Chiều 13/7, phiên tòa xét xử sơ thẩm 14 bị cáo trong vụ án buôn lậu gần 200 triệu lít xăng tiếp tục với phần xét hỏi của Hội đồng xét xử, đại diện Viện Kiểm sát và các luật sư đối với các bị cáo.
Trả lời thẩm vấn xung quanh hành vi nhận hối lộ, nhiều bị cáo khai báo quanh co, bất nhất, thậm chí nhiều mâu thuẫn với lời khai của mình trước đó tại cơ quan điều tra.
Trả lời câu hỏi của luật sư, bị cáo Nguyễn Văn Hùng (cựu Thượng tá, Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Trường Long Hòa, Bộ đội Biên phòng tỉnh Trà Vinh) cho rằng thời gian đầu khi tiếp xúc với Phan Thanh Hữu - Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại Phan Lê Hoàng Anh, Hùng không biết Hữu làm việc gì trên biển, sau đó bị cáo đoán là Hữu có hành vi vi phạm gì đó.
Cuối năm 2020, Hùng mới nghĩ đến, có thể Hữu có hành vi buôn lậu. Hùng khai, đến khi bị cáo bị bắt mới biết, suy nghĩ cuối cùng của bị cáo là đúng.
Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, bị cáo Nguyễn Văn Hùng khai biết việc Hữu đưa tiền cho mình là nhằm hối lộ để bỏ qua, không khám xét, bắt giữ các tàu Nhật Minh của Hữu vận chuyển xăng lậu trên biển.
[Vụ buôn lậu gần 200 triệu lít xăng: Làm rõ hành vi nhận hối lộ]
Giải thích về lời khai mâu thuẫn này, Hùng khai do khi mới bị bắt giữ, tâm trạng bị cáo rối loạn, căng thẳng và bất ổn nên có nhiều lời khai không chính xác. Đến khi bị đại diện Viện Kiểm sát truy hỏi, Hùng mới thừa nhận là Hữu có nói với Hùng về việc vận chuyển xăng dầu qua vùng biển mà Hùng quản lý.
Khai tại tòa, nhân chứng Phan Thanh Hữu cho rằng việc mình đưa cho Hùng mỗi tháng 500 triệu đồng là nhằm hối lộ để cho tàu vận chuyển xăng lậu của Hữu đi trên biển được an toàn, không bị bắt giữ.
Số tiền 500 triệu đồng này, Hùng đứng ra làm đầu mối nhận tiền và chi cho Phạm Văn Trên (cựu Đại tá, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Trà Vinh) 100 triệu đồng, chi cho Lê Văn Phương (cựu Thượng tá, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Trà Vinh) 30 triệu đồng và chi cho Phạm Hồ Hải (Trưởng đại diện Cảng vụ hàng hải Cần Thơ tại Duyên Hải, Trà Vinh) 30 triệu đồng.
Cũng liên quan đến bị cáo Hùng, tại cơ quan điều tra, lúc đầu bị cáo Hùng khai số tiền 330 triệu đồng mà Hùng đưa cho bị cáo Phạm Hồ Hải là số tiền Hùng vay và trả nợ cho Hải. Nhưng khi thấy Hải cũng bị bắt giữ, Hùng lại thay đổi lời khai và cho biết đó là khoản tiền hối lộ của Hữu đưa cho Hải.
Tuy nhiên, tại tòa, nhân chứng Phan Thanh Hữu lại cho rằng 330 triệu đồng mà Hữu gửi cho Hải chỉ là tiền “bồi dưỡng," không phải tiền đưa hối lộ bởi “trên thực tế, bị cáo Hải không có quyền kiểm tra hàng hóa trên tàu của tôi, mà chỉ có thể kiểm tra được giấy tờ tàu của tôi," nhân chứng Hữu nhấn mạnh nhiều lần.
Theo cáo trạng, trong thời gian từ tháng 9/2019 đến tháng 12/2020, Hùng đã nhận hối lộ số tiền hơn 6,3 tỷ đồng của Hữu để bỏ qua, không chỉ đạo Đồn Trường Long Hòa tiến hành kiểm tra, kiểm soát quá trình các tàu Nhật Minh 06, 07, 08, 09 của Hữu vận chuyển xăng lậu từ biển qua Kênh Quanh Chánh Bố vào tiêu thụ trong nội địa.
Ngoài ra, Hùng còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để 2 lần chỉ đạo lực lượng Đồn Trường Long Hòa tiến hành kiểm tra các tàu Nhật Minh của Hữu nhưng không xử lý, giúp các tàu Nhật Minh không bị các lực lượng chức năng khác trên địa bàn tỉnh Trà Vinh kiểm tra, bắt giữ.
Tiếp tục xét hỏi bị cáo Nguyễn Thế Anh (cựu Đại tá, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang), đại diện Viện Kiểm sát hỏi bị cáo về danh sách cuộc gọi từ số điện thoại của Thế Anh đến Phan Thanh Hữu thì Thế Anh phủ nhận việc có liên lạc điện thoại với Hữu.
Đồng thời, bị cáo Thế Anh bác bỏ toàn bộ cáo buộc của Viện Kiểm sát về việc bị cáo có quan hệ và nhận tiền hối lộ của Phan Thanh Hữu.
Theo cáo trạng truy tố, vì tư lợi và lợi dụng chức vụ, quyền hạn, Nguyễn Thế Anh đã đồng ý nhận hối lộ của Hữu với số tiền 6,2 tỷ đồng và 560.000 USD để giúp đỡ, bao che, “bảo kê” cho hoạt động buôn lậu xăng của Hữu.
Sáng 14/7, phiên tòa chuyển sang phần tranh luận. Đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa sẽ trình bày bản luận tội và đề nghị mức án đối với 14 bị cáo trong vụ án./.
Kim Anh (TTXVN/Vietnam+)