Trong Báo cáo được công bố vào hôm 19/3, các nhà nghiên cứu sử dụng dữ liệu của Gallup, khảo sát ý kiến của người dân tại 149 quốc gia để xếp hạng mức độ hạnh phúc của họ, đồng thời có tính đến các dữ liệu khác như tổng thu nhập quốc nội (GDP), hỗ trợ xã hội, tự do cá nhân và mức độ tham nhũng... để đưa ra một điểm số về sự hạnh phúc của từng nước.
Do tình hình COVID-19 trên toàn cầu năm qua, các nhà nghiên đã không thể phỏng vấn trực tiếp mà phải thay đổi phương pháp, tập trung vào các mối quan hệ giữa phúc lợi và dịch bệnh COVID-19. Theo ông Shun Wang, Giáo sư Viện Phát triển Hàn Quốc, nhìn vào các quốc gia ở khu vực Đông Á, có thể thấy những chính sách nghiêm ngặt của chính phủ không chỉ giúp kiểm soát hiệu quả COVID-19 mà còn ngăn chặn tác động tiêu cực của dịch bệnh này lên cảm giác hạnh phúc của người dân.
Trên toàn cầu, Phần Lan tiếp tục tục dẫn đầu bảng xếp hạng hạnh phúc năm thứ 4 liên tiếp, theo sau là Iceland, Đan Mạch và Thụy Sĩ. Các quốc gia còn lại trong top 10 gồm Hà Lan, Thụy Điển, Đức, Na Uy, New Zealand và Áo.
Các nước châu Phi như Lesotho, Botswana, Rwanda và Zimbabwe nằm cuối bảng xếp hạng các nước hạnh phúc nhất thế giới, nhưng Afghanistan là nước kém hạnh phúc nhất thế giới trong năm nay.
"Một điều đáng ngạc nhiên là chỉ số phúc lợi trung bình không giảm. Con số này được tính toán dựa trên đánh giá của người dân về cuộc sống của chính mình", John Helliwell, Giáo sư Đại học British Columbia, Canada, nói. "Có thể lý giải rằng mọi người xem dịch bệnh COVID-19 là mối đe dọa chung từ bên ngoài và nó khiến họ đoàn kết hơn, có cảm giác đồng cam cộng khổ với người khác nhiều hơn".
World Happiness Report do Ban giải pháp phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc biên soạn hằng năm. Trong đó, đánh giá 149 quốc gia trên thế giới và tính đến các chỉ số như tuổi thọ, hỗ trợ xã hội, tham nhũng và các chỉ số khác. Lần đầu tiên World Happiness Report công bố vào năm 2012.
An Bình