VKSND Tối cao vừa hoàn tất cáo trạng truy tố ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm khác tội Cố ý làm trái và Tham ô tài sản.
Theo cáo trạng, xuất phát từ các khoản nợ xấu tại công ty tài chính cổ phần Dầu khí VN (PVFC) do đầu tư dự án bị thua lỗ, tháng 6/2010, ông Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch HĐQT PVN) cùng ông Phùng Đình Thực, nguyên Tổng giám đốc PVN tổ chức họp lãnh đạo của PVFC để xử lý hậu quả.
Sau cuộc họp này, ông Đinh La Thăng thay mặt HĐQT ký nghị quyết về phương án xử lý đối với những tồn tại của PVFC. Theo đó, giao cho Tổng công ty xây lắp Dầu khí VN (PVC) nhận lại 5 dự án do PVFC đã thực hiện góp vốn đầu tư (có tổng giá trị hơn 793 tỷ đồng) và giao cho TGĐ tập đoàn Phùng Đình Thực chỉ đạo thực hiện.
Do đang gặp khó khăn về nguồn vốn đầu tư, tháng 8/2010, Trịnh Xuân Thanh (nguyên chủ tịch HĐQT PVC) ký công văn gửi PVN đề nghị xin vay vốn.
Vào tháng 9/2010, Vũ Đức Thuận (nguyên TGĐ PVC) ký văn bản trình lãnh đạo PVN để xin giảm lãi suất do các dự án nhận lại từ PVFC gặp khó khăn trả nợ.
Do vậy, ngày 20/10/2010, PVN và Oceanbank ký hợp đồng ủy thác có nội dung: PVN ủy thác không truy đòi để Oceanbank cho Tổng công ty PVC vay vốn thực hiện thanh toán và bù đắp thanh toán các khoản đầu tư nhận chuyển nhượng từ PVFC. Tổng số tiền là hơn 793 tỷ đồng, lãi suất 5,5%/năm, thời hạn vay 12 tháng.
Cũng tại thời điểm này, PVC đang còn phải vay vốn đề đầu tư vào dự án công trình khách sạn Thái Bình và khách sạn Lam Kinh Thanh Hóa với số tiền vay là 400 tỷ đồng đến hạn thanh toán.
Tạm ứng tiền chi sai mục đích
Từ thực trạng trên, ngay sau khi được PVN chỉ định thực hiện gói thầu EPC dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, Trịnh Xuân Thanh đã chỉ đạo Vũ Đức Thuận, Nguyễn Ngọc Quý (nguyên Phó chủ tịch HĐQT PVC) và Nguyễn Mạnh Tiến (nguyên Phó tổng giám đốc PVC) đẩy nhanh việc ký hợp đồng EPC số 33 chưa đủ thủ tục pháp lý, sau đó xin tạm ứng để có nguồn tiền sử dụng trả cả gốc, lãi các khoản nợ, đầu tư, góp vốn vào các dự án, công trình, công ty khác.
Trịnh Xuân Thanh
Sau khi được bổ nhiệm là Trưởng ban Tài chính kế toán, qua rà soát tình hình tài chính của PVC, tháng 5/2011, Phạm Tiến Đạt lập báo cáo tài chính về tình hình tài chính của PVC gửi HĐQT, Ban TGĐ nêu rõ thực trạng PVC đã đầu tư quá nguồn vốn chủ sở hữu 1.013 tỷ đồng và hiện không còn nguồn tiền nào để hoạt động.
Vì vậy, sau khi được PVN, Ban QLDA tạm ứng hơn 6 triệu USD và hơn 1.312 tỷ đồng theo hợp đồng EPC số 33, thực hiện chủ trương đã thống nhất từ trước, Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Ngọc Quý, Vũ Đức Thuận, Nguyễn Mạnh Tiến đã chỉ đạo Đạt sử dụng hơn 1.115 tỷ đồng từ nguồn tiền này để đầu tư, góp vốn vào các công ty, dự án, công trình khác và trả nợ ngân hàng.
Đến tháng 7/2011, Trương Quốc Dũng được bổ nhiệm là Phó TGĐ PVC phụ trách tài chính thay Nguyễn Mạnh Tiến đã nhận chỉ đạo của Vũ Đức Thuận, tiếp tục sử dụng tiền tạm ứng sai mục đích.
Dũng đã quyết định và ký ủy nhiệm chi, chuyển số tiền 30 tỷ đồng (trong đó có tiền từ nguồn tạm ứng thực hiện dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2) để ứng trước tiền góp vốn của PVC vào Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Nghệ an (PVNC); quyết định và ký ủy nhiệm chi, chi số tiền 10 tỷ đồng từ nguồn tiền tạm ứng của dự án NMNĐ Thái Bình 2 để tạm ứng cho công ty cổ phần thiết bị nội ngoại thất dầu khí (PVC-Metal).
Ngày 7/9/2011, ông Nguyễn Thanh Liêm (thành viên hội đồng thành viên PVN) và Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Phó tổng giám đốc PVN) đã chủ trì đoàn kiểm tra.
Ông Nguyễn Văn Đồng (Phó TGĐ PVC) ký văn bản báo cáo rõ việc PVC đã sử dụng tiền tạm ứng của hợp đồng EPC số 33 sai mục đích, nhưng lãnh đạo PVN không có ý kiến thu hồi.
Kết quả điều tra xác định, số tiền tạm ứng bị PVC sử dụng sai mục đích là hơn 1.115 tỷ đồng, đến ngày 22/11/2017 mới thu hồi được hơn 1.087 tỷ.
Theo T.Nhung (VietNamNet)