Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 12/4 dự báo năm 2020, Ấn Độ và các quốc gia Nam Á khác có thể ghi nhận tăng trưởng kinh tế ở mức tồi tệ nhất trong 4 thập kỷ qua do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Trong báo cáo Trọng điểm kinh tế Nam Á, WB nhận định khu vực này, gồm 8 quốc gia, có thể sẽ chỉ đạt tăng trưởng kinh tế từ 1,8-2,8% trong năm nay, giảm mạnh so với mức 6,3% mà ngân hàng này từng dự báo cách đây 6 tháng.
Ấn Độ, nền kinh tế lớn nhất khu vực, dự kiến tăng trưởng 1,5- 2,8% trong tài khóa bắt đầu từ ngày 1/4.
[Ấn Độ chi thêm 2 tỷ USD cho cuộc chiến chống COVID-19]
WB ước tính con số này ở mức 4,8-5% trong tài khóa trước vừa kết thúc vào ngày 31/3.
Báo cáo trên cho biết đà tăng trưởng mạnh đã được thấy rõ vào cuối năm 2019, nhưng không thể bù lại các tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng toàn cầu.
Ngoài Ấn Độ, WB dự báo tăng trưởng kinh tế tại Sri Lanka, Nepal, Bhutan và Bangladesh cũng giảm mạnh. Ba nước khác là Pakistan, Afghanistan và Maldives được dự báo sẽ rơi vào suy thoái.
Nam Á đến nay ghi nhận 13.000 ca nhiễm, mức thấp hơn nhiều nơi trên thế giới, song các biện pháp chống dịch COVID-19 đã làm ngắt quãng chuỗi dây chuyền cung ứng khắp khu vực này.
Lệnh phong tỏa tại Ấn Độ ảnh hưởng tới 1,3 tỷ dân cũng khiến hàng triệu người phải nghỉ làm, các doanh nghiệp lớn nhỏ phải ngừng hoạt động, và khiến rất nhiều lao động nhập cư tại các thành phố lớn phải về nhà ở các vùng nông thôn.
WB cảnh báo nếu các lệnh phong tỏa kéo dài, kịch bản tồi tệ nhất sẽ xảy ra, theo đó toàn bộ khu vực này sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay.
Để giảm thiểu thiệt hại kinh tế trong ngắn hạn, WB kêu gọi các nước công bố các biện pháp tiền tệ và tài chính để hỗ trợ lao động nhập cư, cũng như giảm nợ cho doanh nghiệp và cá nhân.
Ấn Độ đến nay đã công bố một kế hoạch kinh tế trị giá 23 tỷ USD, trao tiền mặt trực tiếp cho hàng triệu người nghèo bị ảnh hưởng của lệnh phong tỏa.
Tại nước Pakistan láng giềng, chính phủ cũng thông báo kế hoạch trị giá 6 tỷ USD để hỗ trợ nền kinh tế.
Quan chức cấp cao WB, Hartwig Schafer cho biết: "Ưu tiên của tất cả các chính phủ ở Nam Á là kiềm chế dịch bệnh lây lan và bảo vệ người dân, đặc biệt là những người nghèo nhất phải đối mặt với những hậu quả vô cùng lớn cả về sức khỏe và kinh tế"./.
Bích Liên (TTXVN/Vietnam+)