Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, với số người phải di dời ở mức cao nhất mọi thời đại, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn ngày 13/12 cảnh báo rằng tình trạng thiếu ngân sách đang buộc cơ quan này phải cắt giảm việc làm và thu hẹp quy mô hoạt động.
Phát biểu tại Diễn đàn Người tị nạn toàn cầu lần thứ 2, người đứng đầu Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), ông Filippo Grandi kêu gọi các nhà tài trợ tăng cường hỗ trợ cho vấn đề người di cư vốn đang ngày càng nghiêm trọng vì các lý do như xung đột, khủng hoảng và biến đổi khí hậu.
Ông Grandi cho biết: “Nhiều tổ chức nhân đạo đang đối mặt với thách thức tài trợ nghiêm trọng. Riêng UNHCR đang thiếu 400 triệu USD để kết thúc năm với nguồn lực cần thiết tối thiểu. Tôi rất lo lắng. Chúng tôi đang đứng trước tình trạng thiếu hụt chưa từng có trong nhiều năm và tất cả chúng tôi đều lo lắng cho năm 2024.”
UNHCR cho biết họ đã buộc phải dừng hoặc giảm quy mô hoạt động, cũng như cắt giảm nhân sự.
Ông Filippo Grandi cho biết thêm: “Trên toàn cầu, chúng tôi phải cắt giảm 900 vị trí. Hãy nhớ rằng UNHCR có 20.000 nhân viên. Quyết định cắt giảm đó đồng nghĩa với gần 5% nhân sự.”
Quyết định cắt giảm nhân sự của UNHCR diễn ra trong thời điểm số người di cư trên thế giới đạt mức kỷ lục 114 triệu người hồi tháng Chín vừa qua. Con số này chắc chắn còn tăng cao hơn kể từ khi xung đột ở Dải Gaza xảy ra.
Ông Grandi cho rằng: “114 triệu giấc mơ tan vỡ, cuộc sống tan vỡ, hy vọng tan vỡ. Đó là con số phản ánh một cuộc khủng hoảng - rất nhiều khủng hoảng - của nhân loại. Trong số này, có gần 36,5 triệu người đã phải vượt qua biên giới và sống như người tị nạn. Chúng tôi ghi nhận con số này đã tăng gấp đôi trong 7 năm qua và có vẻ sẽ tăng lên.”
Cuối cùng, người đứng đầu UNHCR đề nghị cộng đồng quốc tế “không được bỏ qua các cuộc khủng hoảng nhân đạo và tị nạn cấp bách khác.”
Ông chỉ ra tình hình ở Sudan và Ukraine, cũng như việc hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa vì xung đột và bất ổn an ninh ở Syria, Afghanistan, Cộng hòa dân chủ Congo hay khu vực Sahel./.
Cao ủy Liên hợp quốc về Người tị nạn (UNHCR) phải đối mặt với thiếu hụt 650 triệu USD kinh phí trong năm nay khi trên toàn thế giới có khoảng 110 triệu người phải rời bỏ nhà cửa.