Việt Nam khẳng định nỗ lực của ASEAN trong thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên 

(Chinhphu.vn) - Khóa họp 57 của Ủy ban Phát triển xã hội trực thuộc Hội đồng Kinh tế-Xã hội LHQ (ECOSOC) vừa khai mạc tại trụ sở LHQ ở New York, Mỹ, với chủ đề "Xử lý bất bình đẳng và thách thức đối với hòa nhập xã hội thông qua các chính sách lương, tài khóa và bảo trợ xã hội".
Việt Nam khẳng định nỗ lực của ASEAN trong thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên

Tham dự khóa họp có đại diện các quốc gia thành viên LHQ, các tổ chức liên chính phủ, tổ chức phi chính phủ và nhiều đại biểu thanh niên.

Trong phát biểu khai mạc, theo phóng viên TTXVN tại LHQ, Phó Chủ tịch ECOSOC Valentin Rybakov nhấn mạnh bất bình đẳng đã trở thành vấn đề thời sự nổi bật, đồng thời cho rằng một thế giới cùng tồn tại cả hai trạng thái “cực giàu” và “cực nghèo” là một thế giới của sự xung đột. Trên thế giới, bất bình đẳng thu nhập gia tăng tại nhiều quốc gia, khoảng cách chênh lệch trong giáo dục, y tế còn rất lớn; thực trạng này cho thấy thế giới chưa đi đúng hướng. Do đó, nhiệm vụ đặt ra cho Ủy ban Phát triển xã hội là tìm tòi và đề xuất các hành động cần thiết để điều chỉnh hướng đi, hướng đến mục tiêu chia sẻ sự thịnh vượng và giàu có.

Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 73, bà María Espinosa Garcés chuyển tới phiên họp thông điệp: Chủ nghĩa đa phương là phương tiện duy nhất và tốt nhất để ứng phó với những thách thức toàn cầu đang cản trở phát triển bền vững. Trong đó, xử lý bất bình đẳng là nhiệm vụ cấp bách, bởi nếu không, những tiến bộ của nhân loại sẽ không bao giờ đến được với những người đang bị bỏ lại xa nhất ở phía sau. Chủ tịch Đại hội đồng nhấn mạnh năm 2019 là năm bản lề với việc lần đầu tiên tổ chức hai kỳ họp Diễn đàn chính trị cấp cao cả trong khuôn khổ ECOSOC và Đại hội đồng LHQ để rà soát tiến độ triển khai Chương trình nghị sự 2030, thúc đẩy động lực chính trị và kêu gọi hành động để hiện thực hóa các mục tiêu và kỳ vọng đặt ra.

Cũng tại phiên khai mạc, bà Amina Mohammed, Phó Tổng Thư ký LHQ cho biết chủ đề khóa họp năm nay rất phù hợp với các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 trong bối cảnh thế giới hiện có 1,3 tỷ người đối mặt tình trạng nghèo đa chiều, 3 tỷ người không có việc làm bền vững và 4 tỷ người không được hưởng bất kỳ một hình thức bảo trợ xã hội nào. Chia sẻ về giải pháp, bà nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm các khoản chi tiêu công dành cho bảo trợ xã hội thông qua các biện pháp tài chính sáng tạo, cải tổ quản lý thuế và ngăn chặn các dòng tài chính bất hợp pháp, cũng như cần thiết lập các sàn an sinh xã hội quốc gia. 

Phát biểu thay mặt Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại LHQ, chia sẻ quan ngại chung về tình trạng bất bình đẳng tiếp diễn cả ở trong từng quốc gia và giữa các quốc gia. Chính vì vậy, cơ hội tiếp cận y tế, việc làm của từng nước không đồng đều do sự phân biệt về giới, phân biệt giữa nông thôn và thành thị cũng như nhiều yếu tố khác. Trong khi đó, các thách thức như biến đổi khí hậu, dịch bệnh, thiên tai, môi trường suy thoái ngày càng gia tăng tại nhiều nơi trên thế giới, đe dọa nỗ lực chung hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Đại sứ Đặng Đình Quý đã nhấn mạnh mối liên hệ và gắn kết chặt chẽ giữa các vấn đề mà thế giới đang đối mặt đòi hỏi cách tiếp cận toàn diện và phối hợp chính sách đồng bộ nhằm xử lý tất cả các khía cạnh của bất bình đẳng. 

Chia sẻ kinh nghiệm của ASEAN, Đại sứ Đặng Đình Quý khẳng định ASEAN đã có nhiều nỗ lực nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển thông qua Sáng kiến liên kết ASEAN (IAI), một khuôn khổ hợp tác để các nước phát triển hơn hỗ trợ các nước khác, tạo điều kiện cho tất cả các nước ASEAN cùng phát triển và chia sẻ lợi ích từ tiến trình liên kết khu vực. ASEAN nhận thức rõ vai trò ngày càng quan trọng của công nghệ thông tin, tận dụng các cơ hội mà cuộc cách mạng khoa học công nghệ mang lại để phục vụ lợi ích của người dân, điển hình như việc thành lập Mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN với 3 mục tiêu cân bằng về kinh tế, xã hội và môi trường. 

Đại sứ cũng khẳng định cam kết của ASEAN về nâng cao chất lượng cuộc sống cho người già, người khuyết tật, trẻ em, phụ nữ, thanh niên thông qua nhiều chương trình, sáng kiến thiết thực như Kế hoạch hành động khu vực lồng ghép các quyền của người khuyết tật, Ngày thanh niên hành động ứng phó biến đổi khí hậu, cũng như các nỗ lực thúc đẩy việc làm bền vững, bảo đảm môi trường làm việc lành mạnh và an toàn cho người lao động thông qua các chương trình về an toàn lao động, phát triển việc làm xanh… Đại sứ nêu bật hiệu quả hợp tác giữa ASEAN và LHQ thông qua đối thoại liên ngành, chia sẻ kinh nghiệm, chuyên môn, xây dựng năng lực, hỗ trợ kỹ thuật, và qua đó, khẳng định ý nghĩa thiết yếu của hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau để cùng phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đề ra trong Chương trình nghị sự 2030./.

487 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 451
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 451
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 86723189