Phát biểu với báo giới, ông Achim Steiner, Tổng giám đốc UNDP cho biết: "Nhiều ngòi nổ khác nhau đẩy mọi người xuống đường: chi phí vé tàu, giá xăng, yêu cầu chính trị để độc lập. Những sự kiện này là một biểu hiện mới của bất bình đẳng và như Báo cáo về phát triển con người chỉ ra, bất bình đẳng không phải là không có giải pháp".
Báo cáo phát triển con người năm 2019 (HDR) giải thích rằng cùng một thời điểm khi chênh lệch về mức sống cơ bản đang siết chặt hàng triệu người thì các nhu cầu để nhận ra tiềm năng của họ cũng đang phát triển.
Một sự khác biệt mới
Theo báo cáo, một thế hệ bất bình đẳng mới đang xuất hiện, xung quanh giáo dục, cũng như xoay quanh sự biến đổi công nghệ và biến đổi khí hậu - hai biến động lớn mà nếu không được kiểm soát thì sẽ có thể gây ra một "sự khác biệt lớn" trong xã hội, có một không hai kể từ cuộc cách mạng công nghiệp.
"Trong thế kỷ XX, bất bình đẳng chủ yếu là về nhu cầu cơ bản, thu nhập, tiếp cận với giáo dục và y tế. Ngày nay, chúng ta đang chứng kiến một thế hệ bất bình đẳng mới trong thế kỷ XXI, liên quan đến hai biến động địa chấn: sự ra đời của các công nghệ mới, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nền kinh tế kỹ thuật số... và biến đổi khí hậu" – ông Achim Steiner chỉ rõ.
Ví dụ, ở các quốc gia có sự phát triển con người rất cao, các thuê bao Internet băng thông rộng cố định đang tăng nhanh hơn 15 lần so với các quốc gia có mức phát triển con người thấp. Tỷ lệ người trưởng thành có trình độ học vấn cao đang tăng nhanh hơn 6 lần.
Theo UNDP, Báo cáo về phát triển con người năm 2019 đã trình bày một phương pháp toàn diện hơn để đo lường sự tiến bộ của các quốc gia ngoài sự tăng trưởng. "Các nghiên cứu đại học hoặc băng thông rộng, từng được coi là xa xỉ, ngày càng quan trọng để thành công. Những người chỉ có một mức sống cơ bản đang mất dần những nấc thang cho tương lai của họ" – ông Pedro Conceição, Giám đốc nhóm HDR, cho biết.
Nghiên cứu của cơ quan Liên hợp quốc cũng phân tích sự bất bình đẳng theo 3 giai đoạn: vượt thu nhập, vượt mức trung bình và vượt thời điểm hiện tại. Báo cáo lập luận rằng vấn đề bất bình đẳng không phải là không có giải pháp và đề xuất các biện pháp để giải quyết nó.
Xem xét nguồn thu nhập
Chỉ số phát triển con người năm 2019 (HDI) và chỉ số phát triển con người được điều chỉnh bất bình đẳng năm 2019 cho thấy sự bất bình đẳng trong phân phối giáo dục, y tế và mức sống ngăn cản các quốc gia đạt được tiến bộ.
Ngoài ra, theo các chỉ số này, tình trạng bất bình đẳng là nguyên nhân dẫn tới việc mất 20% tiến độ phát triển của con người trong năm 2018.
Trong bối cảnh đó, báo cáo của UNDP khuyến nghị các chính sách tập trung vào thu nhập, nhưng cũng vượt xa thu nhập. Báo cáo đề nghị đầu tư vào thời thơ ấu của con người và trong suốt cuộc đời; cải thiện năng suất bằng cách cân bằng lại quyền lực giữa người sử dụng lao động và người lao động; và tích hợp chi tiêu công cho y tế, giáo dục và các lựa chọn thay thế việc đánh thuế carbon.
Nhìn xa hơn mức trung bình
Theo HDR, các mức trung bình thường che giấu thực tế của các xã hội. Mặc dù việc xem xét mức trung bình là hữu ích cho một bức tranh chung song cần có thông tin chi tiết hơn nhằm xây dựng các chính sách giải quyết bất bình đẳng một cách hiệu quả. Đó là trường hợp chống lại nghèo đói đa chiều, đáp ứng nhu cầu của những người thiệt thòi nhất như người khuyết tật, và thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền.
Về bình đẳng giới, UNDP chỉ ra rằng các xu hướng hiện tại cho thấy sẽ mất 202 năm để lấp đầy khoảng cách về kinh tế giữa nam và nữ.
Một "chỉ số tiêu chuẩn xã hội" mới được đưa vào trong báo cáo chỉ ra rằng xu hướng giới tính đã tăng lên trong vài năm qua ở một nửa số quốc gia được khảo sát. Khoảng 50% người dân ở 77 quốc gia nghĩ rằng nam giới làm lãnh đạo chính trị tốt hơn phụ nữ và hơn 40% tin rằng nam giới làm giám đốc điều hành tốt hơn phụ nữ.
Vì lý do này, UNDP nêu rõ cần đưa ra những chính sách giải quyết các thành kiến cơ bản, các chuẩn mực xã hội và cấu trúc quyền lực.
Lập kế hoạch cho hiện tại
Báo cáo về phát triển con người năm 2019 của UNDP xem xét những biến động có thể xảy ra của tình trạng bất bình đẳng bằng cách tập trung vào hai biến động lớn sẽ định hình cuộc sống trong thế kỷ XXI: khủng hoảng khí hậu và chuyển đổi công nghệ.
Báo cáo đề xuất rằng doanh thu từ việc định giá carbon được "tái chế" cho người nộp thuế như là một phần của gói các biện pháp xã hội lớn hơn nhằm giảm thiểu bất bình đẳng.
Bên cạnh đó, UNDP cũng kêu gọi làm cho nền kinh tế kỹ thuật số "trở thành một sức mạnh hội tụ, chứ không phải tạo ra khác biệt" cho sự phát triển con người và đưa ra một loạt các khuyến nghị từ các chính sách bảo trợ xã hội, đầu tư vào học tập suốt đời để giúp người lao động thích nghi hoặc đào tạo lại các ngành nghề mới.../.