Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục vào việc học tập lý luận chính trị hiện nay 

Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục bao gồm hệ thống những quan điểm khoa học và cách mạng về giáo dục, là kết tinh truyền thống giáo dục văn hiến của dân tộc Việt Nam và tinh hoa văn hoá giáo dục của nhân loại nhằm xây dựng một nền giáo dục dân chủ, nhân văn, nền giáo dục cho mọi người, nền giáo dục là hạt nhân của quá trình phát triển kinh tế - xã hội, văn hoá, chính trị hướng tới một tương lai tốt đẹp. Ngày nay, trong thời đại công nghiệp hoá hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, các quan điểm về giáo dục toàn diện, giáo dục là sự nghiệp của toàn dân, giáo dục là nền tảng của sự phát triển kinh tế - xã hội; các phương châm, phương pháp về giáo dục của Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị và trở thành khuôn mẫu, kim chỉ nam cho nền giáo dục Việt Nam.

Cùng với nhiều môn học khác, môn học về lý luận chính trị được đánh giá là môn học vô cùng quan trọng nhằm hình thành thế giới quan, phương pháp luận về tư duy lý luận; củng cố niềm tin và bản lĩnh chính trị, ý thức giai cấp và tinh thần yêu nước cho người học, nhất là các đối tượng cán bộ, đảng viên, từ đó thúc đẩy cán bộ, đảng viên tự giác, tự nguyện, hăng hái hành động, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng do Đảng đề ra. Tuy nhiên so với các môn học khác, lý luận chính trị là môn học mang tính trừu tượng cao, không có công thức như các môn thuộc khoa học tự nhiên, không hấp dẫn như tin học, ngoại ngữ...mà đây là môn học mang nặng về lý thuyết, đòi hỏi tư duy, tính biện luận với rất nhiều các thuật ngữ khó hiểu. Do đó, người học dễ sinh ra nhàm chán, học đối phó, kéo theo đó là một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng cách mạng; dao động, giảm sút niềm tin vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hoài nghi, thiếu tin tưởng vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; xa rời tôn chỉ, mục đích của Đảng;…thái độ học tập, quán triệt chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước mang tính hình thức, cho xong việc.

 Để bảo vệ đường lối chính trị của Đảng, của giai cấp thì việc coi trọng dạy và học lý luận chính trị là việc có ý nghĩa thực tiễn to lớn và vô cùng cần thiết đối với nước ta hiện nay. Theo đó việc vận dụng các quan điểm của Hồ Chí Minh về giáo dục trong việc học tập lý luận chính trị sẽ có tác dụng trong việc nâng cao hiệu quả học tập các môn học lý luận chính trị cho người học.

 Các quan điểm đó bao gồm:

Một là, học phải đi đôi với hành

Mục đích của việc học là để thực hành, để tồn tại và phát triển. Là một nhà tư tưởng lớn, nhà giáo dục của thời đại Hồ Chí Minh nhìn thấy ý nghĩa to lớn của việc kết hợp học và hành, nó không chỉ cũng cố mà còn mở rộng kiến thức trong thực tiễn, cải tạo thực tiễn qua đó hình thành nhân cách mới của người học. Trong tác phẩm Sửa đổi lề lối làm việc viết năm 1947, Người viết: “Một người học xong đại học có thể gọi là tri thức. Song, y không biết cày ruộng, không biết làm công, không biết đánh giặc, không biết làm nhiều việc khác. Nói tóm lại: công việc thực tế y không biết làm gì cả. Thế là y chỉ có tri thức một nửa. Tri thức của y là tri thức học sách chưa phải là tri thức hoàn toàn. Y muốn thành người tri thức hoàn toàn thì phải đem tri thức đó áp dụng vào thực tế”.

Người thường xuyên nhắc nhở: “Học để hành, học với hành phải đi đôi với nhau. Học mà không thực hành thì vô ích. Hành mà không học thì hành không trôi chảy. Đối với Hồ Chí Minh lý luận phải luôn luôn đi đôi với thực tiễn, thật vậy, ở Người thực tiễn hoá lý luận, lý luận gắn liền với thực tiễn, Người hiểu lý luận thấu đáo nên làm chủ được lý luận, người nắm bắt chính xác bản chất thực tiễn nên những dự báo của người luôn phù hợp với xu thế phát triển khách quan của thời đại. Từ đó mà Người đã đúc rút được một chân lý giá trị:“Thực hành sinh ra hiểu biết. Hiểu biết tiến lên lý luận. Lý luận lãnh đạo thực tiễn”. Đó là tư tưởng đồng thời cũng là phương pháp giáo dục mang phong cách Hồ Chí Minh.

Trong học tập các môn học lý luận chính trị, nếu bản thân người học không gắn kết được lý luận với các vấn đề thực tiễn, không vận dụng được những tri thức lý luận vào việc luận giải, xử lý các tình huống thực tiễn, điều đó có nghĩa là người học mới thu nhập được một lượng lý luận suông và mới có học mà chưa có hành và rồi trước sau gì thì lý luận đó cũng trở thành vô nghĩa với chính bản thân người học và không đáp ứng được những đòi hỏi của thực tế. Cho nên đề việc học các môn lý luận chính trị của mình đạt kết quả, chính bản thân người học phải tìm cách vận dụng những kiến thức được học vào trong quá trình hoạt động thực tiễn, là được điều đó nghĩa là học đã đi đôi với hành và người học càng hiểu sâu sắc hơn những tri thức mà mình lĩnh hội được.

Như vậy, học lý luận chính trị chỉ hiệu quả khi lý thuyết đi đôi với thực hành, học phải có nghiên cứu, tìm hiểu chứ không học vẹt. Vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy rằng: “Nghiên cứu mà không thực hành là nghiên cứu suông, thực hành mà không nghiên cứu thì thường bị mù quáng. Vậy cần phải nghiên cứu kinh nghiệm cũ để giúp cho thực hành mới, lại đem thực hành mới để phát triển kinh nghiệm củ, làm cho nó đầy đủ, dồi dào thêm”.

Hai là, tự học là một cách học hiệu quả trong việc học tập các môn học lý luận chính trị

Trong việc học tập nói chung và học tập các môn học lý luận chính trị nói riêng, tự học là khâu quan trọng, có tính quyết định đến chất lượng đào tạo. Hồ Chí Minh có quan điểm hiện đại về phương pháp học tập, nhất là vấn đề tự học. Đây là cống hiến to lớn và quý giá của Người vào kho tàng lý luận dạy học của nước ta.

Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về tinh thần tự học. Trong lý lịch tự khai tại Đảng Cộng sản Pháp cũng như tại một số đại hội, hội nghị của Quốc tế Cộng sản, Bác thường khiêm tốn ghi ở phần trình độ học vấn là: Tự học. Trong một số bài phát biểu Người cũng tâm sự: “Về văn hoá tôi chỉ học hết tiểu học. Về hiểu biết phổ thông: 17 tuổi tôi mới nhìn thấy ngọn đèn điện lần đầu tiên, 20 tuổi mới nghe rađio lần đầu”. Nhưng chúng ta ai cũng biết, Người có một trình độ học vấn rộng lớn, uyên bác mà cả thế giới phải khâm phục và thừa nhận.

 Phải ham học, học suốt đời, học ở mọi nơi, lấy tự học làm cốt. Ham học có nghĩa là phải có sự say mê, có khát vọng hiểu biết. Muốn vậy, mỗi cá nhân phải tự nhận thấy và đánh giá được mức độ hiểu biết của mình, không tự cao, tự đại, không thể bằng lòng với cái hiện tại, có ước mơ và hoài bão vươn lên. Tri thức của nhân loại là biển cả mênh mông, hiểu biết của mỗi cá nhân chỉ như là một giọt nước, do đó nếu chỉ trông chờ vào những kiến thức được trang bị trong nhà trường thì những hiểu biết đó sẽ mai một, bốc hơi dần dần. Cuộc đời của mỗi người cao lắm cũng chỉ có 1/3 thời gian là học ở trường, vậy 2/3 thời gian còn lại chúng ta học ở đâu, theo Bác, ngoài việc học ở trường, học ở sách vở, phải học lẫn nhau và học ở nhân dân, đó là triết lí học suốt đời mà Người muốn gửi đến chúng ta.

Quan điểm của Hồ Chí Minh về “tự học” có thể khái quát như sau:

- Trong hoạt động học tập cũng như trong thực tiễn cần xác định mục đích học tập (học làm gì, học như thế nào, học cái gì, học cho ai...) từ đó xây dựng động cơ học tập. Người luôn xác định rõ vai trò của học tập đối với người cách mạng: Chúng ta phải học và hoạt động cách mạng suốt đời. Còn sống thì còn phải học, còn phải hoạt động cách mạng. Đây là yêu cầu bắt buộc đối vói người cán bộ cách mạng. Người cho rằng: Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời, không ai có thể tự cho mình là đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Theo Người muốn học suốt đời thì phải tự học.

- Có động cơ học tập trong sáng. Theo Hồ Chí Minh, việc xác định đúng mục đính và xây dựng động cơ học tập không chỉ là vấn đề của học tập mà đó còn là vấn đề đạo đức, nhân cách của người học, điều đó quyết định hiệu quả của tự học. Trong việc học tập lý luận chính trị, người học cần xác định rõ mục đích của việc tự học là nhằm trang bị, nâng cao kiến thức cho bản thân, phục vụ cho quá trình công tác.

Từ những quan điểm của Hồ Chí Minh về tự học cho thấy, nêu cao tình thần tự giác trong học tập lý luận chính trị thì người học sẽ có cơ hội nâng cao tư duy lý luận, tạo sự gắn kết lý luận với thực tiễn, đồng thời qua việc tự học người học lý luận chính trị sẽ đúc kết được các kinh nghiệm trong hoạt động thực tiễn thành lý luận phục vụ hữu ích cho hoạt động thực tiễn. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu trên, theo Người, người thầy phải là người tạo điều kiện, giúp đở để người học tự xây dựng kế hoạch và ý thức tự học, do đó, trong phương pháp giảng dạy cần chú ý nêu vấn đề, tạo ham muốn và say mê nghiên cứu học tập ở người học, tránh lối dạy học nhồi nhét hay học vẹt.

Ba là, học tập lý luận chính trị phải kết hợp với giải quyết các vấn đề đặt ra trong thực tiễn.

Lý luận theo Hồ Chí Minh là sự tổng kết những kinh nghiệm của loài người, là tổng hợp những tri thức về tự nhiên và xã hội tích trữ lại trong quá trình lịch sử”. Vì vậy, “lý luận như cái kim chỉ nam, nó chỉ phương hướng cho chúng ta trong công việc thực tế” và “không hiểu lý luận thì như người mù đi đêm”. Như vậy, lý luận đối với Hồ Chí Minh không phải là mục đích tự thân, lý luận phải xuất phát từ thực tiễn, phải được chứng minh trong thực tiễn và khi được vận dụng vào thực tiễn, nó được bổ sung, phát triển, trở nên phong phú và sâu sắc hơn, phản ánh đầy đủ hơn, chuẩn xác hơn các quy luật vận động và phát triển của tự nhiên, của xã hội và của con người.

Sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước vấn là một sự nghiệp mới mẻ và do vậy, càng không thể thiếu lý luận. Để có thể xây dựng được một đất nước phát triển, nhất thiết phải nâng cao trình độ lý luận cho toàn thể cán bộ, đảng viên, nhất là các cán bộ cốt cán của Đảng. Nói về nhiệm vụ này, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Muốn cải tạo xã hội mà đảng viên không tự cải tạo mình, không tự nâng cao mình thì không thể được. Cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa đòi hỏi đảng viên và cán bộ phải có lập trường giai cấp vô sản thật vững chắc, giác ngộ về chủ nghĩa xã hội cao; đòi hỏi cán bộ đảng viên phải rửa sạch ảnh hưởng của những tư tưởng của giai cấp bóc lột, rửa sạch chủ nghĩa cá nhân, rèn luyện chủ nghĩa tập thể. Nó đòi hỏi cán bộ và đảng viên phải khắc phục các bệnh quan liêu và cô độc hẹp hòi để liên hệ chặt chẽ với quần chúng, do đó mà phát huy được đầy đủ tính sáng tạo của hàng triệu quần chúng nhân dân xây dựng chủ nghĩa xã hội, vì chủ nghĩa xã hội chỉ có thể xây dựng được với sự giác ngộ đầy đủ và lao động sáng tạo của hàng chục triệu người. Muốn thế phải nâng cao trình độ lý luận chung của Đảng, phải tổ chức học tập lý luận trong Đảng, trước hết là trong những cán bộ cốt cán của Đảng”.

Tuy đề cao lý luận, song Hồ Chí Minh không xem nhẹ và không coi thường kinh nghiệm thực tế. Người cho rằng, lý luận phải đem ra thực hành, lý luận phải liên hệ với thực tế, lý luận thống nhất với thực tiễn là một nguyên tắc cơ bản. Đối với Hồ Chí Minh, lý luận cách mạng cốt nhằm nâng cao trình độ tư tưởng, lý luận của cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân nhằm thúc đẩy cách mạng tiến lên và đạt được hiệu quả cao nhất. Người thường nhắc nhở Đảng và Nhà nước khi xây dựng đường lối, chính sách, chủ trương, biện pháp, kế hoạch phải xuất phát từ thực tiễn, từ những đòi hỏi bức thiết của thực tiễn cách mạng, lấy thực tiễn làm tiêu chuẩn chân lý, làm nguồn cung cấp cứ liệu và kinh nghiệm sinh động cho hoạt động nghiên cứu lý luận và cho việc đề xuất lý luận.

Trong việc học tập các môn lý luận chính trị, Người cho rằng việc học tập lý luận mà không biết sử dụng lý luận thì việc học chưa được coi là hoàn thiện. Do đó, học lý luận phải kết hợp với việc giải quyết các vấn đề đặt ra trong thực tiễn. Người thường nói: “Lý luận cốt để áp dụng vào công việc thực tế. Lý luận mà không áp dụng vào thực tế là lý luận suông. Dù xem được hàng ngàn, hàng vạn quyển lý luận, nếu không biết đem ra thực hành, thì khác nào một cái hòm đựng sách”. Vì vậy người dạy: “Nói tóm lại, mối cán bộ, đảng viên phải học lý luận, phải đem lý luận áp dụng vào công việc thực tế. Phải chữa cái bệnh kém lý luận, khinh lý luận và lý luận suông".

Muốn vậy, người học lý luận chính trị phải thấy việc học môn này là cần thiết, học để vận dụng vào thực tiễn, học để hoàn thiện nhận thức, thấu hiểu đúng đắn các đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, từ đó hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã giao cho.

                                                                                                                                  Lê Thị Châu Minh - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

3453 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 960
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 960
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87190374