Venezuela hiện đang tìm kiếm một công cụ thanh toán thay thế để duy trì việc bán dầu cho Ấn Độ, một thị trường xuất khẩu quan trọng, đặc biệt là sau khi Mỹ áp đặt trừng phạt đối với xuất khẩu dầu thô của nước này.
Phát biểu bên lề Hội nghị Petrotech của Ấn Độ, Bộ trưởng Quevedu nhấn mạnh các nước có thể thiết lập một nền kinh tế mà không chịu sự chi phối của đồng USD. Ông cũng đề xuất trao đổi hàng hóa với New Delhi, song không tiết lộ cách thức tiến hành.
Ông Quevedu cho biết Venezuela đang cung cấp cho tất cả các khách hàng của nước này, trong đó có công ty Reliance Industries của Ấn Độ, bất chấp lệnh trừng phạt từ Mỹ.
[Venezuela mở hệ thống thanh toán hàng đổi hàng với Ấn Độ]
Công ty này đã trả phần lớn cho số dầu mua từ Tập đoàn dầu khí quốc doanh PDVSA của Venezuela bằng tiền mặt, cũng như cung cấp nhiên liệu cho Venezuela thông qua chi nhánh RIL tại Mỹ.
Trước đó, Bộ Tài chính Mỹ đã công bố một số biện pháp trừng phạt bổ sung nhằm vào PDVSA, theo đó mọi tài sản và lợi ích của tập đoàn này có liên quan tới quyền tài phán của Mỹ sẽ bị đóng băng và các cá nhân Mỹ cũng bị cấm giao dịch với PDVSA.
Đây là các biện pháp trừng phạt mới nhất của Mỹ đối với Venezuela, động thái được cho là để gia tăng áp lực đối với chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro.
Chính trường Venezuela trở nên căng thẳng sau khi thủ lĩnh phe đối lập đồng thời là Chủ tịch của Quốc hội do phe đối lập kiểm soát Juan Guaido đã tự phong là “tổng thống lâm thời” của quốc gia Nam Mỹ này cho tới khi lập ra một chính phủ chuyển tiếp và tổ chức bầu cử ở nước này.
Một số nước ở khu vực như Mỹ, Canada, Colombia, Paraguay, Brazil, Chile, Argentina, Ecuador, Guatemala và Peru, cũng như Tổ chức Các quốc gia châu Mỹ (OAS) đã lên tiếng công nhận chức danh "tổng thống lâm thời" tự phong của ông Guaido.
Trong khi đó, nhiều nước khác như Cuba, Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga bày tỏ sự ủng hộ đối với chính phủ của Tổng thống Maduro, đồng thời lên án âm mưu đảo chính./.