Liên hợp quốc kêu gọi các quốc gia tăng cường đầu tư cho giáo dục (Ảnh minh họa: Khánh Linh)
Với nhan đề “Viện trợ cho giáo dục trì trệ và không tới các quốc gia cần nhất”, báo cáo cho biết tổng số tiền viện trợ cho giáo dục ở mức 12 tỷ USD, giảm 4% so với năm 2010, trong khi so với cùng kỳ, tổng số tiền viện trợ phát triển đã tăng 24%.
Viện trợ cho giáo dục cơ bản, trong đó bao gồm hỗ trợ cho giáo dục mầm non và tiểu học cũng như giáo dục cho người trưởng thành và các chương trình phổ cập giáo dục, đạt 5,2 tỷ USD, tăng so với 4,8 tỷ vào năm 2014, song vẫn thấp hơn 6% so với năm 2010. Trong khi đó, viện trợ cho giáo dục trung học tăng lên 2,2 tỷ USD, tương đương 19% tổng số tiền viện trợ được phân bổ cho giáo dục.
"Khoản tiền viện trợ vẫn còn thấp hơn nhiều so với những gì cần thiết để đạt được Mục tiêu Phát triển Bền vững 4, cũng như các cam kết của chúng ta" – Tổng giám đốc UNESCO Irina Bokova cho biết. "Cần tăng cường viện trợ ít nhất gấp 6 lần để đạt được các mục tiêu chung của chúng ta về giáo dục và bảo đảm rằng nó tới được các quốc gia cần nhất. Bây giờ, chúng tôi thấy rằng về giáo dục, các nhà tài trợ đang chuyển sự chú ý của họ tới các nước nghèo nhất".
Theo UNESCO, Mỹ và Anh là hai nhà tài trợ lớn nhất cho giáo dục cơ bản nhưng đã giảm phân bổ xuống lần lượt là 11% và 9% trong giai đoạn 2014 – 2015. trong khi đó Na Uy và Đức đã tăng phân bổ của họ cho giáo dục cơ bản lên 50% và 34% tương ứng.
Bên cạnh đó, khoản viện trợ được phân bổ lại chưa phù hợp với nhu cầu. Châu Phi cận Sahara có hơn một nửa số học sinh trên thế giới song chỉ nhận được chưa đầy một nửa khoản viện trợ cho giáo dục cơ bản vào năm 2002. Khoản viện trợ này chỉ chiếm 26% tổng viện trợ cho giáo dục cơ bản, khoảng hơn 22% được phân bổ cho Bắc Phi và Tây Á, nơi 9% trẻ em không được đến trường.
Ngược lại với xu hướng viện trợ song phương cho giáo dục, Quan hệ đối tác toàn cầu về Giáo dục đã dành 77% các nguồn lực của mình cho khu vực châu Phi cận Sahara, trong đó 60% ủng hộ các nước bị ảnh hưởng bởi bất ổn và xung đột.
Ngoài ra, báo cáo của UNICEF cũng nêu rõ mặc dù viện trợ nhân đạo cho giáo dục đã tăng lên mức lịch sử với tốc độ tăng 55% trong giai đoạn 2015 – 2016 song nó vẫn chỉ chiếm 2,7% tổng lượng viện trợ hiện có, tương ứng với 48% số tiền cần thiết.
Trước thực trạng đó, UNESCO đưa ra 3 khuyến nghị lớn nhằm kêu gọi các nhà tài trợ tiếp tục đầu tư cho giáo dục. Thứ nhất, Chiến dịch bổ sung các nguồn lực của Quan hệ đối tác toàn cầu về Giáo dục năm nay nhằm huy động 3,1 tỷ USD cho giai đoạn 2018 – 2020, với mục đích thu thập 2 tỷ USD mỗi năm vào năm 2020, cao gấp 4 lần so với mức kinh phí hiện tại. Thứ hai, một cơ chế tài trợ quốc tế cho giáo dục sẽ cho phép tăng quỹ thêm khoảng 10 tỷ USD mỗi năm vào năm 2020 để các ngân hàng phát triển mở rộng danh mục đầu tư của họ trong lĩnh vực giáo dục và nhằm mục tiêu vào các nước thu nhập trung bình của khung thấp hơn. Thứ ba, Quỹ "Giáo dục không thể chờ đợi" (Education Cannot Wait), được thành lập vào năm 2016, nhằm huy động 3,85 tỷ USD vào năm 2020, trong đó sẽ thay đổi cách thức phân bổ viện trợ cho giáo dục trong trường hợp khẩn cấp./.
Khánh Linh (Theo UN, UNESCO)