Việt Nam ủng hộ giải pháp chính trị toàn diện, bầu cử đúng hạn ở Libya 

Việt Nam khẳng định sự ủng hộ của Việt Nam đối với một giải pháp chính trị toàn diện do người Libya dẫn dắt và làm chủ và kêu gọi các bên triển khai các bước cần thiết để tổ chức bầu cử.
Việt Nam ủng hộ giải pháp chính trị toàn diện, bầu cử đúng hạn ở Libya

Ngày 15/7, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã họp bàn về tình hình Libya và hoạt động của Phái bộ Hỗ trợ của Liên hợp quốc tại nước này (UNSMIL) dưới sự chủ trì của ông Jean-Yves Le Drian, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp - nước giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng 7.

Theo phóng viên TTXVN tại New York, phiên họp có sự tham dự của Thủ tướng Libya Abdul Hamid Dbeibeh, các Bộ trưởng Ngoại giao Đức, Tunisia, Kenya, Tổng Thư ký Liên đoàn Arab Ahmed Aboul Gheit và Đặc phái viên Tổng Thư ký Liên hợp quốc về Libya kiêm người đứng đầu UNSMIL Jan Kubis. Tại đây, Việt Nam ủng hộ giải pháp chính trị toàn diện và bầu cử đúng hạn tại Libya.

Báo cáo trước Hội đồng Bảo an, ông Jan Kubis đánh giá cao các diễn biến tích cực ở Libya trong thời gian qua, song bày tỏ quan ngại về việc các bên liên quan ở Libya chưa thống nhất được về giải pháp sửa đổi Hiến pháp và thông qua Luật Bầu cử mới để chuẩn bị cho bầu cử toàn quốc dự kiến diễn ra vào ngày 24/12.

Ông Kubis cho biết UNSMIL sẽ tiếp tục nỗ lực để hỗ trợ tiến trình chuyển tiếp chính trị ở Libya cũng như triển khai nhóm giám sát viên dân sự nhằm hỗ trợ Cơ chế giám sát Thỏa thuận ngừng bắn do người Libya dẫn dắt và làm chủ.

Ông đánh giá cao kết quả của Hội nghị Berlin về Libya lần thứ hai do Đức chủ trì hôm 23/6 và kêu gọi Hội đồng Bảo an và cộng đồng quốc tế tiếp tục thúc đẩy hòa bình và phát triển ở Libya.    

Thủ tướng Libya Abdul Hamid Dbeibeh nhấn mạnh cam kết và nỗ lực của Chính phủ Đoàn kết Dân tộc của Libya trong thúc đẩy tiến trình chuyển tiếp hướng tới bầu cử vào cuối năm, bày tỏ cảm ơn các nước đã ủng hộ để chính phủ Libya được tham dự Hội nghị Berlin về Libya vừa qua và mong muốn Hội đồng Bảo an sẽ tiếp tục có các nỗ lực cụ thể hơn để hỗ trợ tiến trình hòa bình ở Libya và quá trình thống nhất các thể chế chính trị, an ninh và kinh tế ở nước này.

Đại diện các nước thành viên Hội đồng Bảo an và các nước, tổ chức khu vực liên quan kêu gọi các bên liên quan ở Libya nỗ lực giải quyết khác biệt để xây dựng cơ sở pháp lý cho bầu cử vào cuối năm.

Các nước cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ đầy đủ Thỏa thuận ngừng bắn cũng như chấm dứt sự hiện diện của tất cả các lực lượng nước ngoài, trong đó có lính đánh thuê trên lãnh thổ Libya.

Đại sứ Đặng Đình Quý - Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, đã hoan nghênh những diễn biến tích cực về chính trị, an ninh ở Libya thời gian qua, khẳng định sự ủng hộ của Việt Nam đối với một giải pháp chính trị toàn diện do người Libya dẫn dắt và làm chủ và kêu gọi các bên triển khai các bước cần thiết để tổ chức bầu cử theo đúng thời hạn đã đề ra, trong đó có bảo đảm sự tham gia đầy đủ của phụ nữ.

Đại sứ Đặng Đình Quý hoan nghênh kết quả của Hội nghị Berlin về Libya lần thứ hai, nhấn mạnh sự ủng hộ của Việt Nam với UNSMIL trong việc hỗ trợ Cơ chế giám sát Thỏa thuận ngừng bắn và ủng hộ chấm dứt sự hiện diện của các lực lượng nước ngoài và lính đánh thuê ở Libya phù hợp với Thỏa thuận ngừng bắn và các Nghị quyết 2570 của Hội đồng Bảo an.

Đại diện Việt Nam cũng đánh giá cao các hoạt động giảm thiểu rủi ro và bảo vệ thường dân trước nguy cơ do bom mìn và vật liệu nổ sót lại sau chiến tranh gây ra và kêu gọi tăng cường hơn nữa các nỗ lực này.

[Những lợi ích kinh tế từ việc thiết lập hòa bình ở Libya]

Cuối phiên họp, Hội đồng Bảo an đã thông qua Tuyên bố Chủ tịch, trong đó kêu gọi các bên liên quan ở Libya sớm tiến hành các bước để tổ chức bầu cử tự do, công bằng theo đúng lộ trình đề ra vào ngày 24/12, trong đó có việc thiết lập cơ sở pháp lý cần thiết để tổ chức bầu cử.

Tuyên bố đồng thời kêu gọi các bên liên quan tuân thủ đầy đủ Thỏa thuận ngừng bắn và lệnh cấm vận vũ khí của Hội đồng Bảo an liên quan đến Libya, trong đó có triển khai đầy đủ việc chấm dứt sự hiện diện của lính đánh thuê nước ngoài trên lãnh thổ Libya.

Tuyên bố cũng hoan nghênh kết quả của Hội nghị Berlin về Libya lần thứ hai và ghi nhận vai trò của UNSMIL, các tổ chức khu vực và các quốc gia thành viên Liên hợp quốc trong thúc đẩy tiến trình hòa bình ở nước này.

Liên hợp quốc cảnh báo hệ thống ngân hàng Libya có nguy cơ đổ vỡ

 Phóng viên TTXVN tại New York ngày 15/7 dẫn lời Đặc phái viên của Liên hợp quốc về Libya cảnh báo rằng hệ thống ngân hàng của quốc gia Bắc Phi này có thể đổ vỡ nếu hai nhánh của ngân hàng trung ương tại đây không hợp tác với nhau.

Viet Nam ung ho giai phap chinh tri toan dien, bau cu dung han o Libya hinh anh 2Cảng dầu Brega cách thành phố miền đông Benghazi, Libya, khoảng 270 km ngày 24/9/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Từ năm 2014, đất nước giàu tiềm năng dầu mỏ Libya bị chia rẽ và trở thành quốc gia có hai chính phủ, gồm chính phủ được cộng đồng quốc tế thừa nhận ở miền Tây và chính phủ đối lập ở miền Đông.

Phát biểu trước Hội đồng Bảo an ngày 15/7, Đặc phái viên của Liên hợp quốc Jan Kibis cho biết Ngân hàng trung ương của Libya hiện bị tách làm đôi, không có nguồn vốn hợp nhất, và cả hai nhánh đều đang gánh nợ để chi trả cho việc vận hành hai chính phủ.

Ông Kubis cho rằng Libya chỉ có thể quản lý hiệu quả khoản nợ này nếu thống nhất được Ngân hàng trung ương thành một cơ quan duy nhất.

Doanh thu từ dầu lửa của Libya hiện được chuyển qua Ngân hàng trung ương có trụ sở tại thủ đô Tripoli để trả lương cho các viên chức làm việc cho chính phủ tại đây.

Năm ngoái, doanh thu từ dầu của Libya giảm mạnh do chính quyền đối lập ở miền Đông cản trở việc xuất khẩu.

Tiến trình hòa bình do Liên hợp quốc bảo trợ đã giúp Libya đạt được lệnh ngừng bắn từ năm ngoái và thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc.

Tuy nhiên, các cuộc đối thoại gần đây nhằm mở đường cho bầu cử vào tháng 12 tới đang bị đình trệ./.

Hải Vân-Hữu Thanh (TTXVN/Vietnam+)
324 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 439
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 440
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88618100