Chiều nay, phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm tiếp tục với phần thẩm vấn.
Theo cáo trạng, PVN đã 3 lần góp vốn vào Oceanbank. Ba lần góp vốn với tổng số tiền 800 tỷ đồng để nắm giữ 20% vốn điều lệ tại Oceanbank, nhưng toàn bộ số tiền trên đến nay bị thiệt hại.
Theo văn bản số 8280/NHNN-TTGSNH ngày 29/10/2015 của NHNN và văn bản số 5988/BTC-TCDN ngày 9/5/2017 của Bộ Tài chính trả lời CQĐT xác định: “…việc NHNN mua lại cổ phần bắt buộc tại Oceanbank với giá bằng 0 đồng sẽ dẫn đến PVN phải ghi nhận một khoản lỗ khá lớn tương đương 800 tỷ đồng…” và “Khi NHNN mua lại toàn bộ vốn góp của các cổ đông của Oceanbank với giá 0 đồng thì quyền và nghĩa vụ của các cổ đông Oceanbank chấm dứt, trong đó có PVN”.
Trách nhiệm đối với hậu quả thiệt hại nêu trên thuộc về ông Đinh La Thăng và các đồng phạm. Trong đó, ông Thăng với tư cách là người đứng đầu PVN có trách nhiệm cao nhất trong việc quản lý và bảo toàn vốn của PVN.
|
Bị cáo Đinh La Thăng tại tòa ngày hôm nay. Ảnh: TTXVN |
Lời khai của ông Đinh La Thăng
Trả lời thẩm vấn tại tòa, bị cáo Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch HĐQT/ Hội đồng thành viên PVN) xác nhận việc đã đồng ý góp vốn của PVN và Oceanbank. Thỏa thuận ký góp vốn tối đa 20% được ký vào ngày 6/9/2008. Thỏa thuận này được ký trước khi HĐQT có ý kiến, nhưng không có giá trị pháp lý. HĐQT không đồng ý thì thỏa thuận này không có ý nghĩa.
Việc ký chủ trương đồng ý góp vốn vào Oceanbank giải quyết được hệ lụy là trước đó PVN có ý định thành lập ngân hàng của ngành dầu khí. Tuy nhiên do thời điểm đó, Chính phủ có chủ trương kiềm chế lạm phát, PVN phải dừng việc thành lập ngân hàng ngành dầu khí. Và PVN chuyển sang góp vốn vào Oceanbank.
Theo lời khai của ông Thăng, trước khi ký thỏa thuận với Oceanbank về chủ trương góp vốn, PVN đã khảo sát nhiều ngân hàng khác.
HĐXX thẩm vấn bị cáo Thăng: Tại sao ông Nguyễn Ngọc Sự (nguyên Phó TGĐ PVN) từng có báo cáo đánh giá về năng lực của Oceanbank là yếu, thanh khoản kém..., nhưng bị cáo vẫn quyết định việc góp vốn vào ngân hàng này?
Bị cáo Thăng trả lời: Báo cáo của anh Sự nói rất rõ thực trạng của Oceanbank, chính bị cáo cũng biết, nhưng vì Oceanbank vốn thấp, khả năng thanh khoản thấp nên mới có nhu cầu tăng vốn. Nên PVN mới có điều kiện góp vốn vào ngân hàng này.
Trong báo cáo của anh Sự nói, Oceanbank là ngân hàng trung bình khá, nếu mình góp vốn, vốn điều lệ tăng, ngân hàng sẽ hoạt động có hiệu quả.
HĐXX: PVN là công ty mẹ, việc góp vốn ra ngoài công ty mẹ có cần phải xin ý kiến của Thủ tướng?
Bị cáo Thăng: Phải được sự đồng ý của Thủ tướng. Điều này được quy định rõ tại nhiều văn bản và bị cáo cũng nắm rõ. Và khi Thủ tướng đồng ý, PVN mới góp vốn vào Oceanbank. Việc góp vốn này thực hiện theo đúng chủ trương.
HĐXX: Bị cáo nói việc đầu tư ra ngoài công ty mẹ phải chấp hành việc tuân thủ việc được Thủ tướng phê duyệt, nhưng khi bị cáo ký Nghị quyết đồng ý góp vốn vào Oceanbank mà chưa có ý kiến của Thủ tướng?
Bị cáo Thăng: Không có quy định nào quy định việc ký Nghị quyết phải sau khi có ý kiến của Thủ tướng. Mà việc đầu tư ra ngoài từ công ty mẹ mới phải có ý kiến đồng ý của Thủ tướng. Trên thực tế, sau khi có sự đồng ý của Thủ tướng, PVN mới quyết định chuyển tiền góp vốn.
Vẫn theo lời khai của bị cáo Thăng, Bộ Tài Chính có khuyến cáo, để đảm bảo hiệu quả đầu tư, cần có báo cáo tình hình hoạt động của Oceanbank, xác định giá trị cổ phiếu... của ngân hàng này. Các khuyến cáo trên PVN đã yêu cầu thực hiện từ trước khi Bộ Tài chính có khuyến cáo.
Theo ông Thăng, đối với Oceanbank, khả năng thanh khoản thấp, nhưng sau khi tăng vốn thì khả năng thanh khoản sẽ tăng lên. Ngân hàng này có khả năng phát triển và thực tế, sau 2 năm đã khác rồi. PVN cũng đã 2 lần được chia cổ tức. Khoản đầu tư của PVN vào Oceanbank là có hiệu quả.
Tại tòa, bà Phan Thị Hòa (thành viên HĐQT, Hội đồng Thành viên PVN giai đoạn năm 2008 - 2010) trình bầy: Căn cứ để HĐQT đồng ý góp vốn lần 2 vào Oceanbank dựa vào báo cáo tài chính đã được kiểm toán; báo cáo của người đại diện phần vốn PVN tại Oceanbank; dựa trên lợi nhuận được chia và có ý kiến xin ý kiến của Thủ tướng.
Vẫn theo bà Hòa, tại ý kiến của Thủ tướng có nêu - PVN cần cân đối về vốn, cần tập trung vốn vào dự án trọng điểm của ngành dầu khí. Trước đó tập đoàn đã có Nghị quyết cân đối vốn của PVN giai đoạn 2010- 2015 và không có thiếu vốn.
Tiếp đó, giá dầu ở thời điểm đó tăng hơn 200 USD/thùng. Giai đoạn đó giá dầu chưa bao giờ xuống. Dựa vào việc cân đối vốn đó, nhận thấy giai đoạn đó PVN không thiếu vốn. Dựa trên các báo cáo, việc cân đôi vốn, không có lý do gì từ chối góp vốn lần 2.
Ông Đinh La Thăng cùng 6 thuộc cấp hầu tòa về vụ mất 800 tỷ khi PVN đầu tư vào Ngân hàng Oceanbank. Trong số này có một người đang mang án tử do liên quan vụ án khác.
Theo định kỳ, khoảng từ 2-3 tháng, Sơn trực tiếp mang tiền đến phòng làm việc đưa cho Quỳnh. Mỗi lần đưa số tiền 500 triệu đồng.
Trong lúc HĐXX tạm nghỉ ít phút để hội ý, ông Đinh La Thăng, Ninh Văn Quỳnh có thời gian để vui vẻ trò chuyện với người thân, quen.
Sáng nay, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Đinh La Thăng cùng 6 đồng phạm trong vụ án liên quan đến việc góp vốn 800 tỷ đồng của PVN và OceanBank.
Trong phiên tòa xét xử bị cáo Đinh Đinh La Thăng và đồng phạm sáng nay, Hà Văn Thắm xuất hiện với vai trò người làm chứng.
Lần này, ông Đinh La Thăng và 6 đồng phạm bị đưa ra xét xử vì làm thất thoát 800 tỷ đồng của PVN ở Oceanbank.
T.Nhung