WHO cảnh báo một “cơn bão dịch bệnh” khác chuẩn bị tấn công châu Âu 

(ĐCSVN) - Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại khu vực châu Âu - ông Hans Kluge, kêu gọi các quốc gia chuẩn bị cho "sự gia tăng đáng kể và mạnh mẽ" các ca nhiễm COVID-19 trong bối cảnh biến thể Omicron đang lan rộng. Từ đó, ông kêu gọi người dân tiêm mũi tăng cường để bảo vệ bản thân trước biến thể mới.
WHO cảnh báo một “cơn bão dịch bệnh” khác chuẩn bị tấn công châu Âu

Một “cơn bão” dịch bệnh khác sắp tấn công châu Âu

Người dân đi ngang qua một tấm biển chỉ dẫn xét nghiệm COVID-19 tại Đức, ngày 21/12/2021. (Ảnh: Guy Bell/REX/Shutterstock) 

Phát biểu trong cuộc họp báo ở Vienna (Áo), ngày 21/12, quan chức của WHO cho biết, kể từ khi phát hiện lần đầu tiên ở Nam Phi vào cuối tháng 11/2021, biến thể Omicron đã lan ra ít nhất 38 trong tổng số 53 quốc gia ở khu vực châu Âu, bao gồm Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước thuộc Liên Xô cũ, nhưng phổ biến nhất ở Bồ Đào Nha, Đan Mạch và Anh.

“Chúng ta có thể được chứng kiến một cơn bão khác sắp ập đến… Trong vòng vài tuần tới, Omicron sẽ trở thành biến thể thống trị tại nhiều quốc gia ở châu Âu, làm gia tăng áp lực lên hệ thống chăm sóc y tế vốn đã bị kéo căng tại khu vực này” – ông Kluge nói.

Số liệu thống kê của WHO cũng cho thấy, từ nhiều tuần trở lại đây, châu Âu ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 ở mức cao nhất thế giới, xét trên phạm vi dân số. Thậm chí trước sự xuất hiện của siêu biến thể Omicron, giới chức châu Âu đã lên tiếng cảnh báo về kịch bản số ca tử vong do COVID-19 tại khu vực sẽ bị đẩy lên ngưỡng 700.000 ca.

Từ những lập luận trên, quan chức của WHO kêu gọi người dân châu Âu tiêm mũi vaccine tăng cường, coi đây là biện pháp “phòng vệ” hữu hiệu nhất trước biến thể Omicron.

Cho tới nay, 89% các trường hợp phát hiện sớm lây nhiễm Omicron ở châu Âu đều đi kèm theo các triệu chứng phổ biến tương tự với COVID-19, như ho, đau họng và sốt. Phần lớn những người nhiễm mới trong độ tuổi từ 20 đến 30, bị lây nhiễm tại nơi làm việc hoặc tại các sự kiện xã hội.

Các nước siết chặt phòng, chống dịch

Những thông tin đáng quan ngại về tình hình dịch bệnh đang thôi thúc các nước châu Âu siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch. Mới đây, giới chức Bồ Đào Nha đã ra chỉ thị yêu cầu các hộp đêm và quán bar đóng cửa, đồng thời kêu gọi người dân làm việc ở nhà trong ít nhất hai tuần. Trong khi đó, Đức cũng áp dụng lại các quy tắc chặt chẽ hơn về giao tiếp xã hội.

Ngày 21/12, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã gặp 16 nhà lãnh đạo tiểu bang của Đức và đưa ra các biện pháp phòng dịch mới bao gồm lệnh cấm tụ tập hơn 10 người, ngay cả khi đã được tiêm chủng. Những người chưa được tiêm phòng chỉ được phép gặp tối đa hai người ngoài phạm vi gia đình.

Tại Thụy Điển, người dân cũng được khuyến khích làm việc tại nhà nếu có thể, đi kèm theo là các quy định chặt chẽ hơn về giãn cách xã hội.  

Tình hình tại Tây Ban Nha cũng không mấy sáng sủa khi làn sóng COVID-19 thứ 6 đã khiến tỷ lệ lây nhiễm tăng vọt vào thời điểm lễ Giáng sinh đang tới gần. Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez đã kêu gọi người dân bình tĩnh, đồng thời triệu tập một cuộc họp khẩn cấp vào chiều hôm nay (22/12) để thảo luận về các biện pháp ứng phó trước làn sóng dịch bệnh mới.

Nuvaxovid – vaccine COVID-19 thứ 5 được phê chuẩn ở châu Âu

Vaccine của hãng dược phẩm Novavax (Mỹ) vừa được phê chuẩn là vaccine chống COVID-19 thứ 5 ở châu Âu. (Ảnh: Reuters)

Trong bối cảnh sự lan rộng của biến thể Omicron đang gây quan ngại ở châu Âu, ngày 21/12, WHO đã cấp phép sử dụng khẩn cấp với vaccine phòng COVID-19 Nuvaxovid của hãng dược phẩm Novavax (Mỹ).

Trước đó, ngày 20/12, Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) cũng đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19 Nuvaxovid cho người từ 18 tuổi trở lên.

Như vậy, cho đến nay, Nuvaxovid sẽ là loại vaccine ngừa COVID-19 thứ 5 được lưu hành tại châu Âu, sau vaccine của các hãng Pfizer/BioNTech, Moderna, AstraZeneca và Johnson & Johnson.

Trong tuyên bố cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu ÂU (EU) Ursula von der Leyen tuyên bố: “Vào thời điểm mà biến thể Omicron đang lan rộng nhanh chóng và chúng ta cần đẩy mạnh việc tiêm chủng cũng như tiêm mũi tăng cường, tôi hoan nghênh việc cấp phép cho vaccine của Novavax".

Vaccine Nuvaxovid được phát triển dựa trên một công nghệ truyền thống hơn so các loại vaccine phòng COVID-19 trước đó. Công nghệ này bao gồm các protein được tìm thấy trong protein gai của virus SARS-CoV-2 giúp kích hoạt hệ miễn dịch. Công nghệ này cũng đã từng được thử nghiệm và sử dụng nhiều thập kỷ trong phát triển vaccine phòng các bệnh như viêm gan B.

EMA cho biết, hiện chưa thể đánh giá hiệu quả của loại vaccine này đối với biến thể Omicron do dữ liệu còn hạn chế. Tuy nhiên, cơ quan này khẳng định những thông tin về Nuvaxovid rất đáng khích lệ và đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu về hiệu quả, an toàn và chất lượng.

Giới chức châu Âu hy vọng, việc phát triển một loại vaccine dựa trên protein tương tự như Nuvaxovid sẽ giúp người dân châu Âu “cởi mở” hơn trong vấn đề tiêm chủng, nhất là ở khu vực Trung và Đông Âu. Theo như lời của bà von der Leyen thì việc phê chuẩn loại vaccine mới sẽ mang lại “sự khích lệ mạnh mẽ” đối với tất cả những ai chưa tiêm chủng hoặc chưa tiêm mũi tăng cường. “Giờ là lúc để thực hiện công việc này” – nhà lãnh đạo châu Âu nói.

Việc WHO đưa vaccine của Novavax vào danh sách cấp phép sử dụng khẩn cấp (EUL) sẽ mở đường cho các quốc gia khác nhanh chóng cấp phép và nhập khẩu vaccine này và tiếp thêm công cụ cho thế giới trong cuộc chiến chống dịch bệnh.

Hiện các nước thành viên EU đã đặt hàng khoảng 27 triệu liều Nuvaxovid để giao hàng trong quý I năm 2022. Con số này sẽ bổ sung vào tổng số 2,4 tỷ liều vaccine Pfizer/BioNTech, 460 triệu liều vaccine của Moderna, 400 triệu liều của AstraZeneca và 400 triệu liều của Johnson & Johnson để phục vụ cho chiến dịch tiêm chủng trong toàn khối./.

 
Thu Lan (Theo theguardian, Xinhua)
137 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 2095
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 2095
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76244144