Vì một thế giới khỏe mạnh hơn, an toàn hơn và công bằng hơn 

(ĐCSVN) - Ngày 24/5, kỳ họp thứ 74 Đại hội đồng Y tế thế giới đã diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ) nhằm nhấn mạnh tính khẩn cấp của việc chấp dứt đại dịch COVID-19 và ngăn chặn kịch bản bùng phát đại dịch tiếp theo thông qua những nỗ lực nhằm xây dựng một thế giới khỏe mạnh hơn, an toàn hơn và công bằng hơn.
Vì một thế giới khỏe mạnh hơn, an toàn hơn và công bằng hơn

Số ca nhiễm và tử vong gia tăng, việc tiêm chủng ngày càng cấp bách

Theo số liệu thống kê do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố, từ khi bùng phát vào cuối năm 2019, số ca nhiễm COVID-19 trên toàn thế giới đã tăng 40 lần, lên tới con số 160 triệu trường hợp. Trong khi số người tử vong vì bệnh dịch đã tăng 11 lần lên 3 triệu. Đại dịch đang tiếp tục đe dọa đến sức khỏe và kế sinh nhai của nhiều người trên trái đất.

Phát biểu mở đầu phiên họp, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã kêu gọi các nước thành viên tiêm chủng cho ít nhất 10% dân số tại mỗi nước vào tháng 9/2021 và đạt mục tiêu tối thiểu 30% dân số vào cuối năm nay. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc bảo đảm tiêm chủng cho khoảng 250 triệu người tại các nước có thu nhập thấp và thu nhập trung bình trong vòng 4 tháng tới.

Người đứng đầu WHO kêu gọi các nước chia sẻ vaccine và đẩy mạnh cơ chế COVAX về phân phối vaccine bình đẳng trên thế giới. Bên cạnh đó, ông Ghebreyesus cũng chỉ ra rằng, việc thực hiện các quy định y tế quốc tế đã được thực hiện không nhất quán và chưa dẫn tới mức độ cam kết và hành động cần thiết trong thời gian xảy ra đại dịch.

3 hành động trụ cột giúp đánh bại COVID-19

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres phát biểu tại Đại hội đồng Y tế Thế giới lần thứ 74 diễn ra dưới hình thức trực tuyến. (Ảnh: Trần Minh) 

Trong thông điệp trực tuyến gửi tới phiên họp, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres chỉ ra rằng, đại dịch COVID-19 không thể bị đánh bại nếu chỉ bởi một nước vào cùng một thời điểm mà cần tới hành động phối hợp trên quy mô toàn cầu, dựa trên 3 trụ cột: phối hợp phản ứng để chặn đứng virus, tăng cường hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu và bao phủ sức khỏe toàn dân, chuẩn bị cho tình huống khẩn cấp y tế toàn cầu tiếp theo.

Từ những lập luận trên, người đứng đầu Liên hợp quốc hối thúc các nhà lãnh đạo trên thế giới phải khẩn trương triển khai một kế hoạch toàn cầu về tiếp cận công bằng vaccine, xét nghiệm và điều trị COVID-19. Những hành động đó bắt đầu từ việc tài trợ cho sáng kiến ACT – Accelerator và cơ chế COVAX nhằm triển khai công cụ cứu sống mạng người tới các quốc gia nghèo nhất trên quy mô toàn cầu.

Trong thông điệp phát đi cùng ngày, ông Guterres cũng nhắc lại lời kêu gọi nhóm G20 thành lập một nhóm  chuyên trách tập hợp tất cả các quốc gia có năng lực sản xuất vaccine, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các đối tác trong sáng kiến ACT – Accelerator, các tổ chức tài chính và các bên liên quan. Nhiệm vụ của nhóm chuyên trách trong nhóm G20 nhằm hướng tới mục tiêu tăng tối thiểu gấp đôi năng lực sản xuất vaccine, thông qua việc áp dụng mọi phương án có thể, từ cấp giấy phép tự nguyện, chuyển giao công nghệ cho tới chia sẻ bằng sáng chế và linh hoạt về quyền sở hữu trí tuệ. Nhóm chuyên trách của nhóm G20 cần giải quyết vấn đề phân phối công bằng vaccine trên quy mô toàn cầu thông qua sáng kiến ACT – Accelerator và cơ chế COVAX. Nỗ lực này cần nhận được sự ủng hộ, phối hợp ở mức độ cao nhất từ các cường quốc nắm giữ hầu hết nguồn cung và năng lực sản xuất toàn cầu, cùng với một hệ thống đa phương.

Cảnh báo về tốc độ phản ứng không đồng đều trước đại dịch

“Ngay từ khi đại dịch khởi phát, tôi đã cảnh báo về nguy cơ chênh lệnh tốc độ phản ứng trên quy mô toàn cầu. Đáng buồn là nếu như chúng ta không hành động ngay bây giờ, thì chúng ta sẽ phải đối mặt với một tình huống, đó là trong khi các nước giàu tiêm chủng được phần lớn dân số và mở cửa nền kinh tế thì các nước nghèo nhất vẫn quẩn quanh với virus và các chủng đột biến. Kịch bản bùng phát tiếp theo của đại dịch có thể khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng và làm chậm quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu” – ông Guterres nói.

COVID-19 không thể bị tách biệt với các vấn đề nền tảng trong hệ thống y tế. Việc thành lập các hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu một cách phù hợp sẽ giúp thế giới phục hồi nhanh hơn và giúp chặn đứng nguy cơ tiếp theo tái diễn. “Chúng ta không nên theo đuổi các nỗ lực phục hồi từ đại dịch COVID-19 trong khi phải trả giá bởi các hoạt động chăm sóc y tế thiết yếu khác, từ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ đến tiêm chủng cho trẻ em và chăm sóc sức khỏe tâm thần” – người đứng đầu Liên hợp quốc nói.

Tuy nhiên, việc đẩy mạnh các hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu mới chỉ là một xuất phát điểm chứ chưa phải là tất cả. Ông Guterres chỉ ra rằng, thế giới cần một cam kết chính trị ở mức độ cao nhất để hướng tới một cách tiếp cận gồm sự chung tay của tất cả các chính phủ, các xã hội trong cuộc chiến chống COVID-19. Trong đó, WHO cần đóng vai trò trung tâm trong nỗ lực sẵn sàng ứng phó đại dịch trong tương lai. Tổ chức này cần đến các nguồn lực bền vững và có thể dự đoán được, đồng thời cần phải được trao quyền đầy đủ để thực hiện các yêu cầu đề ra. Thế giới cần một khuôn khổ hợp tác quốc tế phù hợp với tương lai; các giải pháp mới cho một nền tài chính bền vững và có thể dự báo được; cùng năng lực quốc gia trong phòng ngừa, phát hiện và ứng phó với các đợt bùng phát dịch bệnh mới./.

 
Thu Lan (Theo báo chí nước ngoài)
96 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 564
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 565
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 86335704