Vụ giao đất giá rẻ ở Bình Thuận: DN sẵn sàng bồi thường 45 tỷ đồng 

Tại phiên xét xử 12 cựu lãnh đạo tỉnh Bình Thuận, ngày 11/5, đại diện Công ty Tân Việt Phát (doanh nghiệp được nhận đất giá rẻ trong vụ án), cho biết sẵn sàng bồi thường số tiền thiệt hại 45 tỷ đồng. Kim Anh (TTXVN/Vietnam+)
Vụ giao đất giá rẻ ở Bình Thuận: DN sẵn sàng bồi thường 45 tỷ đồng

Ngày 11/5, tại phiên tòa xét xử 12 cựu lãnh đạo tỉnh Bình Thuận, đại diện Công ty Tân Việt Phát (doanh nghiệp được nhận đất giá rẻ trong vụ án), cho biết sẵn sàng bồi thường số tiền thiệt hại 45 tỷ đồng do giao đất sai quy định.

Đại diện công ty này không thắc mắc gì về con số số thiệt hại 45 tỷ đồng đã được cơ quan định giá xác định.

Theo đại diện Công ty Tân Việt Phát, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận tổ chức đấu giá khu đất hơn 92.000m2 tại phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết. Song việc đấu giá có khó khăn vướng mắc, 6 lần đấu giá không thành do tại miếng đất nhiều mồ mả.

Vì vậy, năm 2017, Công ty Tân Việt Phát có văn bản đề nghị lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận giao đất cho công ty theo hình thức không qua đấu giá, chứ không đề cập gì về giá giao đất.

Trả lời câu hỏi của Hội đồng xét xử về mối quan hệ giữa công ty và các bị cáo nguyên là lãnh đạo tỉnh, sở ban ngành tỉnh Bình Thuận, đại diện công ty khẳng định thời điểm đó, Công ty Tân Việt Phát không tiếp xúc cá nhân với các bị cáo và các bị cáo không hưởng lợi ích vật chất gì từ công ty.

Sau khi được cấp 92.000m2 đất, Công ty Tân Việt Phát phân thành 500 lô đất, diện tích mỗi thửa từ 100-2.000m2 và được tỉnh cấp 500 sổ đỏ cho 500 lô đất này. Công ty đã chuyển nhượng 475 lô đất với giá 6-7,3 triệu đồng/m2. Công ty Tân Việt Phát đã thu 50% số tiền bán đất, tổng trị giá gần 500 tỷ đồng.

[Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận thừa nhận giao đất công với giá rẻ]

Có mặt tại Tòa với tư cách là nguyên đơn dân sự trong vụ án, đại diện Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận bày tỏ mong muốn thu hồi thiệt hại vụ án, sung ngân sách Nhà nước.

Đại diện Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận xin Hội đồng xét xử xem xét những thành tích cống hiến của các bị cáo cho địa phương trong nhiều năm qua để cho họ được hưởng khoan hồng của pháp luật.

Nguyên đơn dân sự cho rằng, thực tế, khu đất thời đó là nghĩa địa mồ mả, có nhiều hố sau khi di dời hài cốt. Do đó, phần lớn các nhà đầu tư không quan tâm, khó tiến hành đấu giá. Mặt khác, áp lực thu ngân sách tỉnh rất lớn, các bị cáo nôn nóng hành động vì mục đích chung của tỉnh, không có động cơ vụ lợi.

Theo cáo trạng, năm 2013, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận chủ trương bán đấu giá 3 lô đất diện tích hơn 92.000m2, giá khởi điểm hơn 111 tỷ đồng (1,2 triệu đồng/m2) để xây nhà ở thương mại nhưng không có đơn vị, cá nhân nào tham gia.

Hai năm sau, giá đất ở Bình Thuận liên tục tăng. Tháng 7/2016, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nguyễn Ngọc Hai ra quyết định điều chỉnh giá đất ở khu vực có ba lô đất trên lên 1,6 triệu đồng/m2.

Đầu năm 2017, Công ty Tân Việt Phát có công văn gửi Ủy ban Nhân dân tỉnh xin giao ba lô đất này không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất để làm Trung tâm Thương mại dịch vụ và dân cư đô thị Tân Việt Phát 2.

Sở Tài nguyên và Môi trường có công văn tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh về việc giao chỉ tính giá khởi điểm ban đầu năm 2013 (1,2 triệu đồng/m2). Sở Tài chính đồng ý với giá đó.

Tháng 2/2017, Ủy ban Nhân dân tỉnh gửi công văn cho Sở Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Phát triển quỹ đất, đồng ý chủ trương giao đất cho Công ty Tân Việt Phát với đề xuất trên.

Doanh nghiệp sau đó nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, rồi được giao đất thực hiện dự án. Hành vi của các bị cáo gây thất thoát ngân sách Nhà nước hơn 45 tỷ đồng.

Vu giao dat gia re o Binh Thuan: DN san sang boi thuong 45 ty dong hinh anh 2Các bị cáo tại phiên tòa. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Tại phiên tòa sáng 11/5, luật sư bào chữa cho cựu Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bình Thuận Ngô Hiếu Toàn đặt câu hỏi với cựu Giám đốc Sở này là Nguyễn Văn Phong về việc phân công công việc của các lãnh đạo trong Sở; trong đó bị cáo Toàn được phân công phụ trách quản lý giá, bồi thường giải phóng mặt bằng nhưng lại không được phân công việc xác định giá đất cụ thể.

Về việc này, bị cáo Phong khai phân công việc tham gia xác định giá đất cụ thể cho một lãnh đạo khác của Sở vì người này có kinh nghiệm hơn.

Bị cáo Toàn chưa có nhiều kinh nghiệm về giá đất cụ thể nên chỉ phụ trách về công sản. Trên cơ sở đó, luật sư xác định bị cáo Toàn không có kinh nghiệm cũng như không có thẩm quyền trong việc xác định giá đất.

Theo cáo trạng, Ngô Hiếu Toàn là Phó Giám đốc Sở Tài chính, biết rõ theo quy định của pháp luật, thời điểm tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất là thời điểm Nhà nước quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất và những quy định của pháp luật về thẩm định giá và thời hiệu của việc thẩm định giá.

Trên cơ sở Phiếu trình của Phòng Quản lý giá và công sản, ngày 20/2/2017, Ngô Hiếu Toàn đã đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường thông báo rộng rãi việc bán đất, nếu không bán được thì báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh cho giao đất không qua đấu giá.

Tuy nhiên, sau đó, Ngô Hiếu Toàn thay đổi nội dung chỉ đạo, yêu cầu Phòng Quản lý giá và Công sản chỉnh sửa dự thảo văn bản để Toàn ký trả lời Sở Tài nguyên và Môi trường theo hướng: thống nhất với Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận cho chủ trương giao đất mà không phải đấu giá quyền sử dụng đất đối với 3 lô đất trong vụ án.

Bị cáo Toàn khai việc thay đổi nội dung trả lời là theo chỉ đạo của cựu Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Văn Phong. Tuy nhiên, bị cáo Nguyễn Văn Phong không thừa nhận nội dung này./.

Kim Anh (TTXVN/Vietnam+)
264 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Giáo dục

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 2828
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 2828
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 76300046