Vụ khiếu nại việc mua nhà theo Nghị định 61 của Chính phủ: Vì sao UBND thành phố Đông Hà không bán ngôi nhà số 25 Phan Bội Châu cho công dân? 

(QT) - Thời gian qua, bà Nguyễn Thị Duyên, trú tại số 8, Cao Xuân Dục, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng liên tục gửi đơn kiến nghị đến các cơ quan từ địa phương đến trung ương về việc UBND thành phố Đông Hà không giải quyết việc xin mua lại ngôi nhà tọa lạc tại số 25, đường Phan Bội Châu, thành phố Đông Hà theo Nghị định 61/NĐ-CP ngày 5/7/1994 của Chính phủ (nay được thay thế bởi Nghị định số 34/2013/NĐ-CP ngày 22/4/2013 của Chính phủ). Để tìm hiểu nguyên nhân, phóng viên Báo Quảng Trị đã làm việc với các cơ quan chức năng cũng như thực tế địa phương, giúp bạn đọc có cái nhìn toàn cảnh sự việc một cách khách quan, đúng pháp luật.

Nguồn gốc ngôi nhà và quá trình sử dụng

 

Lật lại các hồ sơ lưu trữ cho thấy, ngôi nhà tọa lạc ở số 25, đường Phan Bội Châu, thành phố Đông Hà có nguồn gốc của ông Lê Hữu Nghi, hiện sống tại Tân Hưng, Tân Hạnh, Long Hồ, Vĩnh Long. Năm 1972, ông Nghi cùng gia đình di tản vào Nam, năm 1976 trở về xin lại nhà nhưng chính quyền cách mạng tỉnh Quảng Trị không giải quyết. Những năm tiếp theo ông Nghi tiếp tục có nhiều đơn thư xin lại nhà, ông đã xuất trình họa đồ vị trí, giấy phép làm nhà do chính quyền cũ cấp. Tuy nhiên, chính quyền Bình Trị Thiên (cũ) không xem xét trả nhà. Tỉnh Quảng Trị lập lại đang xem xét thì có Nghị quyết số 23/2003/NQ-QH11 ngày 26/11/2003 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nhà đất do Nhà nước quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo XHCN trước ngày 1/7/1991 nên dừng không xem xét giải quyết.

 

Ngôi nhà số 25, Phan Bội Châu, nhiều năm liền luôn ở trong tình trạng khóa cửa, không sử dụng

 

Sau đó, năm 1992, ông Lê Hữu Nghi ủy quyền cho con trai là Lê Hữu Nghị trú tại 365/11 An Hiệp, An Hải Đông, quận 3, Đà Nẵng tiếp tục làm đơn xin trả lại nhà. Ngôi nhà có kết cấu xây dựng 2 tầng, tổng diện tích xây dựng 70m2 , trên thửa đất 59 m2 . Ngôi nhà số 25, Phan Bội Châu là 1 trong 7 ngôi nhà vắng chủ và UBND tỉnh giao UBND thị xã (nay là thành phố) Đông Hà quản lý các ngôi nhà trên. Các ngôi nhà này đều nằm trên hai tuyến đường Phan Bội Châu, thành phố Đông Hà và có chung đặc điểm được xây dựng từ trước năm 1970, năm 1972 chủ sở hữu di tản vào phía Nam, năm 1976 trở về nhưng chính quyền cách mạng chưa xem xét.

 

Năm 1990, UBND thành phố Đông Hà giao cho Công ty TNHH MTV Môi trường và Công trình đô thị (nay là Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị) cho cá nhân thuê để ở và kinh doanh, cho đến năm 2011 thì chấm dứt cho thuê vì đã xuống cấp quá trầm trọng (xây dựng từ những năm 1960-1970, qua chiến tranh, bom đạn tàn phá lại không duy tu, bảo dưỡng nên có nguy cơ sập, đổ). Bà Nguyễn Thị Duyên thuê ngôi nhà số 25 Phan Bội Châu từ năm 1990 và hợp đồng kết thúc từ tháng 6/2008. Tháng 1/2012, UBND tỉnh ban hành 7 quyết định xác lập sở hữu toàn dân đối với 7 ngôi nhà đang được tỉnh quản lý diện vắng chủ, trong đó có ngôi nhà số 25 đường Phan Bội Châu được xác lập tại Quyết định số 02/QĐ-UBND ngày 3/1/2012 của UBND tỉnh. Sau khi xác lập sở hữu toàn dân, các ngôi nhà trên được phá dỡ, đấu giá quyền sử dụng đất, các hộ dân đều chấp hành.

 

Riêng ngôi nhà số 25 đường Phan Bội Châu đang chuẩn bị phá dỡ thì bà Nguyễn Thị Duyên có đơn xin mua ngôi nhà trên theo Nghị định số 61/CP của Chính phủ. Sau khi tiếp nhận đơn của bà Duyên, UBND thành phố Đông Hà đã trả lời tại Công văn số 401/UBND-QLĐT ngày 10/5/2012 với nội dung: “Ngôi nhà sẽ được giải phóng mặt bằng, cắm mốc phân lô để đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định hiện hành. Bà Nguyễn Thị Duyên có thể tham gia đấu giá lô đất này khi có thông báo của cơ quan có thẩm quyền trên phương tiện thông tin đại chúng”.

 

Quá trình giải quyết kiến nghị

 

Sau khi không được UBND thành phố Đông Hà giải quyết đồng ý cho mua lại ngôi nhà số 25 Phan Bội Châu, bà Nguyễn Thị Duyên gửi đơn, thư kiến nghị lên các cơ quan ở trung ương. Ngày 25/9/2012, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 7540/VPCP-KNTN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ - nay là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chuyển đơn của bà Nguyễn Thị Duyên để UBND tỉnh Quảng Trị giải quyết theo thẩm quyền. UBND tỉnh đã có Công văn số 3200/ UBND-NC ngày 11/10/2012 giao UBND thành phố Đông Hà chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan tổ chức cuộc họp để bàn giải quyết kiến nghị của bà Nguyễn Thị Duyên và ngày 15/11/2012 UBND thành phố Đông Hà có Công văn số 1128/UBND-QLĐT trả lời: bà Nguyễn Thị Duyên hợp đồng thuê nhà vắng chủ do UBND thành phố Đông Hà quản lý từ năm 1990 và chấm dứt hợp đồng thuê nhà vào tháng 6/2008, trước thời điểm UBND tỉnh Quảng Trị xác lập sở hữu toàn dân ngôi nhà 25, Phan Bội Châu nên bà không thuộc đối tượng được mua nhà theo Nghị định số 61/CP của Chính phủ.

 

Ngày 18/6/2014, UBND thành phố tiếp tục có Công văn số 621/UBND-VP trả lời kiến nghị của bà Duyên. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Duyên không đồng tình, gửi nhiều đơn thư đến các cơ quan trung ương. Ngày 18/3/2014, Phó Thủ tướng đã chủ trì cuộc họp để nghe quan điểm của Bộ Xây dựng, Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ và UBND tỉnh Quảng Trị về việc giải quyết kiến nghị của bà Nguyễn Thị Duyên. Chấp hành ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, UBND tỉnh chỉ đạo UBND thành phố Đông Hà tổ chức đối thoại với bà Nguyễn Thị Duyên theo Thông báo số 130/TBVPCP ngày 26/3/2014 của Văn phòng Chính phủ.

 

Để giải quyết dứt điểm kiến nghị của bà Duyên, Thanh tra Chính phủ đã thành lập đoàn công tác vào làm việc với UBND tỉnh từ ngày 8/1/2015 và ngày 13/7/2015 đã có Văn bản số 2005/BC-TTCP báo cáo kết luận kiểm tra, rà soát nội dung và việc giải quyết khiếu nại, kiến nghị của bà Nguyễn Thị Duyên, theo đó Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ: “Giao Bộ trưởng Bộ Xây dựng tổ chức kiểm định chất lượng nhà số 25 để có cơ sở giải quyết khiếu nại của bà Duyên. Giao Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo giải quyết khiếu nại của bà Duyên theo hướng: Nếu nhà số 25 sau khi kiểm định còn đủ điều kiện để ở và chưa thực hiện quy hoạch nút giao thông Đinh Tiên Hoàng - Phan Bội Châu thì tiếp tục cho bà Duyên thuê để ở, đến khi thực hiện quy hoạch phải giải tỏa thì chỉ đạo giải quyết cho bà Duyên 1 lô đất tại thành phố Đông Hà để bà có chỗ ở, ổn định cuộc sống”.

 

Ngày 6/11/2015, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Văn phòng Chính phủ đã chủ trì cuộc họp với Bộ Xây dựng, Thanh tra Chính phủ và UBND tỉnh Quảng Trị để bàn biện pháp giải quyết kiến nghị của bà Duyên. Tại cuộc họp này, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Kiều Đình Thụ kết luận, giao UBND tỉnh Quảng Trị giải quyết theo thẩm quyền. Chấp hành chỉ đạo nói trên, UBND tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND thành phố Đông Hà và các cơ quan liên quan thành lập Hội đồng kiểm định chất lượng ngôi nhà để có cơ sở giải quyết kiến nghị của bà Nguyễn Thị Duyên.

 

Trong quá trình thực hiện việc kiểm định, Trung tâm Quy hoạch và Kiểm định xây dựng gặp nhiều khó khăn do bà Duyên không hợp tác, cụ thể: Lần 1 vào ngày 5/8/2016, bà Nguyễn Thị Duyên cản trở, không hợp tác nên Trung tâm Quy hoạch và Kiểm định xây dựng không thực hiện được công việc kiểm định tại ngôi nhà số 25, đường Phan Bội Châu, thành phố Đông Hà; lần 2 vào ngày 16/9/2016, Hội đồng kiểm định đã kiểm định được phần tầng 1 ngôi nhà số 25, đường Phan Bội Châu, thành phố Đông Hà, sau đó bà Nguyễn Thị Duyên cản trở, không hợp tác nên không kiểm định được tầng 2.

 

Trên cơ sở đó, ngày 3/10/2016, Sở Xây dựng có Báo cáo số 1203/BC-SXD trình UBND tỉnh về việc kiểm tra, đánh giá chất lượng ngôi nhà số 25, đường Phan Bội Châu, thành phố Đông Hà với nội dung kết luận: “Căn cứ Tiêu chuẩn TCVN 9381:2012 về Hướng dẫn đánh giá mức độ nguy hiểm của kết cấu nhà: Ngôi nhà số 25, đường Phan Bội Châu, thành phố Đông Hà xuất hiện tình trạng nguy hiểm, khả năng chịu lực của một số bộ phận kết cấu không thể đáp ứng yêu cầu sử dụng bình thường. Do đó, việc sử dụng ngôi nhà không đảm bảo an toàn, đặc biệt là trong mùa mưa bão”.

 

Bà Nguyễn Thị Duyên có đủ điều kiện mua nhà theo Nghị định 61 hay không?

 

Trả lời phóng viên về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch UBND thành phố Đông Hà khẳng định: Căn cứ vào những quy định pháp luật và thực tế tình hình địa phương, việc UBND thành phố Đông Hà không bán ngôi nhà số 25 Phan Bội Châu cho bà Nguyễn Thị Duyên là có cơ sở và đúng pháp luật. Lý do là bà Nguyễn Thị Duyên không thuộc đối tượng mua nhà theo Nghị định 61 của Chính phủ; ngôi nhà đã xuống cấp, không đảm bảo an toàn; ngôi nhà nằm trong quy hoạch giải tỏa, mở rộng nút giao thông Đinh Tiên Hoàng - Phan Bội Châu. Ngoài ra, bà Nguyễn Thị Duyên không thuộc diện khó khăn về nhà ở.

 

Để làm rõ các lý do đưa ra, UBND thành phố Đông Hà dẫn chứng rằng bà Duyên thuê nhà vắng chủ chứ không phải thuê nhà thuộc sở hữu nhà nước, nên không phải là đối tượng “đang thuê” theo quy định tại Mục a Khoản 2 Phần II Thông tư số 19/2005/TTBXD ngày 1/12/2005 của Bộ Xây dựng. Vì vậy, bà Nguyễn Thị Duyên không thuộc đối tượng được mua nhà theo quy định tại Điều 5 và Điều 6 Nghị định số 61/CP ngày 5/7/1994 của Chính phủ về mua bán và kinh doanh nhà ở. Việc bà Duyên nộp tiền thuê nhà đến 6 tháng đầu năm 2012 cho nhân viên thu ngân của Công ty TNHH MTV Môi trường và Công trình Đô thị Đông Hà để tiếp tục lưu trú tại nhà số 25 Phan Bội Châu khi Công ty này đã thanh lý hợp đồng thuê nhà, là do Kế toán thanh toán dịch vụ mới tiếp nhận không biết chủ trương nên đã xuất hóa đơn thu tiền thuê nhà từ tháng 1-6/2012 (thu 6 tháng/lần), Công ty đã yêu cầu bộ phận kế toán xuất phiếu chi trả lại tiền cho bà Duyên và nhiều lần thông báo cho bà Duyên nhận lại tiền, bàn giao lại nhà nhưng bà Duyên không thực hiện. Đây là giao dịch dân sự, nếu có phát sinh tranh chấp thì giải quyết theo quy định của pháp luật về dân sự.

 

Ngôi nhà số 25, đường Phan Bội Châu là 1 trong 7 ngôi nhà trên đường Phan Bội Châu, thành phố Đông Hà được UBND tỉnh Quảng Trị ban hành Quyết định xác lập sở hữu toàn dân cùng một thời điểm đều được xây dựng trước năm 1970, trong thời kỳ chiến tranh bị ảnh hưởng nặng nề của bom, đạn; quá trình sử dụng không duy tu, bảo dưỡng nên đã xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo an toàn sử dụng. Năm 2006, UBND thành phố Đông Hà thành lập Hội đồng xác định chất lượng nhà vắng chủ, kết quả các ngôi nhà nói trên xuống cấp, thấm dột, hư hỏng nặng, sử dụng không an toàn và kiến nghị Nhà nước phá dỡ, giải phóng mặt bằng. Đến ngày 10/1/2011, Công ty TNHH MTV Môi trường và Công trình đô thị Đông Hà có Tờ trình số 01/ TTr-CT gửi UBND thành phố Đông Hà đề nghị và đã được UBND thành phố Đông Hà đồng ý tại Công văn số 38/UBND-ĐT ngày 17/1/2011, theo đó, chỉ đạo đơn vị quản lý đóng cửa, chấm dứt cho thuê vì không đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân.

 

Căn cứ pháp luật của việc chấm dứt hợp đồng thuê nhà ở, phá dỡ các căn nhà đã xuống cấp được UBND thành phố Đông Hà thực hiện theo quy định tại Khoản 4 Điều 102; Khoản 1 Điều 83 Luật Nhà ở năm 2005. Bên cạnh đó, ngôi nhà số 25, đường Phan Bội Châu nằm trong quy hoạch điểm nút giao thông giao nhau giữa đường Phan Bội Châu - Đinh Tiên Hoàng thuộc diện phải phá dỡ, giải phóng mặt bằng, cắt góc mở rộng tầm nhìn, đảm bảo an toàn giao thông. Trong quá trình xem xét, giải quyết các kiến nghị của bà Duyên, UBND tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo UBND thành phố Đông Hà hết sức quan tâm đến tình hình thực tế của địa phương, đó là, mặc dù số lượng nhà vắng chủ không đáng kể nhưng hàng chục năm qua các hộ dân là chủ cũ các căn nhà nói trên liên tục có nhiều đơn, thư gửi các cấp, các ngành xin lại nhà nhưng không được giải quyết vì theo quy định tại Nghị quyết số 23/2003/NQ-QH11 ngày 26/11/2003 của Quốc hội: “Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại nhà đất mà Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách về quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa liên quan đến nhà đất”.

 

Như vậy, nếu giải quyết theo hướng bán nhà 25, Phan Bội Châu cho bà Nguyễn Thị Duyên sẽ tạo ra sự thiếu công bằng xã hội, không những sẽ phát sinh khiếu kiện của các hộ dân trước đây đã thuê nhà vắng chủ của Nhà nước (như bà Duyên) đã tự nguyện trả lại nhà, nay thành phố Đông Hà đã phá dỡ, đấu giá mà các chủ cũ các ngôi nhà nói trên cũng sẽ đồng loạt có đơn tiếp tục đòi chính quyền trả lại nhà, gây bức xúc, khiếu kiện, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Ngoài việc áp dụng các quy định của pháp luật, tình hình thực tế của địa phương, UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND thành phố xem xét nguyện vọng về nhu cầu nhà ở của bà Nguyễn Thị Duyên để có kiến nghị UBND tỉnh xem xét giải quyết, đảm bảo quyền về chỗ ở hợp pháp của công dân. UBND thành phố Đông Hà đã tiến hành xác minh, lấy ý kiến các địa phương liên quan cho thấy, từ năm 2011, bà Nguyễn Thị Duyên đã không thường trú tại Quảng Trị mà vào sinh sống tại số căn hộ số 8, Cao Xuân Dục, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng cho đến nay.

 

Ngôi nhà tại số 25 Phan Bội Châu từ sau năm 1998 không còn sử dụng để ở hoặc kinh doanh và thường xuyên trong tình trạng khóa cửa. Bên cạnh đó, tại thôn Phú Hậu, xã Cam An, huyện Cam Lộ (cách trung tâm thành phố Đông Hà 3 km) nơi bà Duyên đăng ký hộ khẩu thường trú, có căn nhà trên thửa đất số 145, tờ bản đồ số 17, mặt tiền Quốc lộ 1, có diện tích 1.375 m2 (200 m2 đất ở, 965 m2 đất vườn, 210 m2 đất vườn tạm giao), như vậy bà Duyên không thuộc diện khó khăn về đất ở và nhà ở. Bên cạnh đó, UBND thành phố Đông Hà đã đề xuất và được UBND tỉnh đồng ý về chủ trương giao cho bà Nguyễn Thị Duyên một lô đất có thu tiền sử dụng đất theo quy định pháp luật nếu bà Duyên có nhu cầu sinh sống lâu dài tại thành phố Đông Hà. Từ những cứ liệu thu thập được và diễn biến sự việc, câu trả lời “Vì sao UBND thành phố Đông Hà không bán ngôi nhà số 25 Phan Bội Châu cho công dân?” xin được gửi lại cho bạn đọc.

 

Thảo Uyên

 

 

931 Go top

Sự kiện nổi bật

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 808
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 808
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87028723