Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, ngày 15/7, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen, người nhận được sự đề cử gần như tuyệt đối cho vị trí Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), cho biết bà sẽ ủng hộ việc cho Anh thêm thời gian để London đàm phán về vấn đề rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit.
Trong bức thư gửi tới một số nghị sĩ thuộc nhóm các đảng Xã hội và Tự do trong Nghị viện châu Âu (EP), bà Leyen khẳng định nếu được bầu vào vị trí Chủ tịch EC, bà sẵn sàng mở đường cho một mối quan hệ đầy tham vọng và chiến lược mà EU muốn xây dựng với Anh. Bộ trưởng Leyen nhấn mạnh, trong trường hợp cần thiết, bà sẽ hỗ trợ việc gia hạn thời gian cho các cuộc thảo luận về vấn đề Brexit nếu có lý do chính đáng.
[Ứng cử viên Chủ tịch EC trình bày kế hoạch cho châu Âu]
Tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Đức nằm trong một loạt cam kết nhằm thuyết phục các nghị sĩ thuộc nhóm đảng Xã hội và Tự do trong EP ủng hộ bà trở thành Chủ tịch EC trước cuộc bỏ phiếu quan trọng sẽ diễn ra vào ngày 16/7.
Trước đó ít ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Đức cũng bày tỏ hy vọng Anh sẽ từ bỏ Brexit, đồng thời cảnh báo London sẽ phải chịu trách nhiệm về sự lựa chọn rời khỏi EU "đầy đau đớn" này. Theo bà, thỏa thuận "ly hôn" đạt được hồi cuối năm ngoái giữa EU với Thủ tướng Anh Theresa May vốn bị nhiều nghị sỹ Anh phản đối, là một thỏa thuận tốt.
Dự kiến trong ngày 16/7, EP sẽ tiến hành bỏ phiếu về việc bổ nhiệm bà Leyen vào chức vụ Chủ tịch EC theo đúng kế hoạch đưa ra. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Đức cần phải đạt được đa số tuyệt đối tại EP với ít nhất 374 số phiếu bầu để có thể thay thế ông Jean-Claude Juncker đảm đương chức vụ này.
Theo giới truyền thông Đức, bà Leyen từng được coi là người kế nhiệm Thủ tướng Đức Angela Merkel và được đánh giá là sự lựa chọn phù hợp để lãnh đạo cơ quan điều hành của EU. Nếu được bổ nhiệm, bà sẽ là nữ Chủ tịch đầu tiên của EC. Bà Ursula von der Leyen được đánh giá là nữ chính khách dày dạn kinh nghiệm, ủng hộ việc tái thiết vũ trang của Đức và có mối liên hệ tốt với các nước Đông Âu./.
Anh Đức (TTXVN/Vietnam+)