Việt Nam kêu gọi tăng cường nỗ lực bảo vệ thường dân ở Sudan 

Việt Nam kêu gọi Sudan tăng cường các nỗ lực bảo vệ thường dân và xử lý nguyên nhân gốc rễ của vấn đề bạo lực giữa các cộng đồng tại Sudan.
Việt Nam kêu gọi tăng cường nỗ lực bảo vệ thường dân ở Sudan

Ngày 9/3, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã họp công khai trực tuyến về tình hình Sudan và hoạt động của Phái bộ hỗ trợ chuyển tiếp hợp nhất của Liên hợp quốc tại nước này (UNITAMS).

Phiên họp có sự tham dự của ông Atul Khare - Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách các hoạt động hỗ trợ vận hành, ông Volker Perthes - Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về Sudan, và bà Kholood Khair - đại diện tổ chức Đối tác chiến lược toàn diện ở Sudan.

Tại đây, Việt Nam kêu gọi Sudan tăng cường các nỗ lực bảo vệ thường dân và xử lý nguyên nhân gốc rễ của vấn đề bạo lực giữa các cộng đồng.

Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, các báo cáo viên đã thông tin về những diễn biến mới về tình hình Sudan trong ba tháng qua, trong đó có các tiến triển trong việc thực thi Thỏa thuận hòa bình ngày 3/10/2020 giữa chính phủ và phần lớn các nhóm vũ trang tại khu vực Darfur.

Mặc dù ghi nhận việc Ủy ban chuyển tiếp và nội các mới được thành lập, các báo cáo viên bày tỏ quan ngại về những khó khăn về kinh tế, nhân đạo và tình trạng gia tăng bạo lực giữa các cộng đồng, đặc biệt ở khu vực Darfur.

Ông Volker Perthes cũng thông tin về các hoạt động bước đầu của UNITAMS trong hỗ trợ tiến trình chuyển tiếp ở Sudan, đồng thời khẳng định Phái bộ sẽ tiếp tục trao đổi chặt chẽ với Chính phủ Sudan trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

[Việt Nam ủng hộ hoạt động của Phái bộ gìn giữ hòa bình tại Nam Sudan]

Các nước thành viên Hội đồng Bảo an chia sẻ đánh giá của các báo cáo viên về những tiến triển tích cực gần đây tại Sudan. Tuy nhiên, các nước cho rằng tình hình Sudan vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là tình trạng gia tăng bạo lực giữa các cộng đồng, tác động của đại dịch COVID-19 và khủng hoảng kinh tế, nhân đạo.

Các nước đề nghị Chính phủ Sudan thúc đẩy hơn nữa khả năng bảo vệ thường dân ở khu vực Darfur cũng như bảo đảm an toàn cho Phái bộ hỗn hợp Liên hợp quốc - Liên minh châu Phi tại Darfur (UNAMID) trong quá trình Phái bộ này rút lực lượng.

Đại biện lâm thời Sudan tại Liên hợp quốc khẳng định chính phủ sẽ nỗ lực thúc đẩy tiến trình chuyển tiếp ở nước này cũng như bảo đảm trách nhiệm hàng đầu của mình trong bảo vệ thường dân ở Sudan, trong đó có khu vực Darfur.

Phát biểu tại phiên họp, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, đánh giá cao những tiến triển tại Sudan thời gian qua và bày tỏ mong muốn chính phủ chuyển tiếp và các bên liên quan ở Sudan sẽ tiếp tục triển khai đầy đủ Thỏa thuận hòa bình ngày 3/10/2020, góp phần xây dựng hòa bình, ổn định lâu dài ở nước này.

Đại sứ Đặng Đình Quý đánh giá cao vai trò của Liên hợp quốc, các nước và tổ chức khu vực trong thúc đẩy hòa bình và ổn định ở Sudan và kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục hỗ trợ nhân đạo và tạo điều kiện hơn nữa cho Sudan tiếp cận các thể chế tài chính quốc tế.

Đồng thời, Đại sứ bày tỏ mong muốn UNITAMS sẽ sớm được vận hành đầy đủ để hỗ trợ tiến trình chuyển tiếp và phát triển ở Sudan và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm an toàn cho lực lượng của UNAMID trong quá trình rút quân.

Trong bối cảnh tình hình an ninh tại khu vực Darfur đã được cải thiện, ngày 22/12/2020, Hội đồng Bảo an thông qua Nghị quyết 2559, trong đó quyết định chấm dứt nhiệm vụ của UNAMID vào ngày 31/12/2020 và đề nghị UNAMID hoàn thiện việc rút quân từ 1/1/2021 đến trước ngày 30/6/2021. 

Trước đó, tháng 6/2020, Hội đồng Bảo an quyết định thành lập UNITAMS theo Nghị quyết 2524. Đây là Phái bộ chính trị với nhiệm vụ chính hỗ trợ tiến trình chuyển tiếp, quản trị nhà nước ở Sudan, hỗ trợ tiến trình hòa bình và việc huy động nguồn lực cho kinh tế và phát triển và phối hợp hỗ trợ nhân đạo.

UNITAMS cũng sẽ hỗ trợ nâng cao năng lực cho Chính phủ Sudan trong công tác bảo vệ thường dân ở Darfur nhưng không trực tiếp tham gia bảo vệ thường dân như UNAMID./.

Hải Vân-Vũ Hiếu (TTXVN/Vietnam+)

 

176 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1158
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1158
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87126415