Những dữ liệu mới này được công bố trong bối cảnh các đại diện cấp cao từ hơn 90 quốc gia đã tham dự một hội nghị quốc tế tại Palma de Mallorca (Tây Ban Nha) vào ngày 28 – 29/5, nhằm khuyến khích các quốc gia đăng ký Tuyên bố về an toàn trong trường học.
Hội nghị cung cấp một diễn đàn để chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao nhận thức và tăng cường mức độ phổ biến của Tuyên bố về an toàn trong trường học. Đây cũng là cơ hội để khuyến khích hợp tác trong tương lai và lồng ghép các vấn đề về giới trong việc thực hiện Tuyên bố và các Nguyên tắc.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Giáo dục của UNESCO, ông Stefania Giannini tuyên bố nêu rõ: “Việc hơn 14.000 vụ tấn công đã xảy ra trong vòng 5 năm qua tại 34 quốc gia rất gây sốc".
Những dữ liệu mới công bố của GCPEA cũng chỉ ra rằng gần 10.000 vụ tấn công đã xảy ra nhằm vào các trường học, đặc biệt là các cơ sở bị đánh bom, lục soát hoặc chiếm đóng bởi các lực lượng hoặc nhóm vũ trang. 9 quốc gia từng chịu hơn 500 cuộc tấn công chống lại các trường học. Các tổ chức giáo dục đại học đã bị bao vây tại ít nhất 20 quốc gia trên thế giới.
Nghiên cứu cũng cho hay các trường học tại ít nhất 30 quốc gia đã bị sử dụng cho mục đích quân sự. Ngoài ra, các học sinh, sinh viên và giáo viên nữ đã thành mục tiêu bị nhắm trực tiếp tại ít nhất 18 quốc gia, nạn nhân của các vụ đánh bom trường học, bắt cóc, hãm hiếp và quấy rối.
Đến nay, 89 quốc gia – gần một nửa trong số tất cả các quốc gia thành viên Liên hợp quốc – đã tán thành Tuyên bố về trường học an toàn và đã cam kết thực hiện các bước cụ thể để chấm dứt việc nhắm mục tiêu vào các trường học phổ thông, trường đại học, sinh viên và nhân viên.
Là tổ chức duy nhất trong hệ thống Liên hợp quốc có nhiệm vụ giáo dục đại học, UNESCO kêu gọi tất cả các quốc gia bảo vệ giáo dục ở tất cả các cấp, trong đó có giáo dục đại học, khỏi các vụ tấn công trong các cuộc xung đột vũ trang.
"Tấn công vào giáo dục là các cuộc tấn công vào kiến thức và sức mạnh mà nó mang lại để biến đổi cuộc sống, để xây dựng tương lai" – Phó Tổng Giám đốc phụ trách Giáo dục của UNESCO Giannini nói. "Sự cần thiết phải bảo vệ giáo dục trong thời kỳ khủng hoảng và xung đột – và biến nó thành một sức mạnh để hòa giải – chưa bao giờ cấp bách như vậy”./.
Khánh Linh (Theo UNESCO, UN)