WHO: Cần tăng cường các dịch vụ y tế cho người di cư 

(ĐCSVN) – Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 16/7 đã lên tiếng kêu gọi tạo điều kiện để nhóm dân số dễ bị tổn thương có thể tiếp cận tốt hơn với việc phát hiện, kiểm tra và điều trị khi mắc dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19), trong bối cảnh chịu nhiều tác động của xung đột kéo dài và các trường hợp khẩn cấp nhân đạo trên khắp châu Phi.
WHO: Cần tăng cường các dịch vụ y tế cho người di cư

Châu Phi hạ Sahara là nơi cư trú của hơn 26% người tị nạn trên thế giới. Xung đột lâu dài ở các khu vực như Sahel đã khiến các cơ sở y tế bị đóng cửa và nhân viên y tế phải rời bỏ. Tại Burkina Faso, 110 cơ sở y tế đã bị đóng cửa do mất an ninh trong khi các dịch vụ y tế bị xâm phạm ở 186 cơ sở khác, khiến khoảng 1,5 triệu người không được chăm sóc sức khỏe đầy đủ.

Tại miền Trung và miền Bắc Mali, các dịch vụ y tế đã bị tê liệt bởi nhiều cuộc tấn công dai dẳng. Chỉ riêng năm 2019, 18 cuộc tấn công vào các cơ sở chăm sóc sức khỏe đã được báo cáo. Năm nay, cho tới thời điểm hiện tại, một trung tâm y tế cũng đã bị tấn công.

Trong bối cảnh đó, ngày 16/7, WHO đã phối hợp với Diễn đàn kinh tế thế giới tổ chức một cuộc họp trực tuyến với sự tham dự của Tiến sĩ Matshidiso Moeti, Giám đốc WHO khu vực châu Phi; Bác sĩ Pierre Somse, Bộ trưởng Bộ Y tế và Dân số Cộng hòa Trung Phi; ông Patrick Youssef, Giám đốc khu vực châu Phi của Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế; và Adhieu Achuil Dhieu Kueth, một người tị nạn Nam Sudan từ trại Dadaab ở Kenya.

Phát biểu tại cuộc họp này, Tiến sĩ Matshidiso Moeti nêu rõ: “COVID-19 đã làm trầm trọng thêm những thách thức nhân đạo hiện có, đặc biệt là việc tiếp cận với các dịch vụ y tế ở nhiều quốc gia trong khu vực". "Với đại dịch này, chúng tôi đã chứng kiến một số hoạt động nhân đạo bị trì hoãn do tình trạng tắc nghẽn, giới nghiêm và hạn chế di chuyển đối với nhân viên và hàng hóa, điều cần thiết để ứng phó với COVID-19" – bà nói thêm. Những nơi quá đông người như các trại tị nạn cũng có thể làm tăng nguy cơ lây truyền COVID-19 do khó tiếp cận với nước sạch, dẫn đến vệ sinh kém và khoảng cách vật lý gần như không thể.

Còn theo bác sĩ Michel Yao, người đứng đầu chương trình hoạt động khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới, COVID là một vấn đề lớn đối với những người dân di cư. “Thực tế là những người dân sống trong một khoảng cách nhất định khiến không thể áp dụng các biện pháp giãn cách và phòng ngừa. Và do đó, điều này đòi hỏi một cách tiếp cận cụ thể, đặc biệt là tăng cường hỗ trợ một số biện pháp nhất định như rửa tay, tiếp cận với nước sạch, cũng như phân phối một số nguyên liệu như xà phòng và nếu có thể, thì cung cấp thêm khẩu trang" – ông giải thích.

Hệ thống của Liên hợp quốc đã đưa vào hoạt động các trung tâm y tế ở 8 quốc gia, nơi tình hình nhân đạo cần có sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, đáng chú ý là ở: Burkina Faso, Cộng hòa Trung Phi, TChad, Cộng hòa Dân chủ Congo, Ethiopia, Mali, ở Nigeria và Nam Sudan.

1.800 trường hợp mắc COVID-19 được báo cáo trong trại tị nạn ở 7 quốc gia

Mặc dù thông tin về việc lây nhiễm COVID-19 trong môi trường nhân đạo vẫn còn hạn chế cho đến nay, song vẫn có khoảng 1.800 trường hợp mắc COVID-19 đã được báo cáo ở 7 quốc gia này trong số những người di cư, người tị nạn hoặc trong các khu vực bị ảnh hưởng bởi các cuộc khủng hoảng nhân đạo. Do khả năng phát hiện và xét nghiệm kiểm tra còn hạn chế nên con số thống kê được đưa ra có lẽ còn thấp hơn so với thực tế.

Trong bối cảnh đó, theo Tiến sĩ Moeti, WHO kêu gọi cộng đồng nhân đạo và các quốc gia thành viên tăng cường hỗ trợ cho hàng triệu người đang cần giúp đỡ trong khu vực. “Nếu chúng ta không mở rộng các dịch vụ y tế, bao gồm kiểm tra, cách ly và chăm sóc cho những người đang sống trong tình huống bấp bênh và ở các trại của những người di dời trong nội bộ đất nước thì COVID-19 có thể trở thành một thảm kịch chưa từng có" – ông nhấn mạnh.

WHO đã xây dựng các hướng dẫn về việc điều chỉnh giảm thiểu mắc COVID-19 trong các trại tị nạn, khuyến nghị sàng lọc y tế cho những người đến các địa điểm này và các trung tâm cách ly tạm thời cho các trường hợp nghi ngờ. WHO khuyến nghị rằng các hoạt động như phân phối thực phẩm hoặc giáo dục nên được điều chỉnh để hạn chế các cuộc tụ họp đông người và tăng cường phòng ngừa, kiểm soát lây nhiễm.

Ngoài ra, WHO cũng đang hợp tác với Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc, Cơ quan tị nạn Liên hợp quốc (UNHCR) và các đối tác khác để tập trung chú ý tới nhóm dân số dễ bị tổn thương đối với COVID-19, phân phối vật tư y tế và thực hiện các biện pháp phòng ngừa như trạm rửa tay. Những nỗ lực cũng đang được tiến hành để tăng cường giám sát, đào tạo nhân viên y tế, lập các trung tâm y tế từ xa, xét nghiệm và điều trị cho những người mắc bệnh.

Liên hợp quốc đang thực hiện Kế hoạch ứng phó nhân đạo toàn cầu đối với COVID-19 để chống lại đại dịch này tại các quốc gia vốn phải đối mặt với tình huống nhân đạo. Kế hoạch xác định các phương tiện để đáp ứng nhu cầu về sức khỏe và phi sức khỏe tức thời liên quan đến COVID-19 cho các nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất thông qua sức khỏe, nước, vệ sinh, thực phẩm và nông nghiệp, hậu cần, giáo dục và bảo vệ. Trong số 63 quốc gia nằm trong kế hoạch này, có 20 quốc gia ở châu Phi./.

 
Khánh Linh (Theo UN, AFP, WHO)
137 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 862
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 862
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87140819