Vụ án PVN góp vốn 800 tỷ đồng vào OceanBank: Các bị cáo xin được hưởng khoan hồng của pháp luật 

(ĐCSVN) - Ngày 24/3, phiên tòa xét xử bị cáo Đinh La Thăng và các đồng phạm trong vụ án Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) góp vốn 800 tỷ đồng vào Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) tiếp tục với phần tranh luận. Trước khi nghị án, Hội đồng xét xử (HĐXX) đã cho các bị cáo nói lời sau cùng.
Vụ án PVN góp vốn 800 tỷ đồng vào OceanBank: Các bị cáo xin được hưởng khoan hồng của pháp luật

Nói lời sau cùng, bị cáo Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị/Hội đồng thành viên PVN) đã cảm ơn  HĐXX,  đại diện Viện Kiểm sát đã tạo điều kiện cho các luật sư được bào chữa cho bị cáo và các bị cáo khác; cũng như đã  tận tâm, chia sẻ những biến cố của cuộc đời bị cáo.

Bị cáo Đinh La Thăng bày tỏ tâm tư với mức án trước mắt và cả bản án 13 năm của phiên tòa trước (vụ liên quan đến triển khai Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, xử tháng 1/2018).

“Đau đớn hơn cả chính là sự mất mát trong lòng tin của lãnh đạo Đảng và người dân, dù bị cáo có xin lỗi ngàn lần cũng không sao hết được nỗi đau này. Bị cáo mong HĐXX xem xét, phán quyết công tâm, khách quan, có đường lối xử lý nhân đạo, khoan hồng đối với bị cáo”, bị cáo Đinh La Thăng nói.

Phiên tòa xét xử ngày 24/3. (Ảnh: TTXVN)

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN) đề nghị HĐXX và đại diện Viện Kiểm sát xem xét cho các bị cáo là đồng nghiệp của bị cáo tại PVN, mong HĐXX có phán quyết độ lượng, khoan hồng với các bị cáo trong vụ án này.

Bày tỏ sự ăn năn, hối hận vì những việc mình đã làm, bị cáo Ninh Văn Quỳnh (nguyên Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban Tài chính kế toán và Kiểm toán PVN) khẳng định trong suốt quá trình làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo đã trung thực khai báo, giúp cơ quan điều tra làm rõ nội dung vụ án. Trong 37 năm công tác, bị cáo đã có nhiều thành tích  nhưng tất cả những thứ đó cũng không làm vơi bớt những hành vi sai phạm của bị cáo.

“Những sai phạm của bị cáo đã làm mất lòng tin của Đảng và Nhà nước, của nhân dân. Bị cáo mong Hội đồng xét xử xem xét, giảm bớt mức án cho bị cáo để bị cáo còn có cơ hội trở về với gia đình”, bị cáo Ninh Văn Quỳnh nói.

Trước đó, trong phần đối đáp với luật sư, đại diện Viện Kiểm sát khẳng định: Ý kiến của luật sư cho rằng các thành viên Hội đồng quản trị đã biết và thống nhất để bị cáo Đinh La Thăng thỏa thuận góp vốn số 6934 ngày 18/9/2008 với Hà Văn Thắm là không có căn cứ. Việc thỏa thuận góp vốn theo văn bản số 6934 được ký kết giữa bị cáo Đinh La Thăng với tư cách là Chủ tịch Hội đồng quản trị PVN (đại diện PVN) và Hà Văn Thắm (Chủ tịch Hội đồng quản trị OceanBank, đại diện OceanBank), nhưng các thành viên Hội đồng quản trị PVN chỉ biết thỏa thuận này tại cuộc họp ngày 30/9/2008. Mặt khác, theo quy định của Điều lệ tổ chức hoạt động của PVN thì vấn đề này phải được đưa ra Hội đồng quản trị PVN thảo luận, lấy ý kiến và biểu quyết theo nguyên tắc tập thể.

Đại diện Viện Kiểm sát nêu rõ, bản thân bị cáo Đinh La Thăng cũng ý thức được vi phạm này nên vào đầu năm 2017 khi bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiến hành kiểm tra, bị cáo Thăng đã nhờ các ông bà Hoàng Xuân Hùng, Trần Ngọc Cảnh, Phan Thị Hòa, Đỗ Văn Đạo (nguyên thành viên Hội đồng quản trị PVN) xác nhận bị cáo đã có bàn bạc thống nhất về chủ trương và giao cho bị cáo Đinh La Thăng thực hiện.

Về việc nhiều luật sư cho rằng các bị cáo không cố ý làm trái, không cố ý thực hiện hành vi dẫn đến việc PVN mất 800 tỷ, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng cáo trạng đã nêu rõ hành vi, chứng cứ thể hiện các bị cáo làm trái. Hành vi làm trái của bị cáo Thăng và đồng phạm được thể hiện qua việc ký thỏa thuận góp vốn với Oceanbank không thông qua Hội đồng quản trị, góp vốn 400 tỷ (lần 1) khi chưa có ý kiến của Thủ tướng, không thực hiện yêu cầu Bộ Tài chính và ký Nghị quyết tăng vốn góp 100 tỷ vi phạm Luật Tổ chức tín dụng 2010.

Tại phiên tòa, luật sư cho rằng quy kết cho bị cáo Thăng về hành vi ký quyết định cử bà Vũ Thị Thanh Hương là người đại diện 20% vốn của PVN tại OceanBank là phi pháp lý vì lúc đó tại PVN vốn nắm giữ là 20%, nếu 15% thì 5% là đi đâu, ai quản lý mà đây lại là tài sản của Nhà nước.

Đại diện Viện Kiểm sát chỉ ra, đây là tư duy không phù hợp với quy định của pháp luật. Nếu đại diện chủ sở hữu ký quyết định cử người đại diện phần vốn 15% của PVN tại OceanBank thì họ phải hiểu rõ lý do tại sao phải ký và phải làm gì để xử lý 5% vốn đó vì đây là để bảo toàn vốn của chủ sở hữu. Chính việc giao 20% vốn cho đại diện phần vốn đã tạo điều kiện cho các bị cáo khác phạm tội.

Trước  ý kiến cho rằng giá mua Oceanbank 0 đồng là không hợp lệ, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng việc mua đã được định giá khi Oceanbank âm vốn sở hữu 2,5 lần. Tại thời điểm này cũng không có căn cứ bác lại việc mua 0 đồng. Ý kiến của luật sư và bị cáo, người làm chứng đưa ra là không có cơ sở....

Chiều 29/3, Hội đồng xét xử sẽ tuyên án./.

Thu Hằng

629 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.

Thống kê truy cập - Giáo dục

Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 905
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 905
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87054252