Phát biểu trước báo giới, ngày 7/6, một quan chức cấp cao (không tiết lộ tên) của Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc nhấn mạnh: “Chúng tôi không nói tới việc rút hai bệ phóng và các thiết bị khác (của THAAD) vốn đã được triển khai. Nhưng những thiết bị chưa được triển khai sẽ phải tiếp tục chờ đợi”.
Tuyên bố trên được đưa ra chỉ một ngày sau khi Tổng thống Moon Jae-in đích thân chỉ thị các cơ quan chức năng của Hàn Quốc nghiên cứu kỹ lưỡng về những tác động môi trường của hệ thống THAAD – mà sau khi được triển khai sẽ bao gồm ít nhất 6 bệ phóng và 48 quả tên lửa có khả năng đánh chặn. Trong bối cảnh trên, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc đang điều tra những cáo buộc cho rằng Bộ Quốc phòng đã che giấu thông tin về kế hoạch triển khai THAAD. Trong đó gồm cả thông tin cho rằng một quan chức của bộ này đã giữ kín việc đã có thêm 4 bệ phóng trong hệ thống THAAD được chuyển tới Hàn Quốc trong một động thái được cho là nhằm thu hẹp quy mô và phạm vi của kế hoạch này để giảm bớt những đánh giá về tác động môi trường.
Sau khi đã nắm thông tin về vụ việc, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc đã chỉ thị cho Bộ Quốc phòng tiến hành một cuộc đánh giá tổng thể về môi trường tại khu vực được chỉ định triển khai THAAD. Trong khi đó, tuyên bố mới nhất do Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc vừa đưa ra cũng đã chính thức bác bỏ những thông tin đồn đoán của giới truyền thông về khả năng sẽ không diễn ra một cuộc đánh giá tổng thể về kế hoạch triển khai THAAD.
Quan chức cấp cao trên của Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho rằng, việc triển khai THAAD không phải là một vấn đề cấp bách, đồng thời lưu ý thêm rằng, khả năng hạt nhân của Triều Tiên không còn được xem là các mối đe dọa mới phát sinh. “Các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên đã diễn ra trong một thời gian dài, vì thế, việc chúng ta có phải cấp bách triển khai THAAD mà bỏ qua các thủ tục pháp lý hay không cũng là một vấn đề cần được tính đến” - quan chức trên nêu rõ.
Theo một thỏa thuận được ký kết giữa hai nước, Hàn Quốc sẽ cung cấp cho Mỹ 700.000 m2 đất để triển khai một hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân nhằm tăng cường khả năng phòng thủ. Luật pháp Hàn Quốc quy định, việc lắp đặt các thiết bị hay xây dựng các căn cứ mới có tầm ảnh hưởng vượt quá phạm vi 330.000 m2 đất trước tiên phải vượt qua công đoạn đánh giá về các tác động đến yếu tố môi trường.
Vào giai đoạn khởi điểm, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã cung cấp 320.000 m2 đất để triển khai THAAD, đưa dự án này thuộc vào diện “đánh giá ở quy mô nhỏ và không chính thức” về môi trường. Tuy nhiên sau đó, cơ quan này dự kiến sẽ phải cung cấp nốt 380.000 m2 đất còn lại để hoàn thiện việc triển khai THAAD – một động thái được Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc đánh giá là quy tụ đủ điều kiện để tiến hành đánh giá toàn diện về môi trường liên quan tới kế hoạch này.
Cho tới hay, 2 bệ phóng trong tổng số 6 bệ phóng của khẩu đội THAAD đã được triển khai tới khu vực chỉ định tại Seongju, phía Nam Hàn Quốc. Về phía Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc khẳng định, việc triển khai 4 bệ phóng còn lại của THAAD cần tiếp tục bị trì hoãn cho tới khi nào kết thúc công đoạn đánh giá về tác động môi trường của hệ thống này. Tuy nhiên, quan chức cấp cao trên của Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc đã không trả lời cụ thể về câu hỏi của phóng viên liên quan tới thời gian đánh giá về tác động môi trường của hệ thống THAAD mà chỉ tiết lộ rằng, công việc này có thể sẽ kéo dài hơn 1 năm, đồng thời viện dẫn tới việc đánh giá môi trường để triển khai hệ thống THAAD tại đảo Guam đã diễn ra trong vòng 23 tháng./.
Thu Lan (Theo Yonhap, Asia News Network/The Korea Herald)