủng, trước khi chúng ta có thể bắt đầu tuyên bố chiến thắng”.
Trước khi được WHO cấp phép sử dụng khẩn cấp, vaccine Covaxin đã được phê chuẩn tại Ấn Độ từ tháng 1/2021- thời điểm thử nghiệm lâm sàng vaccine đang được thực hiện ở giai đoạn 3. Bharat Biotech sau đó đã công bố các dữ liệu cho thấy vaccine Covaxin có hiệu quả khoảng 78% trong phòng ngừa virus SARS-CoV-2.
Tháng trước, vaccine Covaxin đã được Nhóm chuyên gia tư vấn chiến lược về tiêm chủng (SAGE) của WHO xem xét nhằm đưa ra các chính sách cụ thể và khuyến nghị sử dụng vaccine. Theo khuyến cáo của SAGE, vaccine Covaxin cần được tiêm 2 liều cách nhau bốn tuần, đối với nhóm tuổi trên 18.
Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, vaccine Covaxin của Ấn Độ có hiệu quả 78% trong chống lại dịch bệnh ở bất kỳ mức độ nghiêm trọng nào, kể từ 14 ngày trở đi sau khi tiêm mũi thứ 2. Vaccine này cũng được đánh giá là phù hợp với các nước thu nhập thấp và trung bình do điều kiện bảo quản dễ dàng.
Tuy nhiên, WHO cho biết dữ liệu hiện có về tiêm chủng cho phụ nữ mang thai là không đủ để đánh giá tính an toàn hoặc hiệu quả của vaccine Covaxin đối với nhóm dân số này, mặc dù việc nghiên cứu về vấn đề này đã được tính đến.
Như vậy, Covaxin là vaccine phòng COVID-17 thứ 8 được WHO cấp phép sau các loại vaccine gồm: Pfizer/BioNTech, AstraZeneca của Oxford, AstraZeneca của Viện huyết thanh Ấn Độ, Janssen, Moderna, Sinopharm/BBIP và Sinovac. Việc WHO bổ sung thêm ứng cử viên vào danh sách các loại vaccine được sử dụng khẩn cấp cũng đồng nghĩa rằng thế giới được trao thêm công cụ trong cuộc chiến chống đại dịch.
Theo số liệu thống kê trên trang worldometers.info, tính đến chiều 4/11, thế giới ghi nhận gần 249 triệu ca nhiễm COVID-19, với hơn 5 triệu ca tử vong. Trong tuần qua, số ca mắc mới trên thế giới đã tăng nhẹ, với hơn 3 triệu ca, trong đó cao nhất là ở châu Âu./.
Thu Lan (Theo WHO, UN, ctvnews.ca)