'Việt Nam là đối tác quan trọng của Brazil ở Đông Nam Á' 

Thứ trưởng Ngoại giao Brazil Eduardo Paes Saboia cho rằng chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Brazil vào tháng 9 năm ngoái đánh dấu cột mốc quan trọng trong quan hệ song phương.
'Việt Nam là đối tác quan trọng của Brazil ở Đông Nam Á'

Nhân kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 17 năm Đối tác Toàn diện Việt Nam-Brazil, phóng viên TTXVN tại khu vực Nam Mỹ đã có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Brazil, Eduardo Paes Saboia.

Đánh giá về mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Brazil trong 35 năm qua, Thứ trưởng Eduardo Paes Saboia cho biết Brazil và Việt Nam đã vun đắp mối quan hệ bền chặt, bắt nguồn từ tình hữu nghị, hợp tác và tôn trọng lẫn nhau, được thể hiện thông qua những thành tựu chung mà hai nước đã được trong hơn 3 thập kỷ thiết lập quan hệ ngoại giao.

Việt Nam là đối tác quan trọng của Brazil ở Đông Nam Á. Năm ngoái, trao đổi thương mại giữa hai nước đã vượt mức kỷ lục 6,7 tỷ USD. Brazil coi Việt Nam là đối tác rất quan trọng trong các đối tác Nam-Nam. Brazil cũng đánh giá cao những thành tựu kinh tế, xã hội đáng ghi nhận của Việt Nam trong những năm gần đây.

Quan hệ song phương có được những động lực đáng kể. Năm ngoái, Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao và các doanh nghiệp Việt Nam, đã thực hiện thành công chuyến thăm chính thức Brazil.

Đây là chuyến thăm lịch sử đầu tiên của một Thủ tướng Việt Nam tới Brazil. Chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định cam kết sâu sắc của Việt Nam trong việc phát triển tình hữu nghị giữa hai nước.

Những triển vọng tốt đẹp trong mối quan hệ song phương cũng được thể hiện qua việc trao đổi các đoàn doanh nghiệp gần đây, trong đó có chuyến thăm của đoàn doanh nghiệp Việt Nam đến São Paulo vào năm 2023 và của đoàn doanh nghiệp Brazil đến Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội vào tháng 3 vừa qua.

Các chuyến thăm này đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đối thoại và hợp tác giữa các khu vực tư nhân của hai nước, tạo ra các cơ hội kinh doanh mới và mở đường cho các dự án đầu tư tiềm năng.

ttxvn_Viet_nam-Brazil_0805.jpg

Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva, ngày 21/5/2023. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

 

Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Brazil, Luciana Santos, đã thăm Việt Nam vào tháng 11 năm ngoái, nhằm tăng cường hợp tác khoa học trong các lĩnh vực then chốt.

Cách đây chưa đầy một tháng, từ ngày 9-11/4, Bộ trưởng Ngoại giao Brazil, Mauro Vieira, cũng đã đến Hà Nội để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước chúng ta. Bộ trưởng Mauro Vieira và Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã đánh giá một cách toàn diện chương trình nghị sự giữa hai nước, đồng thời thảo luận giải pháp tăng cường hơn nữa đối thoại chính trị, hợp tác kinh tế, thúc đẩy trao đổi văn hóa và thương mại, cùng nhiều lĩnh vực khác.

Tựu chung lại, quan hệ ngoại giao giữa Brazil và Việt Nam đã phát triển đáng kể, được đánh dấu bằng các chuyến thăm cấp cao, đối thoại hiệu quả và tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như chính trị, văn hóa, giáo dục và công nghệ.

Những trao đổi này đã làm sâu sắc thêm sự hiểu biết lẫn nhau và thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa chính phủ và người dân hai nước. Ngày nay, Việt Nam là đối tác quan trọng của Brazil.

Về triển vọng và tiềm năng hợp tác giữa Brazil và Việt Nam trong thời gian tới, Thứ trưởng Eduardo Paes Saboia cho rằng chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Brazil vào tháng 9 năm ngoái đánh dấu cột mốc quan trọng trong quan hệ song phương.

Việc ký kết 4 thỏa thuận hợp tác về giáo dục, quốc phòng, nông nghiệp và đào tạo ngoại giao trong chuyến thăm này đặt nền móng vững chắc cho việc tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa Brazil và Việt Nam.

Brazil và Việt Nam cam kết làm sâu sắc thêm mối quan hệ dựa trên các giá trị chung cùng chia sẻ. Hai nước ủng hộ một hệ thống quốc tế dựa trên chủ nghĩa đa phương, pháp quyền, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, lấy Liên hợp quốc làm trung tâm cho quản trị toàn cầu, ổn định và thịnh vượng.

Cuộc khủng hoảng khí hậu được coi là một trong những thách thức quan trọng nhất trong thời đại của chúng ta và hai nước chúng ta cùng đồng lòng trong quyết tâm giải quyết vấn đề này.

 

Theo Thứ trưởng Eduardo Paes Saboia, trong năm Chủ tịch G20 lần này, Brazil tập trung ưu tiên cải cách quản trị toàn cầu, chống bất bình đẳng và thúc đẩy chuyển đổi năng lượng trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với khủng hoảng khí hậu. Kết hợp với nhau, những ưu tiên đó sẽ cung cấp một nền tảng quan trọng để các nước tham gia hợp tác Nam-Nam nói lên mối quan ngại của mình.

Brazil đánh giá cao đóng góp của Việt Nam trong các cuộc thảo luận này với tư cách là khách mời đặc biệt không chỉ của Hội nghị thượng đỉnh G20 mà còn của các Nhóm công tác về Nông nghiệp; cùng với Nghiên cứu và Đổi mới.

Ngoài ra, quan hệ Đối tác đối thoại của Brazil với ASEAN cũng tạo tiền đề cho việc tăng cường hợp tác với khu vực Đông Nam Á. Brazil cam kết mở rộng quan hệ với ASEAN và các quốc gia thành viên, đồng thời cũng tìm cách khám phá lĩnh vực hợp tác mới như chuyển đổi năng lượng, khoa học, công nghệ, đổi mới, chính sách công nghiệp và nông nghiệp. Việt Nam đóng vai trò then chốt trong chương trình nghị sự này với tư cách là đối tác quan trọng của Brazil ở Đông Nam Á.

Về các lĩnh vực có thể hợp tác trong tương lai giữa Brazil và Việt Nam, Thứ trưởng Eduardo Paes Saboia nhấn mạnh hai nước sẵn sàng nâng cấp quan hệ ngoại giao lên tầm cao mới, điều này được phản ánh bằng sự đa dạng và chiều sâu của chương trình nghị sự chung giữa Brazil và Việt Nam, cũng như sức mạnh tổng hợp của hai nước trong việc tham gia vào các vấn đề toàn cầu. Có nhiều cơ hội cho nỗ lực như vậy. Brazil và Việt Nam mong muốn thúc đẩy đối thoại và hợp tác trên nhiều lĩnh vực quan trọng như quốc phòng, khoa học, công nghệ, đổi mới, nông nghiệp, bền vững môi trường, hợp tác kỹ thuật và chuyển đổi năng lượng.

Ví dụ, quan hệ kinh tế và thương mại đang tăng trưởng ổn định trong những năm gần đây. Trong cuộc hội đàm ở Brasilia vào tháng 9 năm ngoái, Tổng thống Lula da Silva và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tái khẳng định cam kết duy trì đà tăng trưởng này, hướng tới mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương lên 10 tỷ USD vào năm 2025 và 15 tỷ USD vào năm 2030.

ttxvn_Viet_nam-Brazil_0805-2.jpg

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đón Bộ trưởng Ngoại giao Brazil Mauro Vieira. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Trong chuyến thăm Hà Nội vào tháng 4 vừa qua, Bộ trưởng Ngoại giao Mauro Vieira đã vinh dự chủ trì Hội thảo “Đối thoại về Ethanol,” một sáng kiến của khu vực tư nhân Brazil, phối hợp với các cơ quan của Chính phủ Brazil tổ chức, nhằm thúc đẩy đối thoại giữa các nhà hoạch định chính sách và các chuyên gia trong ngành, thông qua đó thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực năng lượng sinh học tiềm năng.

Trong tháng 5 này, một phái đoàn kỹ thuật của Bộ Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Brazil sẽ đến Việt Nam, tiếp theo chuyến thăm của Bộ trưởng Luciana Santos vào tháng 11 năm ngoái, để chuẩn bị cho cuộc họp lần thứ nhất của Ủy ban Khoa học, Kỹ thuật và Đối mới Brazil-Việt Nam, nhằm tăng cường hợp tác trong nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo giữa hai nước.

 

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu trong hơn 3 thập kỷ qua, Brazil và Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội để làm sâu sắc hơn mối quan hệ giữa hai nước. Ví dụ, mở rộng và đa dạng hóa dòng chảy thương mại, khám phá các lĩnh vực mới để hợp tác và thúc đẩy cơ hội đầu tư; hợp tác nghiên cứu và phát triển, chia sẻ chuyên môn công nghệ và thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo; hợp tác về các sáng kiến phát triển bền vững, bao gồm bảo vệ môi trường, chuyển đổi năng lượng và năng lượng sinh học cùng các hoạt động nông nghiệp bền vững; cũng như thúc đẩy sự kết nối giữa con người với con người.

Theo Thứ trưởng Eduardo Paes Saboia, trong thời gian tới, Brazil và Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy các cam kết cấp cao, tăng cường đối thoại về các vấn đề khu vực và toàn cầu, góp phần vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực và thế giới./.

40 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1121
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1121
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87219257