Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, trong một cuộc trả lời phỏng vấn mới đây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố một kế hoạch hành động để đạt được hòa bình tại Ukraine sẽ sẵn sàng vào cuối tháng 11.
Trả lời phỏng vấn NHK, Tổng thống Ukraine nêu rõ kiên nhẫn, ủng hộ và gây sức ép ngoại giao là 3 yếu tố để chấm dứt xung đột, đồng thời kêu gọi Mỹ và các quốc gia châu Âu duy trì sự thống nhất để gây thêm sức ép đối với Moskva.
Theo Tổng thống Zelensky, Kiev sẽ bắt đầu các cuộc thảo luận chi tiết với các quốc gia có liên quan về toàn vẹn lãnh thổ và các vấn đề khác. Theo đó, kế hoạch hành động vì hoà bình sẽ sẵn sàng vào tháng 11 tới.
Ông Zelensky cho biết thêm các quan chức Ukraine đã liên lạc với nhóm vận động tranh cử tổng thống của ứng cử viên Donald Trump và Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris. Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine nhấn mạnh sẽ không đáp lại các lời kêu gọi ngừng bắn chừng nào yêu cầu của Kiev về lãnh thổ chưa được đáp ứng.
Ngày 15/6, ông Zelensky tuyên bố kế hoạch hành động đã được nhất trí tại hội nghị hòa bình về Ukraine ở Thụy Sĩ sẽ được truyền đạt cho các đại diện của Nga để hội nghị lần thứ hai có thể đảm bảo chấm dứt xung đột.
Ngày 14/7, Phó Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine Ihor Zhovkva tuyên bố Ukraine mong muốn thúc đẩy thực hiện từng điểm trong số 10 điểm của Công thức hòa bình Ukraine thông qua áp lực tập thể lên Nga của nhiều quốc gia trên thế giới bất kể Moskva có kế hoạch làm gì.
Ông Zhovkva cũng tuyên bố Ukraine quyết tâm tổ chức hội nghị hòa bình lần thứ hai vào cuối năm 2024.
Về phía Nga, hôm 25/7, Điện Kremlin cho biết nước này sẵn sàng đàm phán với Ukraine về việc chấm dứt xung đột.
Theo người phát ngôn Dmitry Peskov, Nga nhìn chung cởi mở với quá trình đàm phán, tuy nhiên trước tiên muốn biết phía Ukraine sẵn sàng cho việc này đến mức nào và có được phép hay không. Ông Peskov nhấn mạnh Moskva sẵn sàng đạt được mục tiêu của mình thông qua đàm phán.
Nga nhiều lần khẳng định luôn để ngỏ đàm phán với Kiev nhưng với điều kiện Ukraine phải "chấp nhận tình hình thực tế," bao gồm việc công nhận các vùng lãnh thổ ở miền Đông mà Nga đã sáp nhập./.
Từ đầu cuộc chiến đến cuối năm 2023, “thiệt hại trực tiếp ở Ukraine hiện đã lên tới gần 152 tỷ USD, trong đó nhà ở, giao thông, thương mại và công nghiệp bị ảnh hưởng nặng nhất.