Trước tình hình đó, UBND tỉnh đã có Công văn số 1104/UBND-NN ngày 24/3/2017 yêu cầu các cơ quan, địa phương triển khai thực hiện tốt các nội dung sau:
- Đối với UBND các huyện, thành phố, thị xã: Kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật các cấp, phân công các thành viên Ban chỉ đạo theo dõi tình hình, diễn biến của bệnh cúm gia cầm. Vận động mọi người dân tự giác không dấu dịch, không tự vận chuyển gia cầm bị mắc bệnh ra khỏi vùng dịch bệnh, không vứt xác chết động vật bừa bãi. Xây dựng kế hoạch và chuẩn bị sẵn nguồn nhân lực, vật lực, kinh phí của địa phương để chủ động ứng phó kịp thời, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng. Đồng thời thành lập tổ công tác liên ngành bao gồm các cơ quan: Thú y, Y tế, Quản lý thị trường và Công an thường xuyên kiểm tra, xử lý những trường hợp vi phạm pháp luật về thú y. Triển khai công tác tiêm phòng khẩn cấp vắc xin cúm gia cầm cho đàn gia cầm theo hướng dẫn của cơ quan thú y. Quản lý các hộ kinh doanh gia cầm trên địa bàn, cam kết không mua bán vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa qua kiểm dịch. Các địa phương có dịch bệnh chỉ đạo quyết liệt và thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch bệnh, tuân thủ hướng dẫn của cơ quan chuyên môn về thú y về ngăn chặn, khống chế, dập tắt không để dịch bệnh lây lan. Tổ chức, thực hiện tốt tháng vệ sinh tiêu độc, khử trùng đợt I năm 2017, trong đó chú trọng công tác tiêu độc môi trường, các điểm bán gia cầm, lò giết mổ gia cầm, các ổ dịch cũ; phát động nhân dân tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường trong gia đình, thôn, xóm.
- Đối với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn: Phối hợp, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm có hiệu quả. Tăng cường giám sát dịch bệnh, huy động tối đa nguồn lực của địa phương để nhanh chóng xử lý các ổ dịch, triển khai các biện pháp phòng chống dịch theo quy định, không để dịch lây lan diện rộng. Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y thực hiện quyết liệt, triệt để công tác tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh; chuẩn bị đủ vắc xin, hoá chất, vật tư để phục vụ cho công tác phòng chống dịch và ứng phó kịp thời khi có dịch xảy ra; kiểm tra, giám sát chặt chẽ công tác kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ tại các chợ.
- Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tham mưu đề xuất UBND tỉnh bố trí kinh phí kịp thời đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh.
- Sở Y tế tăng cường chỉ đạo giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm cúm gia cầm để kịp thời cứu chữa; chủ động phương án cách ly, khoanh vùng, xử lý triệt để, tránh để dịch bệnh lây lan khi phát hiện có người nghi mắc bệnh; chủ động dự phòng đủ cơ số trang thiết bị y tế, thuốc và hoá chất cần thiết phục vụ công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Tổ chức trực phòng chống dịch 24/24 giờ để kịp thời tiếp nhận thông tin chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ. Phối hợp cơ quan thú y tổ chức tiêu độc khử trùng ổ dịch cũ và khu dân cư nội thị.
- Công an tỉnh, BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Công Thương phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát nghiêm ngặt cửa khẩu, dọc biên giới, các tuyến quốc lộ, ga tàu, bến xe, các chợ; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về kiểm dịch thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm trong lưu thông vận chuyển, buôn bán giết mổ gia cầm và tiêu thụ sản phẩm gia cầm.
- Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, các cơ quan Báo, Đài PTTH và UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến về mức độ nguy hiểm của bệnh cúm gia cầm để mọi người dân tham gia, nâng cao ý thức và chủ động đấu tranh, phát hiện và báo cáo cơ quan chức năng ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Hải Yến