Các văn bản trên được Hội đồng đối ngoại EU thông qua dựa trên đề xuất được Ủy ban châu Âu đưa ra ngày 3/5 sau hội nghị thượng đỉnh 27 nước EU và dựa trên các phương hướng đã được Hội đồng châu Âu (EC) thông qua ngày 29/4. Việc EC thông qua các văn bản trên cho phép khởi động các cuộc đàm phán với Anh sau khi nước này chính thức thông báo rút khỏi EU theo tinh thần Điều 50 của Hiệp ước Lisbon về EU.
Các chỉ thị về đàm phán được các bộ trưởng EU thông qua ngày 22/5 liên quan đến giai đoạn đầu tiên của các cuộc đàm phán. Chỉ thị của EU vạch ra một số vấn đề cần ưu tiên trong giai đoạn hiện nay để đảm bảo nước Anh có thể rút lui một cách có trật tự. Các vấn đề mà EU dành nhiều quan tâm gồm quyền của các công dân, quyết toán tài chính và vấn đề Ireland.
Trưởng đoàn đàm phán của EU về Brexit Michel Barnier tại cuộc họp của Nghị viện châu Âu
ở Strasbourg, Pháp ngày 17/5. (Ảnh: EPA/TTXVN)
Các chỉ thị đàm phán cũng có thể được EU sửa đổi hoặc bổ sung thêm trong quá trình đàm phán nếu cần thiết, nhất là trong trường hợp có diễn tiến mới liên quan đến phương hướng đàm phán của EC.
Cuối cùng, EC sẽ ban hành quyết định thành lập nhóm làm việc với nhiệm vụ hỗ trợ cho tổ chức này và Ủy ban đại diện thường trực phối hợp trong tất cả các lĩnh vực liên quan đến tiến trình nước Anh rời khỏi EU.
Đầu tháng 5, Trưởng đoàn đàm phán của EU Michel Barnier (Mi-sen Bác-ni-ê) đã đưa ra chi tiết lịch trình đàm phán, theo đó dự kiến đạt thỏa thuận giai đoạn một vào trong khoảng tháng 10 - 12/2017, tiếp theo sẽ khởi động giai đoạn 2 trong thời gian tháng 12/2017 và mùa Xuân 2018 và kết thúc thỏa thuận về việc Anh rút khỏi EU vào tháng 11/2018. Như vậy, EU sẽ có khoảng 6 tháng cuối cùng, tức đến tháng 3/2019, để các nước thành viên phê chuẩn thỏa thuận "ly hôn" với nước Anh./.
Theo TTXVN