Ngoài việc gia tăng hàng loạt các biện pháp trừng phạt cả chính trị lẫn kinh tế nhằm vào Iran, mà trọng tâm là dầu mỏ, Mỹ còn liệt Lực lượng Cách mạng vệ binh Hồi giáo Iran (IRGC) vào tổ chức khủng bố quốc tế.
Đáng chú ý, ngày 6/5, Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan cho biết việc Washington thúc đẩy triển khai một nhóm tàu sân bay tấn công USS Abraham Lincoln và một số máy bay ném bom tới khu vực Trung Đông.
Đây được xem là thông điệp rõ ràng mà Washington gửi tới Tehran, khẳng định bất kỳ cuộc tấn công nào của Iran nhằm vào những lợi ích và đồng minh của Mỹ đều sẽ bị đáp trả. Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton đã cho biết quyết định này là nhằm phản ứng trước những dấu hiệu và cảnh báo nguy cơ rắc rối cũng như leo thang căng thẳng tại khu vực.
Những hành động nói trên của Mỹ đã bị chính các đồng minh của mình ở châu Âu phản đối. Tuyên bố chung của Anh, Pháp, Đức và EU ngày 4/5 nhấn mạnh “rất lấy làm tiếc và quan ngại về quyết định của Mỹ không gia hạn quyền miễn trừ đối với hoạt động trao đổi dầu mỏ với Iran”, cũng như lo ngại trước quyết định không gia hạn đầy đủ quyền miễn trừ của Mỹ đối với các dự án không phổ biến vũ khí hạt nhân.
Tuyên bố chung nêu rõ các bên còn lại tham gia JCPOA sẽ nỗ lực duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran, bảo đảm các kênh trao đổi thương mại, tài chính với Iran cùng bên thứ ba quan tâm duy trì thỏa thuận này, trong đó cơ chế trao đổi thương mại INSTEX.
Chính quyền Tehran thì coi các biện pháp trừng phạt, răn đe của Mỹ là hành động gây chiến và đã có những động thái phản ứng khá mạnh mẽ.
Ngày 5/5, truyền hình nhà nước IRIB TV dẫn lời Bộ trưởng Nội vụ Iran Abdolreza Rahmani Fazli cho hay Mỹ đã sử dụng chiến thuật "gây sức ép kinh tế hà khắc", bao gồm kiềm chế hoạt động bán dầu mỏ của Iran và giảm sản lượng xuất khẩu dầu thô của nước này về mức 0. Trong bối cảnh đó, Iran sẽ không đàm phán với Mỹ nữa. Ông khẳng định: "Chúng tôi sẽ tăng cường sức đề kháng và chống lại họ (Washington)".
Trong khi đó, Thứ trưởng Dầu mỏ Iran, ông Amir Hossein Zamaninia cùng ngày cho biết nước này đã huy động mọi nguồn lực để bán dầu trên "thị trường xám" (hệ thống giao dịch không chính thức), ứng phó với các lệnh trừng phạt của Mỹ mà Tehran coi là bất hợp pháp. Ông cũng khẳng định: "Đây không phải là buôn lậu. Đây là chống lại các biện pháp mà chúng tôi cho là không công bằng và cũng không hợp pháp".
Mặc dù Iran đã nhấn mạnh rằng nước này sẽ không tái đàm phán với Mỹ dưới áp lực của các biện pháp trừng phạt, nhưng giới chức Tehran để ngỏ khả năng đàm phán nếu Washington quay trở lại thỏa thuận hạt nhân.
Một diễn biến khác đáng chú ý, ngày 28/4, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cảnh báo Tehran có thể sẽ rút khỏi Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).
Hãng thông tấn bán chính thức ISNA của Iran ngày 6/5 dẫn nguồn tin tiết lộ, Tổng thống Iran Hassan Rouhani có thể sắp thông báo các kế hoạch từng bước trả đũa Mỹ, bao gồm giảm bớt một phần hoặc cắt giảm hoàn toàn một số cam kết của Iran, cũng như khởi động lại những hoạt động hạt nhân từng bị đình chỉ trong khuôn khổ JCPOA.
Còn hãng tin nhà nước IRIB của Iran cho hay, Iran sẽ tái khởi động lại một phần chương trình hạt nhân của mình nhằm đáp trả việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 trong khi Iran không có kế hoạch rút khỏi thỏa thuận này.
Theo giới chức Iran, các biện pháp đáp trả này sẽ tương ứng với hai phần trong kế hoạch, vốn sẽ mở đường cho Iran chấm dứt một phần hoặc toàn bộ các cam kết của mình trong JCPOA, nếu Mỹ và các bên khác thất bại trong việc tuân thủ thỏa thuận.
Vấn đề hạt nhân của Iran bất ngờ “nóng” trở lại đã làm cho khu vực Trung Đông vốn có nhiều điểm nóng từ các cuộc xung đột Palestine - Israel, Syria, Lybia, Yemen… lại tiếp tục gia tăng sức nóng. Một khi vì yếu bất ngờ nào đó mà hai bên không kiểm soát được để dẫn đến cuộc xung đột vũ trang giữa Mỹ với Iran thì hậu quả vô cùng nghiêm trọng, mà người hứng chịu những khó khăn, chết chóc chính là thường dân vô tội.
Đây quả là một vấn đề hết sức phức tạp trên chính trường không chỉ ở khu vực Trung Đông mà có thể tác động trên quy mô toàn cầu!
Tuyết Minh