Văn phòng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Bắc Kinh ngày 29/4 cho biết, ngân hàng này đã phê duyệt khoản vay trị giá 345 triệu USD để tăng cường phát triển nông nghiệp xanh và các vùng nông thôn ở Hồ Bắc và Hồ Nam, các tỉnh miền Trung của Trung Quốc.
Khoản vay, cùng với các quỹ của chính phủ, sẽ được sử dụng để giảm lượng khí thải từ trồng trọt và chăn nuôi, tăng lượng hấp thụ carbon trong đất, bảo vệ đa dạng sinh học và phục hồi hệ sinh thái nông nghiệp, đồng thời hỗ trợ chính quyền địa phương lồng ghép các mục tiêu về môi trường và khử carbon trong các dự án đầu tư và kế hoạch phát triển nông thôn.
Nguồn quỹ sẽ được sử dụng trong nhiều lĩnh vực, chẳng hạn như cung cấp cho nông dân và thành viên hợp tác xã các dịch vụ đào tạo và khuyến nông, khuyến khích nông dân và nhà chế biến thực phẩm áp dụng công nghệ nông nghiệp thông minh thân thiện với môi trường, tối ưu hóa dịch vụ xử lý nước thải và rác thải nông thôn, và giới thiệu các tiêu chuẩn, phương pháp liên quan đến nông nghiệp và phát triển nông thôn xanh.
[Trung Quốc thử nghiệm cấp phép thực vật chỉnh sửa gene]
Mara Warwick, Giám đốc của Ngân hàng Thế giới tại Trung Quốc, Mông Cổ và Hàn Quốc, cho biết chương trình trên sẽ giới thiệu các mục tiêu và biện pháp thực hành sáng tạo để xanh hóa nông nghiệp đồng thời tăng cường khả năng phục hồi của chương trình phục hồi nông thôn của chính phủ ở tỉnh Hồ Bắc và Hồ Nam.
Trong quý 1/2023, Trung Quốc đã tăng cường hỗ trợ tài chính cho các khu vực nông thôn và nông dân.
Theo Ủy ban Điều tiết Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc (CBIRC), tính đến cuối tháng Ba, dư nợ cho vay liên quan đến nông nghiệp của nước này ở mức 11.470 tỷ NDT (khoảng 1.660 tỷ USD), tăng 21,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
CBIRC cho biết, các khoản vay đã mở rộng nhanh chóng trong nhiều lĩnh vực, như đất nông nghiệp, công nghệ nông nghiệp và xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn.
Trong giai đoạn tiếp theo, chính phủ sẽ có nhiều nỗ lực hơn nữa để hướng dẫn các tổ chức tài chính tăng cường hỗ trợ phát triển nông nghiệp và phục hồi toàn diện nông thôn bằng cách đảm bảo đầy đủ an ninh lương thực, sản xuất và cung ứng ổn định các sản phẩm nông nghiệp chính, đồng thời củng cố các thành tựu xóa đói giảm nghèo./.
Trà My (TTXVN/Vietnam+)