Vụ CDC Hà Nội: Nguyễn Nhật Cảm nói mong có máy nhanh để chống dịch 

Luật sư Đỗ Ngọc Quang nêu quan điểm, bị cáo Nguyễn Nhật Cảm không tự ý quyết định việc mua hệ thống máy móc này mà buộc phải mua theo yêu cầu phòng, chống dịch của các cơ quan chức năng. Kim Anh-Nguyễn Cúc (TTXVN/Vietnam+)
Vụ CDC Hà Nội: Nguyễn Nhật Cảm nói mong có máy nhanh để chống dịch

Chiều 11/12, Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội (CDC Hà Nội) tiếp tục với phần tranh luận. Các luật sư trình bày quan điểm gỡ tội cho các bị cáo.

Đối đáp lại, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa khẳng định, trong vụ án này, các bị cáo đã câu kết, cố tình giả mạo chứng từ để thanh toán tiền mua máy xét nghiệm COVID-19.

Luật sư: Các bị cáo làm theo mệnh lệnh của cấp trên

Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Nhật Cảm (nguyên Giám đốc CDC Hà Nội), luật sư Đỗ Ngọc Quang cho rằng, bị cáo Nguyễn Nhật Cảm không biết giá nhập máy xét nghiệm COVID-19 là bao nhiêu vì các nhà cung cấp (trong đó có cả Công ty Phương Đông) luôn giữ bí mật kinh doanh về giá nhập hàng hóa. Do đó, theo luật sư, không có cơ sở để nói bị cáo Nguyễn Nhật Cảm nâng khống giá máy xét nghiệm COVID-19.

Luật sư Đỗ Ngọc Quang nêu quan điểm, bị cáo Nguyễn Nhật Cảm không tự ý quyết định việc mua hệ thống máy móc này mà buộc phải mua theo yêu cầu phòng, chống dịch của các cơ quan chức năng.

Luật sư cũng cho rằng, trước khi quyết định mua, bị cáo Nguyễn Nhật Cảm đã tham khảo, so sánh giá với nhiều đơn vị y tế khác ở trong nước. Theo luật sư Đỗ Ngọc Quang, giá mà bị cáo Nguyễn Nhật Cảm đề xuất còn thấp hơn so với giá mua thiết bị xét nghiệm COVID-19 của nhiều địa phương khác.

Luật sư cũng phân tích về động cơ vụ lợi của bị cáo Nguyễn Nhật Cảm trong vụ án. Theo luật sư, ngay tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Nhật Cảm đã phủ nhận lời khai của bị cáo Nguyễn Ngọc Nhất về chi phí 15% giá máy để bồi dưỡng cho những người tham gia phòng, chống dịch.

Ngay cả bị cáo Nhất cũng chỉ nói tự nguyện ủng hộ phong trào phòng, chống dịch và chi 15% cho CDC Hà Nội chứ không phải cho cá nhân bị cáo Nguyễn Nhật Cảm.

[Xử vụ án ở CDC Hà Nội: Nguyễn Nhật Cảm bị đề nghị mức án 10-11 năm tù]

Các luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo nguyên là cán bộ, nhân viên của CDC Hà Nội cũng phân tích về hành vi phạm tội của các bị cáo. Trong đó, hầu hết các luật sư cho rằng, các bị cáo không hề biết việc thỏa thuận về giá mua mà chỉ chấp hành mệnh lệnh của cấp trên. Các bị cáo chỉ mong mua được máy để phòng, chống dịch, còn việc mua máy gì, giá bao nhiêu là việc của cấp trên, của người có thẩm quyền quyết định.

Một số luật sư cũng cho rằng, các bị cáo làm việc tại CDC Hà Nội không có chuyên môn về đấu thầu. Các bị cáo không hiểu luật nên không để ý về việc thời gian bị điều chỉnh lùi lại trong các tài liệu hồ sơ thầu.

Viện kiểm sát: Động cơ vụ lợi trong vụ án là rõ rệt

Đối đáp lại quan điểm của các luật sư, kiểm sát viên trung cấp Nguyễn Ngọc Ước khẳng định, trong lời khai tại cơ quan điều tra và tại phiên tòa, hầu hết các bị cáo đều thừa nhận có thực hiện hành vi sai phạm trong quá trình chỉ định thầu. Chỉ cần 1 khâu sai sẽ kéo theo cả quy trình sai, gây thiệt hại cho Nhà nước.

Công tố viên xác định, đa số các bị cáo đều nhận thức được hành vi của mình gây thiệt hại cho dù tại thời điểm thực hiện hành vi là vô tình hay cố ý, do đó có cơ sở để kết luận các bị cáo đã tiếp nhận ý chí của bị cáo Nguyễn Nhật Cảm. Đây chính là dấu hiệu hành vi đồng phạm của các bị cáo. Vai trò đồng phạm của các bị cáo còn thể hiện rõ ở việc các bị cáo dưới quyền đều không từ chối thực hiện các chỉ đạo của bị cáo Cảm trong cuộc họp hoặc qua email, tin nhắn điện thoại.

Vu CDC Ha Noi: Nguyen Nhat Cam noi mong co may nhanh de chong dich hinh anh 1Đại diện Viện kiểm sát đọc Bản cáo trạng truy tố các bị cáo. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Kiểm sát viên cao cấp Nguyễn Đức Bằng (giữ quyền công tố tại phiên tòa) đã phân tích rõ vai trò, trách nhiệm của các bị cáo trong vụ án, trong từng khâu của quá trình đấu thầu.

Đặc biệt, nhấn mạnh đến động cơ vụ lợi của các bị cáo khi thực hiện hành vi sai phạm, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, tại thời điểm xảy ra vụ án, dịch COVID-19 đang diễn ra phức tạp, việc mua bán thiết bị y tế nhằm mục đích phòng, chống dịch. Tuy nhiên, các bị cáo đã lợi dụng việc mua bán trong thời điểm này để thực hiện hành vi sai phạm nhằm động cơ vụ lợi, cấu kết cùng nhau giả mạo hồ sơ, chứng từ để thanh toán tiền mua máy xét nghiệm COVID-19.

Trước quan điểm của một số luật sư cho rằng, không có việc các bị cáo móc nối, câu kết nâng giá và không có động cơ vụ lợi, đại diện Viện kiểm sát nêu rõ, tài liệu điều tra và lời khai của các bị cáo Nguyễn Nhật Cảm, Nguyễn Ngọc Nhất, Nguyễn Thanh Tuyền, Đào Thế Vinh (nguyên cán bộ CDC Hà Nội) đều thể hiện việc các bị cáo đã gặp gỡ, bàn bạc, thỏa thuận về giá.

Sau khi gặp nhau, bị cáo Tuyền đã chỉ đạo nhân viên làm 3 báo giá, trong đó có 2 báo giá giả. Các báo giá này chính là cơ sở để CDC Hà Nội sử dụng vào việc xây dựng dự toán thầu, xác định giá đấu thầu. Thêm vào đó, bị cáo Nguyễn Ngọc Nhất và Nguyễn Thanh Tuyền đều khai nhận đã bàn chi 15% cho bị cáo Cảm.

Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Nhật Cảm cũng thừa nhận Nhất có hứa chi nhưng không nhớ là bao nhiêu. Trong vụ án này, bị cáo Đào Thế Vinh cũng được hưởng lợi 1,5% giá trị hợp đồng. Như vậy, các bị cáo Cảm, Nhất, Tuyền, Vinh đều có lợi ích trong gói thầu này, động cơ vụ lợi là rất rõ rệt.

Các bị cáo mong được giảm nhẹ hình phạt

Nói lời sau cùng tại Tòa, hầu hết các bị cáo đều trình bày các tình tiết giảm nhẹ cho mình, phân tích hoàn cảnh phạm tội, nhận thức pháp luật không đầy đủ… Qua đó, các bị cáo mong được Hội đồng xét xử, đại diện Viện Kiểm sát xem xét cho các bị cáo được hưởng khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt để bị cáo sớm được quay trở về với gia đình, tái hòa nhập cộng đồng.

Bị cáo Nguyễn Nhật Cảm trình bày, bị cáo không có động cơ mục đích nào khác ngoài mong muốn có máy xét nghiệm càng nhanh càng tốt để chống dịch hiệu quả và phải đảm bảo chất lượng. Bị cáo cũng không lén lút gặp bị cáo Nguyễn Thanh Tuyền (nhân viên Công ty Phương Đông) mà vì trước đó giao cho cấp dưới tìm máy đều không dùng được.

Vu CDC Ha Noi: Nguyen Nhat Cam noi mong co may nhanh de chong dich hinh anh 2Quang cảnh phiên tòa. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Do thời gian gấp nên bị cáo Nguyễn Nhật Cảm mới chủ động liên hệ với bị cáo Tuyền để hỏi mua máy nhưng không thỏa thuận, thông đồng về giá cả. Bị cáo Nguyễn Nhật Cảm cảm ơn Hội đồng xét xử đã điều hành phiên tòa một cách công tâm, giúp bị cáo thức tỉnh, nhận ra sai phạm và rất ân hận về hành vi của mình.

Bị cáo Cảm xin Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt để bị cáo có cơ hội trở về gia đình và xã hội, tiếp tục cống hiến cho công tác y tế dự phòng. Ngoài ra, bị cáo Cảm cũng xin Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo nguyên là những cán bộ của CDC Hà Nội, bởi họ là những người làm công ăn lương, thực hiện chức trách nhiệm vụ và không có lợi ích cá nhân nào.

Trong lời nói sau cùng, bị cáo Nguyễn Vũ Hà Thanh (nguyên Trưởng phòng Tài chính kế toán, CDC Hà Nội) cho biết đã nhận thức được và rất ân hận về hành vi sai phạm của mình. Bị cáo Thanh cho biết bị áp lực công việc trong giai đoạn dịch diễn ra phức tạp, bản thân không biết gì về việc gặp gỡ, thỏa thuận trước đó của các bị cáo khác. Bị cáo Thanh mong muốn Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho mình.

Các bị cáo: Nguyễn Ngọc Nhất (nhân viên Công ty Vitech), Nguyễn Trần Duy (nguyên Tổng Giám đốc Công ty Nhân Thành) cảm ơn Hội đồng xét xử đã công tâm. Các bị cáo đã nhận thức được trách nhiệm của mình trong vụ án này và thấy ân hận, mong được hưởng sự khoan hồng của pháp luật, xin Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt.

Chiều 12/12, Hội đồng xét xử sẽ tuyên án./.

Kim Anh-Nguyễn Cúc (TTXVN/Vietnam+)
611 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Giáo dục

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 953
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 953
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87051434