Ngày 10/3, Phái bộ Hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Libya (UNSMIL) kêu gọi các phe phái chính trị tại Libya kiềm chế và không có các hành động gây căng thẳng, trong bối cảnh có thông tin cho rằng các nhóm vũ trang tại quốc gia Bắc Phi này đã huy động lực lượng và xe quân sự xung quanh thủ đô Tripoli.
UNSMIL nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ ổn định tại Libya và kêu gọi tất cả các bên ở nước này không có bất kỳ hành động nào có thể dẫn đến đụng độ vũ trang.
UNSMIL cũng kêu gọi các phe phái tại Libya hợp tác với Cố vấn đặc biệt của Tổng thư ký Liên hợp quốc về Libya Adviser Williams trong nỗ lực tìm kiếm một giải pháp đồng thuận để đưa đất nước thoát khỏi tình trạng bế tắc chính trị hiện nay.
Một số nguồn tin cho hay các đoàn xe cùng lực lượng an ninh và quân đội trung thành với Thủ tướng được chỉ định Fathi Bashagha đã di chuyển từ Misrata và Zliten để tiến đến Tripoli.
Tuy nhiên, các đoàn xe đã phải đối mặt với lực lượng của Lữ đoàn 444 và buộc phải di chuyển tới khu vực Garabulli.
Các lực lượng ủng hộ ông Bashagha đã bị các lực lượng trung thành với Chính phủ Thống nhất Quốc gia Libya (GNU) do Thủ tướng Abdul Hamid Dbeibah đứng đầu chặn lại.
Không có báo cáo nào về đụng độ, song những diễn biến mới nhất làm dấy lên lo ngại về nguy cơ xảy ra các cuộc xung đột vũ trang giữa các lực lượng ủng hộ hai chính phủ song song tại Libya.
[Tổng Thư ký AL: Thỏa thuận ngừng bắn tại Libya đang bị đe dọa]
Ông Dbeibah được chỉ định làm Thủ tướng lâm thời của Libya một năm trước đây, trong khuôn khổ lộ trình chính trị tại Libya được Liên hợp quốc bảo trợ.
Ông Dbeibah có nhiệm vụ dẫn dắt Libya đến các cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống vào tháng 12/2021, song các cuộc bầu cử đã bị hoãn vô thời hạn và Chủ tịch Quốc hội Aguila Saleh - một ứng cử viên tổng thống - tuyên bố nhiệm vụ của người đứng đầu GNU có trụ sở tại miền Tây Libya đã kết thúc.
Tuy nhiên, ông Dbeibah nhiều lần tuyên bố ông sẽ chỉ chuyển giao quyền lực cho một chính phủ dân cử.
Trong khi đó, ông Bashagha được Quốc hội ở miền Đông Libya bầu chọn làm thủ tướng mới vào ngày 10/2 vừa qua và được giao nhiệm vụ thành lập một chính phủ mới, thay thế GNU.
Động thái trên một lần nữa đẩy Libya vào tình trạng tồn tại hai chính quyền song song.
Giới chuyên gia cảnh báo rằng diễn biến mới tại Libya có thể châm ngòi cho một làn sóng bạo lực mới và có thể dẫn đến tình trạng đất nước bị chia cắt./.
Nguyễn Trường (TTXVN/Vietnam+)