Ủy ban châu Âu (EC) mới đây dự báo nền kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) sẽ tiếp tục tăng trưởng mặc dù chậm hơn.
Theo EC, tăng trưởng kinh tế của EU đã được điều chỉnh giảm xuống 0,8% vào năm 2023, so với mức 1% được công bố trong dự báo mùa Xuân. Tăng trưởng ở Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone) năm 2023 cũng được điều chỉnh giảm từ 1,1% xuống 0,8%.
Tại EU, lạm phát được đo bằng chỉ số giá tiêu dùng hài hòa (HICP) hiện được dự đoán sẽ đạt 6,5% vào năm 2023, thấp hơn mức dự đoán 6,7% được đưa ra hồi mùa Xuân, và 3,2% vào năm 2024, so với mức dự đoán 3,1% trước đó.
Tại Eurozone, lạm phát dự kiến sẽ ở mức 5,6% vào năm 2023 và 2,9% vào năm 2024, so với các mức dự báo trước đó lần lượt là 5,8% và 2,8%.
Tăng trưởng chậm lại
Các số liệu mới nhất cho thấy hoạt động kinh tế ở EU đã suy giảm trong nửa đầu năm 2023 do những cú sốc đáng kể. Nhu cầu trong khu vực yếu, đặc biệt là tiêu dùng, cho thấy tình hình giá tiêu dùng cao đang đè nặng lên nền kinh tế các nước, bất chấp giá năng lượng giảm và sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường lao động với tỷ lệ thất nghiệp thấp, việc làm tiếp tục mở rộng và tiền lương tăng.
Đồng thời, các hoạt động cấp tín dụng ngân hàng cho nền kinh tế sụt giảm mạnh cho thấy việc thắt chặt chính sách tiền tệ đang dần có tác động trong nền kinh tế. Các chỉ số cho thấy hoạt động kinh tế đang chậm lại, được minh họa bằng sự suy yếu liên tục của ngành công nghiệp và động lực dịch vụ giảm sút, mặc dù nhiều khu vực của EU đã trải qua một mùa du lịch khá ấn tượng.
Nền kinh tế toàn cầu diễn biến tốt hơn dự kiến trong nửa đầu năm, bất chấp kết quả yếu kém ở Trung Quốc. Tuy nhiên, triển vọng tăng trưởng và thương mại toàn cầu nhìn chung vẫn không thay đổi so với mùa Xuân, có nghĩa là nền kinh tế EU không thể trông cậy vào sự hỗ trợ lớn từ nhu cầu bên ngoài.
Nhìn chung, tốc độ tăng trưởng chậm lại ở EU dự kiến sẽ kéo dài đến năm 2024 và tác động của chính sách tiền tệ thắt chặt được dự đoán sẽ tiếp tục làm giảm hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, dự kiến tăng trưởng sẽ phục hồi nhẹ trong năm tới do lạm phát được dự đoán sẽ tiếp tục giảm, thị trường lao động vẫn mạnh và thu nhập thực tế sẽ dần phục hồi.
Lạm phát tiếp tục giảm
Lạm phát tiếp tục giảm trong nửa đầu năm 2023 do giá năng lượng giảm và áp lực lạm phát từ thực phẩm, sản phẩm công nghiệp giảm bớt. Tại Eurozone, lạm phát đạt 5,3% trong tháng Bảy, bằng một nửa so với mức đỉnh 10,6% được ghi nhận vào tháng 10/2022, và vẫn ổn định trong tháng Tám.
[Xung đột tại Ukraine làm giảm tăng trưởng của các nền kinh tế châu Âu]
Giá năng lượng được dự đoán sẽ tiếp tục giảm trong thời gian còn lại của năm 2023, mặc dù chậm hơn, và tăng nhẹ trở lại vào năm 2024 do giá dầu tăng. Lạm phát dịch vụ đã được chứng minh là có khả năng phục hồi tốt hơn dự kiến, nhưng cũng sẽ tiếp tục chậm lại do nhu cầu giảm vì chính sách tiền tệ thắt chặt và quá trình phục hồi sau đại dịch COVID-19 chững lại. Giá thực phẩm và hàng công nghiệp phi năng lượng sẽ tiếp tục góp phần giảm lạm phát trong giai đoạn tới, một phần do giá đầu vào thấp hơn và chuỗi cung ứng ổn định.
Dự báo nhuốm màu rủi ro và sự không chắc chắn
Tình hình chiến sự tại Ukraine và những căng thẳng địa chính trị rộng lớn hơn vẫn là nguồn gốc của những rủi ro và bất ổn. Ngoài ra, việc thắt chặt chính sách tiền tệ có thể ảnh hưởng nặng nề hơn dự kiến đến hoạt động kinh tế, nhưng cũng có thể khiến lạm phát giảm nhanh hơn. Điều này sẽ cho phép thu nhập thực tế phục hồi. Mặt khác, căng thẳng về giá có thể vẫn kéo dài.
Rủi ro về khí hậu ngày càng gia tăng, thể hiện ở các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, cháy rừng và lũ lụt chưa từng có trong mùa hè này, cũng đang được cảm nhận trong các dự báo.
Theo ông Paolo Gentiloni, Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế của EU, bất chấp những rủi ro và khó khăn trên, tương lai của nền kinh tế châu Âu vẫn có triển vọng. Ông khuyến cáo : "Có rất nhiều việc phải làm để hỗ trợ tăng trưởng bền vững. Việc thực hiện hiệu quả các kế hoạch phục hồi và ứng phó quốc gia vẫn là ưu tiên hàng đầu. Chúng ta cần theo đuổi các chính sách tài chính thận trọng nhằm khuyến khích đầu tư, phù hợp với những nỗ lực hiện nay của các ngân hàng trung ương nhằm kiểm soát lạm phát. Cuối cùng, chúng ta cần quyết tâm nỗ lực để đạt được thỏa thuận về cải cách các quy định ngân sách vào cuối năm nay"./.
Thu Hà (TTXVN/Vietnam+)