Trả lời hãng tin Sputnik trong khuôn khổ chuyến thăm Nga từ ngày 20-24/8, ông Parolin nhấn mạnh chỉ khi nào các cường quốc trên thế giới nhận ra rằng hợp tác vì lợi ích chung là giá trị chính cần đạt được, thì các liên minh rộng lớn, trong đó có liên minh chống lại chủ nghĩa khủng bố xấu xa, mới có thể trở thành hiện thực.
Theo ông Parolin, một trong những nhiệm vụ của các nhà thờ là khuyến khích các nỗ lực và tư duy như vậy.
Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh châu Âu liên tiếp đối mặt với các vụ tấn công khủng bố trong thời gian qua.
Đêm 17/8, một phần tử Hồi giáo thánh chiến thuộc tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã lái xe tải lao vào đám đông trên phố đi bộ Las Ramblas ở thành phố Barcelona của Tây Ban Nha làm 14 người thiệt mạng và hơn 130 người bị thương.
Vài giờ sau đó, một vụ đâm xe khác xảy ra tại thị trấn Cambrils của nước này làm 6 dân thường và 1 cảnh sát bị thương.
Ngày 18/8, tại Phần Lan, một đối tượng cầm dao tấn công đám đông ở trung tâm thành phố Turku, khiến 2 người thiệt mạng và 8 người bị thương.
Cảnh sát Phần Lan đang điều tra vụ tấn công này theo hướng là một vụ khủng bố.
Cùng ngày tại Nga, một đối tượng dùng dao tấn công 8 người tại một khu phố ở trung tâm thành phố Surgut, cách thủ đô Moskva 2.100km về phía Đông Bắc.
Một loạt trang web có liên quan đến IS đã cảnh báo sau các vụ tấn công bằng xe tải ở Tây Ban Nha, địa điểm tiếp theo của các vụ tấn công sẽ là Italy.
Thủ tướng Italy Paolo Gentiloni ngày 20/8 nhấn mạnh rằng không có nước nào, kể cả Italy, có thể cảm thấy an toàn trước mối đe dọa khủng bố.
Phát biểu tại “Cuộc gặp vì tình hữu nghị giữa mọi người” của Công giáo, được tổ chức ở thành phố Rimini, ông Gentiloni nêu rõ mặc dù ông không tin sự tuyên truyền của IS, và mặc dù nhóm khủng bố này đã bị tổn thất nặng nề ở Trung Đông cũng như đã thất bại trong việc đạt được mục chính là đưa sự hiện diện khủng bố của chúng trở thành một nhà nước, song mối đe dọa từ IS vẫn gây quan ngại đáng kể.
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn đài truyền hình quốc gia ERT, Bộ trưởng Trật tự công cộng và Bảo vệ công dân Hy Lạp, ông Nikos Toskas, cho biết không có dấu hiệu nước này có thể phải đối mặt với một cuộc tấn công khủng bố như những gì đã xảy ra ở các nước châu Âu khác trong thời gian gần đây, song ông nhấn mạnh không thể loại trừ khả năng một phần tử cực đoan "sói đơn độc" tiến hành tấn công trong tương lai.
Bộ trưởng Toskas khẳng định Hy Lạp vẫn là một trụ cột trong an ninh ở châu Âu và Địa Trung Hải, đồng thời cho rằng chủ nghĩa khủng bố chỉ có thể bị đánh bại nếu hòa bình được lập lại tại các khu vực bất ổn ở Trung Đông.
Các quan chức và giới phân tích chính trị Hy Lạp nhận định rằng so với các nước châu Âu khác, Hy Lạp có truyền thống quan hệ tốt với thế giới Arab và không tham gia vào các hành động can thiệp quân sự ở Trung Đông./.
TTXVN/Vietnam+