Ngày 16/6, Đặc Phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về Syria Geir Pedersen bày tỏ lo ngại sâu sắc về tình trạng khó khăn của hàng triệu người dân Syria tại cuộc họp trực tuyến định kỳ hàng tháng về tình hình Syria của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Báo cáo trước Hội đồng Bảo an, ông Pedersen cho biết tình hình an ninh tại khu vực Tây Bắc của Syria tiếp tục tương đối ổn định sau Thoả thuận ngừng bắn giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng vẫn còn những thách thức nhất định, trong đó có một số vụ việc căng thẳng giữa quân đội chính phủ Syria và các nhóm cực đoan tại Idlib và việc khủng bố tăng cường hoạt động tại Syria.
Đặc Phái viên nhấn mạnh cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng hiện đang làm giá cả tăng chóng mặt, dẫn tới việc người dân không có đủ khả năng chi trả cho các nhu cầu hàng ngày.
Theo thống kê, có tới 80% người dân Syria sống dưới mức nghèo, 9,3 triệu người đang thiếu lương thực. Môi trường và cơ sở hạ tầng ở Syria cũng đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau gần một thập kỷ xung đột.
[Hội đồng Bảo an lại bày tỏ quan ngại về tình hình nhân đạo tại Syria]
Ông Pedersen nhắc lại việc kêu gọi ngừng bắn toàn quốc, tạo điều kiện thúc đẩy giải pháp chính trị trên cơ sở Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an, giải quyết các vấn đề về nhân đạo trước những thách thức mới từ đại dịch COVID-19, trong đó cần quan tâm đặc biệt người tị nạn và người bị buộc phải rời bỏ nơi cư trú.
Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ, cũng tại cuộc họp trực tuyến, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc, chia sẻ quan ngại với các nước thành viên Hội đồng Bảo an về những thách thức an ninh và khủng bố ở Syria; kêu gọi các bên hưởng ứng lời kêu gọi ngừng bắn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc và Đặc Phái viên, duy trì tình trạng ổn định an ninh nhằm tạo điều kiện cho đàm phán, tìm giải pháp chính trị cho vấn đề tại Syria.
Đại sứ Đặng Đình Quý bày tỏ lo ngại về tác động của các khó khăn kinh tế-xã hội và nhân đạo nghiêm trọng cùng ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đối với người dân Syria.
Định kỳ hàng tháng, Hội đồng Bảo an tổ chức các cuộc họp để thảo luận về tình hình Syria, trong đó có các nội dung về tiến trình chính trị, tình hình nhân đạo và vấn đề vũ khí hóa học.
Bất ổn và xung đột tại Syria hiện đã bước sang năm thứ 10, tạo nên một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng nhất lịch sử với hàng trăm ngàn thương vong, hàng triệu người mất nơi cư trú và tị nạn./.
Hải Vân- Hữu Thanh (TTXVN/Vietnam+)