Vai trò của WTO với tăng cường thích ứng của chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu 

Ngành bán dẫn là đầu vào cho nhiều ngành khác và chuỗi cung ứng của ngành rất phức tạp, phụ thuộc vào thương mại toàn cầu để di chuyển hàng hóa, thiết bị, vốn và nhân lực.
Vai trò của WTO với tăng cường thích ứng của chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu

Trong khuôn khổ sự kiện Public Forum tại Geneva, Thụy Sỹ, từ ngày 10-13/9, Hiệp hội công nghiệp bán dẫn Mỹ (SIA) đã chủ trì phiên thảo luận với chủ đề “Vai trò của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đối với việc tăng cường sự thích ứng của chuỗi cung ứng ngành bán dẫn toàn cầu.”

Đây là sự kiện có cả đại diện trường Đại học bang Arizona; Đại sứ Carlos Sorreta, Trưởng Phái đoàn Philippines; Đại sứ Guillermet Fernandez, Trưởng Phái đoàn Costa Rica và đại diện Tập đoàn TSMC.

Ngành bán dẫn là đầu vào cho nhiều ngành khác và chuỗi cung ứng của ngành rất phức tạp, phụ thuộc vào thương mại toàn cầu để di chuyển hàng hóa, thiết bị, vốn và nhân lực. Tuy nhiên, ngành này bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, khiến nguồn cung của ngành chip bán dẫn bị sụt giảm.

Để tránh sự đứt gãy chuỗi cung ứng, các công ty bán dẫn đã thay đổi chiến lược đầu tư nhằm giảm rủi ro, tập trung vào sự thích ứng của chuỗi cung ứng.

Tại phiên thảo luận nêu trên, từ góc độ doanh nghiệp, đại diện TSMC cho biết tập đoàn này có hơn 500 khách hàng trong nhiều lĩnh vực như ngành ôtô, điện thoại thông minh... và mong muốn mở rộng phạm vi địa lý và phạm vi sản phẩm khi đầu tư để có thể thu hút nhiều nước tham gia vào chuỗi giá trị.

 

TSMC đánh giá cao vai trò của các quy định WTO đối với ngành và chia sẻ một trong những vấn đề mà tập đoàn xem xét khi đầu tư vào thị trường là chính sách liên quan đến sản phẩm công nghệ thông tin (Hiệp định ITA), chính sách tạo thuận lợi thương mại, thông lệ không đánh thuế hải quan đối với truyền tải điện tử (E-com moratorium), do đây là khuôn khổ hỗ trợ cho sự phát triển của ngành bán dẫn, là những yếu tố quan trọng trong chuỗi giá trị, giúp đa dạng hoá, tái cân bằng chuỗi cung ứng.

Ở góc độ chính phủ, một số nước, trong đó có Philippines, Costa Rica…, đã theo đuổi các chính sách quốc gia để thu hút đầu tư vào ngành và tăng cường năng lực sản xuất chip.

Đại sứ Philippines nêu các số liệu về tăng trưởng xuất khẩu của nước này trong giai đoạn 1995-2021 về các lĩnh vực dịch vụ, điện tử, máy móc để cho thấy sự tăng trưởng của các ngành này kể từ khi Manila tham gia vào các Hiệp định WTO liên quan, trong đó có Hiệp định Công nghệ thông tin ITA1 và ITA2.

Trong khi đó, Đại sứ Costa Rica chia sẻ kinh nghiệm của nước này trong việc thu hút đầu tư vào ngành bán dẫn để từ một đất nước ban đầu chỉ tập trung vào hoạt động lắp ráp đã trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo. Theo đó, liên quan đến sự phát triển trong hệ sinh thái ngành, trong những năm 1990, Costa Rica gia nhập ngành bán dẫn nhờ thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và áp dụng các chính sách tự do hóa thương mại.

 

Đến những năm 2000, nước này mở rộng và tăng tốc xuất khẩu. Vào năm 2011, xuất khẩu của Costa Rica đã tăng gần gấp đôi trị giá xuất khẩu so với năm 2002, hoạt động tập trung vào phân khúc cung cấp các linh kiện. Điều này có được là nhờ Costa Rica chuyển sang các hoạt động mang giá trị cao hơn, tăng bậc trong chuỗi giá trị toàn cầu, nguồn nhân lực có kỹ năng cao, tăng phúc lợi cho người lao động.

Đại sứ Costa Rica cũng chia sẻ việc tham gia vào các Hiệp định WTO như TRIPs, Hiệp định Chống bán phá giá, Hiệp định Trợ cấp và các biện pháp đối kháng, Hiệp định Tự vệ (1995); ITA1 (1997), Hiệp định Thuận lợi hóa thương mại (2016), Nghị định thư sửa đổi Hiệp định TRIPS (2019)...

Theo Đại sứ Costa Rica, đây là những văn kiện có tác động đến nước này nói chung và đến ngành bán dẫn. Bên cạnh đó, các chính sách trong nước và việc thực thi các Hiệp định WTO cũng có tác động đáng kể như Luật Bảo vệ đại diện công ty nước ngoài (2000), Luật về các thủ tục thực thi quyền sở hữu trí tuệ (IP) (2000), Luật Hải quan chung (2000), Luật về cơ chế khu thương mại tự do (2010)...

Cũng tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến khác đã được đưa ra, trong đó nêu bật vai trò của thương mại, thương mại đa phương trong việc hỗ trợ và thúc đẩy sự đa dạng và bao trùm trong chuỗi cung ứng của ngành bán dẫn./.

 

TSMC đang đầu tư khoảng 3,5 tỷ euro (3,9 tỷ USD) vào dự án ở Dresden và sẽ sở hữu 70% cổ phần. (Nguồn: Reuters)

“Ông lớn” ngành bán dẫn TSMC xây dựng nhà máy đầu tiên tại châu Âu

TSMC khởi công xây dựng nhà máy đầu tiên tại châu Âu ở thành phố Dresden phía đông nước Đức, trong bối cảnh EU đang tìm cách thu hút các chuỗi cung ứng quan trọng.

(TTXVN/Vietnam+)
52 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1197
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1197
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87101103