Thay thế ông Tillerson là Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Mike Pompeo.
Chuyên gia của câu lạc bộ chính trị Valdai Maksim Suchkov cho rằng việc thay đổi nhân sự này đang đe dọa Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ đánh mất quyền tự chủ trong việc đưa ra các quyết định và có thể ảnh hưởng tiêu cực tới chính sách đối ngoại của Mỹ.
Việc cách chức ông Tillerson, thậm chí đã được dự báo từ năm ngoái, sau sự cố ầm ĩ giữa ông này với Tổng thống Mỹ Donald Trump khi vị Ngoại trưởng bị cáo buộc đã lăng mạ Tổng thống khi gọi ông là “thằng ngốc.”
[Tổng thống Mỹ: Có nhiều bất đồng quan điểm với Ngoại trưởng Tillerson]
Tuy nhiên, giữa họ còn tồn tại những bất đồng nghiêm trọng hơn về hầu hết các vấn đề quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ - từ vấn đề Triều Tiên và thoả thuận hạt nhân Iran cho tới việc công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel hay cuộc khủng hoảng Qatar.
Chuyên gia Suchkov cho rằng: “Trong tình hình như vậy thì việc thay thế Ngoại trưởng Mỹ đã được chuẩn bị từ rất lâu, vấn đề chỉ là thời gian."
Ông Pompeo có thể được mô tả là một “người đầy tớ trung thành.” Trong tình hình hiện nay, đối với Tổng thống Trump, ông Pompeo là có ích với tư cách là cấp dưới, nhưng chức trách của ông ta có thể ảnh hưởng xấu tới định hướng chung trong chính sách đối ngoại của Mỹ và việc đưa ra các quyết định của nước Mỹ.
Chuyên gia Suchkov cho biết theo lời Tổng thống Trump thì giữa ông với ông Pompeo có mối liên hệ gần gũi hơn, điều có nghĩa Bộ Ngoại giao Mỹ nhiều khả năng sẽ đánh mất một phần quyền tự chủ của mình trong việc đưa ra các quyết sách và tự biến mình thành công cụ quản lý.
Tại Bộ Ngoại giao Mỹ, rất nhiều người đã thực sự không hài lòng với phong cách lãnh đạo và sự đổi mới của ông Tillerson.
Tuy nhiên, cũng không có nhiều người vui mừng khi ông Pompeo được trao trọng trách này, bởi vì điều đó có thể dẫn tới sự suy thoái hơn nữa của Bộ này.
Đồng thời, chuyên gia Suchkov cũng nói thêm rằng trong bất kỳ trường hợp nào thì cũng cần thời gian để hiểu được những lo ngại này là hợp lý./.