Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, thông qua diễn đàn kết nối doanh nghiệp này, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm của Pháp về mô hình quản lý nhà nước đối với xây dựng và quản lý các tổ chức chứng nhận hữu cơ.
Ngược lại, đây cũng là cơ hội tốt để các đơn vị cấp chứng nhận hữu cơ của Pháp nghiên cứu khả năng đầu tư vào Việt Nam, giúp các doanh nghiệp Việt Nam phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ một cách bền vững.
Các doanh nghiệp tham dự diễn đàn đều có chung nhận định rằng nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng nông sản an toàn cho sức khỏe, thân thiện với môi trường sẽ trở thành là xu hướng tất yếu trong thời gian tới của nhiều quốc gia, nhất là các nước phát triển.
Vì vậy, nông nghiệp hữu cơ trên thế giới đã có những bước phát triển đột phá về diện tích sản xuất và nhu cầu tiêu thụ.
Theo Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, sản xuất nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đang từng bước phát triển.
Thống kê của Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Hữu cơ chỉ rõ diện tích canh tác, nuôi trồng hữu cơ của Việt Nam năm 2015 đạt hơn 76.000 ha, tăng trên 3,6 lần so với năm 2010.
Hiện một số sản phẩm nông nghiệp hữu cơ như gạo bản địa, càphê Tây Nguyên, chè San Tuyết Lào Cai, dầu dừa Bến tre… đã được biết đến ở nhiều nước trên thế giới.
Ông Phạm Minh Đức, Giám đốc điều hành Ecolink, cho biết công ty của ông đã thành công trong việc đưa sản phẩm chè sạch Ô long trồng tại Lai Châu vào thị trường Pháp.
Ông hy vọng qua diễn đàn này có thể chia sẻ những kinh nghiệm của mình với các nhà làm chính sách để có được các cơ chế chính sách và tài chính phù hợp với nền nông nghiệp Việt Nam nói chung và ngành chè Việt Nam nói riêng, để sản xuất ra các loại chè cao cấp, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và đặc biệt là xuất khẩu.
Nông nghiệp hữu cơ là một hệ thống sản xuất cho phép khai thác tối ưu các nguồn tài nguyên như đất, năng lượng, các chất dinh dưỡng, các quá trình sinh học diễn ra trong tự nhiên với một phương pháp quản lý hợp lý nhất nhằm mục đích tạo ra sản phẩm đáp ứng yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng thời cũng đảm bảo cho hệ thống sản xuất bền vững về môi trường, xã hội và kinh tế.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam đang tích cực triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đặc biệt quan tâm đến sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo hướng phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, nâng cao giá trị gia tăng, hướng tới xuất khẩu, góp phần định vị và nâng cao thương hiệu sản phẩm nông nghiệp Việt Nam trên bản đồ nông niệp thế giới.
Các cơ chế chính sách phù hợp được ban hành nhằm giúp các Hiệp hội và các đơn vị sản xuất thúc đẩy nhanh quá trình phát triển nông nghiệp hữu cơ, giữ cân bằng hệ sinh thái tự nhiên trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và giai đoạn chống biến đổi khí hậu hiện nay./.