Phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến từ Geneva, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: “Tôi vui mừng thông báo rằng đến nay đã có 172 quốc gia tham gia vào chương trình Dịch vụ vaccine toàn cầu COVAX, chương trình có danh mục vaccine ngừa COVID-19 lớn nhất và đa dạng nhất trên thế giới”.
COVAX do Liên minh Vaccine GAVI, WHO và Liên minh những đổi mới trong việc chuẩn bị sẵn sàng dịch bệnh (CEPI) đồng lãnh đạo, được thiết kế để bảo đảm tiếp cận công bằng trên toàn cầu đối với vaccine khi được phát triển và cho phép sử dụng. COVAX hiện bao gồm 9 loại vaccine ngừa COVID-19 ứng cử viên và mục tiêu của nó là bảo đảm việc cung ứng và cung cấp 2 tỷ liều cho các quốc gia cam kết vào cuối năm 2021. “Hiện tại, 9 loại vaccine là một phần của danh mục năng động này, được liên tục sửa đổi và tối ưu hóa để bảo đảm khả năng tiếp cận với các dòng sản phẩm tốt nhất có thể” – Tiến sĩ Tedros nói thêm, đồng thời lưu ý rằng các cuộc thảo luận đang được tiến hành với 4 nhà sản xuất khác.
Cung cấp ít nhất 2 tỷ liều vaccine an toàn vào cuối năm 2021
Khi nguồn cung tăng lên, giai đoạn triển khai vaccine tiếp theo sẽ được mở rộng dựa trên việc đánh giá tính dễ bị tổn thương của mỗi quốc gia đối với virus. Một số vaccine hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối cùng. Và WHO hy vọng sẽ có "một số ứng dụng thành công vừa an toàn vừa hiệu quả".
Trong khi đó, các quốc gia muốn tham gia vào chương trình COVAX toàn cầu này có thời hạn đến ngày 31/8 để nộp đơn đăng ý. Việc xác nhận ý định tham gia sẽ đến hạn vào ngày 18/9 và các khoản thanh toán đầu tiên sẽ được thực hiện trước ngày 9/10.
Theo người đứng đầu WHO, COVAX là cơ chế thiết yếu để mua chung và tổng hợp các rủi ro liên quan đến một số loại vaccine, do đó, bất kỳ loại vaccine nào có tính an toàn và hiệu quả đã được chứng minh thì tất cả các nước thành viên COVAX đều sẽ có thể tiếp cận với nó.
Tiến sĩ Tedros lập luận: “Quan trọng hơn, đây là cơ chế cho phép triển khai phối hợp trên quy mô toàn cầu” và vì lợi ích của tất cả các quốc gia, ngay cả những nước đã đầu tư với các nhà sản xuất riêng lẻ một cách độc lập”.
Về vấn đề này, Tổ chức Y tế Thế giới nhắc lại rằng họ đang làm việc với các nhà sản xuất vaccine để cung cấp cho tất cả các quốc gia tham gia nỗ lực "tiếp cận nhanh chóng và bình đẳng với tất cả các loại vaccine đã được cấp phép và phê duyệt".
Tiến sĩ Tedros nhấn mạnh COVAX không chỉ góp phần giảm thiểu rủi ro cho các quốc gia phát triển và mua vaccine mà còn có nghĩa là giá sẽ được giữ ở mức thấp nhất có thể.
Thêm vào đó, để đạt được đủ liều cho việc triển khai vaccine, bước tiếp theo trong quan hệ đối tác là các quốc gia phải đưa ra "các cam kết ràng buộc để hỗ trợ cơ chế COVAX". “Mặc dù chúng tôi biết ơn các khoản tiền đã cam kết cho COVAX, nhưng chúng tôi cần phải làm nhiều hơn nữa để tiếp tục thúc đẩy danh mục đầu tư. Mục tiêu của cơ chế này là cung cấp ít nhất 2 tỷ liều vaccine an toàn và hiệu quả vào cuối năm 2021" – ông lưu ý.
WHO chỉ ra rằng cơ chế này sẽ mang lại "lợi tức đầu tư khổng lồ" khi "các chính phủ đầu tư hàng tỷ USD để phục hồi kinh tế". Tổng giám đốc WHO nhấn mạnh: “Có ánh sáng ở cuối đường hầm và như tôi đã nói tuần trước, chúng ta có thể cùng nhau làm nên chuyện. Trong khi đầu tư chung vào nghiên cứu và phát triển vaccine, chúng tôi cũng phải sử dụng các công cụ hiện có để diệt trừ loại virus này”.
Bên cạnh đó, người đứng đầu WHO cũng cảnh báo rằng "chủ nghĩa dân tộc vaccine chỉ giúp ích cho virus", đặc biệt là khi nghiên cứu mới cho thấy "sự cạnh tranh toàn cầu về liều lượng vaccine có thể đẩy giá lên theo cấp số nhân so với một nỗ lực hợp tác như cơ chế COVAX". Theo Tiến sĩ Tedros, điều này cũng sẽ dẫn đến "một đại dịch kéo dài, vì chỉ một số nhỏ quốc gia sẽ nhận được hầu hết nguồn cung cấp" và trong những điều kiện này, "cách duy nhất để thoát khỏi đại dịch này là hợp tác với nhau".
Nói rộng hơn, WHO tin rằng khoản đầu tư này là "cách nhanh nhất để chấm dứt đại dịch và bảo đảm phục hồi kinh tế bền vững". Thông qua khung phân bổ, "COVAX sẽ bảo đảm rằng các quốc gia có thu nhập thấp, trung bình và cao đều nhận được vaccine đúng hạn ngay khi có vaccine an toàn và hiệu quả". Bởi vì "khi nguồn cung hạn chế (vaccine ngừa COVID-19), điều quan trọng là phải cung cấp vaccine cho những người có nguy cơ cao nhất trên toàn thế giới" bao gồm các nhân viên y tế ở tuyến đầu của đại dịch, những người "cần thiết để cứu sống và ổn định hệ thống y tế nói chung" như lời của Tiến sĩ Tedros.
Tuyên bố trên của người đứng đầu WHO được đưa ra trong bối cảnh số người chết và người bệnh tiếp tục tăng trên khắp thế giới. Tổng số, theo trang thống kê trực tuyến worldometers.info, đến thời điểm hiện tại đã có 23.830.363 trường hợp mắc COVID-19 đã được ghi nhận trên thế giới và 817.368 người đã tử vong do dịch bệnh này./.
Khánh Linh (Theo UN, WHO, AFP, worldometers)