I. Giới thiệu
1. Chúng tôi, các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương các nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc (ASEAN+3), đã triệu tập cuộc họp lần thứ 23 dưới sự đồng chủ trì của Ngài Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính nước CHXHCN Việt Nam, Ngài Lê Minh Hưng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngài Aso Taro, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản và Ngài Kuroda Haruhiko, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản. Cuộc họp được tổ chức dưới hình thức trực tuyến trong bối cảnh đặc biệt vì đại dịch COVID-19. Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Giám đốc Cơ phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 (AMRO), Tổng Thư ký ASEAN, Giám đốc phụ trách khu vực châu Á, Thái Bình Dương (IMF) cũng có mặt tại cuộc họp của chúng tôi.
2. Chúng tôi đã trao đổi quan điểm về sự phát triển hiện nay và triển vọng của nền kinh tế toàn cầu và khu vực, cũng như trao đổi các chính sách nhằm đối phó với những rủi ro và thách thức đến từ đại dịch COVID-19. Chúng tôi cũng đã xem xét tiến độ hợp tác tài chính khu vực đã đạt được kể từ cuộc họp cuối cùng của chúng tôi tại Nadi, Fiji vào tháng 05/2019. Chúng tôi thừa nhận rằng những tiến bộ đạt được trong Tiến trình Tài chính ASEAN+3 trong những năm qua đã góp phần đáng kể trong việc xây dựng khả năng phục hồi kinh tế và tài chính của khu vực chống lại các cú sốc tiêu cực. Tầm quan trọng của hợp tác tài chính khu vực càng ngày càng quan trọng hơn khi khu vực của chúng ta đang đối mặt với những thách thức mới do tác động của đại dịch COVID-19. Trong bối cảnh đó, chúng tôi nhất trí tiếp tục làm việc cùng nhau để tăng cường hơn nữa sự ổn định kinh tế và tài chính trong khu vực, bao gồm Thỏa thuận Đa phương hóa Sáng kiến Chiang Mai (CMIM), AMRO và Sáng kiến Thị trường Trái phiếu Châu Á (ABMI), cũng như thảo luận về các định hướng chiến lược trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực và tăng cường hội nhập, như đã được nêu trong “Định hướng chiến lược của Tiến trình Tài chính ASEAN + 3”.
II. Sự phát triển kinh tế và tài chính thời gian gần đây trong khu vực
3. Đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống của người dân toàn cầu và ảnh hưởng đến nền kinh tế của chúng ta. Chúng tôi đã thực hiện các biện pháp ngăn cần thiết nhằm kiểm soát sự lây nhiễm của vi-rút trong khi những biện pháp này đã ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế là không thể tránh khỏi. Với việc nền kinh tế toàn cầu ngày càng kết nối với nhau, sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và những thách thức mà nhiều ngành công nghiệp phải đối mặt do hậu quả của đại dịch đã chứng minh tầm quan trọng của việc đảm bảo khả năng phục hồi của nền kinh tế của chúng ta trước các cú sốc. Chúng tôi đã nhanh chóng phản ứng để giảm thiểu tác động của dịch bệnh bằng cách cung cấp các gói hỗ trợ tài chính, tiền tệ và tín dụng có mục tiêu dành cho các hộ gia đình và doanh nghiệp, đồng thời áp dụng các biện pháp ngăn chặn căn cứ trên luật pháp, cũng như hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống tài chính.
4. Những nỗ lực của chúng ta nhằm ngăn chặn đại dịch đã cho phép các nước thành viên dần dỡ bỏ các hạn chế đối với các hoạt động kinh tế phụ tùy thuộc vào tình hình đại dịch của từng nền kinh tế. Tăng trưởng kinh tế được dự báo sẽ giảm mạnh đối với nhiều nền kinh tế trong năm nay, nhưng chúng tôi kỳ vọng các nền kinh tế của chúng ta sẽ phục hồi trong tương lai. Trong khi triển vọng kinh tế vẫn chưa chắc chắn trong năm nay, chúng tôi hoan nghênh những phục hồi trong nền kinh tế của chúng ta.
Trong khi đó, chúng tôi sẽ tiếp tục cảnh giác trước các rủi ro về sụt giảm kinh tế sẽ tiếp diễn trong bối cảnh dịch bệnh có những diễn biến phức tạp.
5. Chúng tôi đang thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu các lỗ hổng đối với những rủi ro này và quyết tâm tiếp tục sử dụng tất cả các công cụ chính sách sẵn có để hỗ trợ sự phục hồi bền vững của nền kinh tế chúng ta. Chúng tôi sẽ cẩn thận tính toán vào một thời điểm thích để tìm lối ra cho các biện pháp nhằm đối phó với đại dịch này một cách phù hợp với tình hình kinh tế và diễn biến đại dịch của từng thành viên, nhằm tránh hiệu ứng “vách đá” đồng thời bảo vệ sự tăng trưởng và sự ổn định tài chính trong khu vực ASEAN+3. Chúng tôi cam kết duy trì hệ thống thương mại và đầu tư đa phương cởi mở và dựa trên các quy tắc, và tăng cường hội nhập và hợp tác khu vực.
III. Tăng cường hợp tác tài chính khu vực
Đa phương hóa Sáng kiến Chiang Mai (CMIM)
6. Năm nay đánh dấu kỷ niệm 10 năm hiệp định CMIM có hiệu lực kể từ năm 2010, chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực không mệt mỏi của các thành viên trong việc nâng cấp CMIM như một cơ chế tự chủ đáng tin cậy trong khu vực ASEAN+3 và thiết lập nó thành một phần quan trọng trong mạng lưới an toàn tài chính toàn cầu. Về vấn đề này, chúng tôi hoan nghênh các thành tựu đã đạt được cho đến nay trong việc nâng cao tính phù hợp và sự sẵn sàng hoạt động của CMIM.
7. Chúng tôi khen ngợi những nỗ lực của các Thứ trưởng và Phó Thống đốc trong việc kết thúc thảo luận Gói Thỏa thuận tại Hạ Môn, Trung Quốc vào tháng 12 năm 2019. Đây là một thành tựu quan trọng đã nâng cao giá trị của CMIM đối với các thành viên và cải thiện khả năng sẵn sàng hoạt động của CMIM. Theo Gói Thỏa thuận, các thành viên đã đồng ý (i) tăng tỷ lệ nhận hỗ trợ của khoản vay không gắn với IMF từ 30% lên 40%, (ii) thể chế hóa các khoản đóng góp bằng nội tệ theo cơ chế tự nguyện và theo nhu cầu trong CMIM dành cho cả bên cung cấp hoán đổi và bên yêu cầu hoán đổi, cả hai yếu tố trên đều được đưa vào Tài liệu sửa đổi bổ sung của Thỏa thuận CMIM trong năm nay, và (iii) làm rõ Khung điều kiện CMIM cho Khoản vay không gắn với IMF để cho phép thực hiện Thỏa thuận CMIM thuận lợi.
8. Chúng tôi hoan nghênh Thỏa thuận CMIM sửa đổi và Hướng dẫn hoạt động CMIM (OGs), có hiệu lực vào ngày 23 tháng 6 năm 2020 dựa trên quy trình Đánh giá định kỳ đầu tiên. Chúng tôi cũng hoan nghênh việc kết luận kịp thời của Tài liệu sửa đổi bổ sung Thỏa thuận CMIM và phê duyệt Thỏa thuận sửa đổi Thỏa thuận CMIM (“Thỏa thuận”). Chúng tôi đặt mục tiêu hoàn thành việc ký kết và thúc đẩy Thỏa thuận sớm có hiệu lực, chậm nhất vào cuối năm 2021, khi cải cách LIBOR dự kiến sẽ hoàn thành và đề nghị các Thứ trưởng và Phó Thống đốc cập nhật tại Hướng dẫn hoạt động CMIM để phản ánh sửa đổi tại Thỏa thuận.
9. Chúng tôi hoan nghênh việc hoàn thành Khung điều kiện CMIM, sau khi các Thứ trưởng và Phó Thống đốc phê duyệt Hướng dẫn kỹ thuật (TG). Hướng dẫn kỹ thuật này với sự hỗ trợ của AMRO sẽ giúp các thành viên CMIM trong việc thiết lập các điều kiện cho Khoản vay không gắn với IMF. Hướng dẫn kỹ thuật đối với Khoản vay gắn với IMF đảm bảo tính độc lập trong quá trình đưa ra quyết định của CMIM với sự hỗ trợ của AMRO trong việc làm rõ cơ chế hoạt động sự phối hợp và hợp tác giữa AMRO và IMF thuận lợi và nhanh chóng trong thời gian khủng hoảng, giảm thiểu gánh nặng đối với quốc gia yêu cầu rút vốn.
10. Chúng tôi hoan nghênh việc thử nghiệm thành công Chương trình thử nghiệm lần thứ 10 rút vốn bằng tiền thật được thực hiện vào năm ngoái. Chúng tôi tin rằng Chương trình thử nghiệm lần thứ 11 được đề xuất trong năm nay sẽ tăng cường hiểu biết của chúng ta đối với các rủi ro vận hành và nâng cao hiểu biết chung giữa các thành viên. Chúng tôi ghi nhận và đánh giá cao sự hỗ trợ tích cực của AMRO để cải thiện hơn nữa CMIM như đã nêu ở trên. Trong thời gian tới, chúng tôi đề nghị các Thứ trưởng và Phó Thống đốc tiếp tục nâng cao khả năng sẵn sàng hoạt động của CMIM và yêu cầu AMRO cung cấp các thông tin chi tiết và đầu vào có giá trị cho trong các cuộc thảo luận của các nước thành viên.
Cơ quan Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN + 3 (AMRO)
11. Đối mặt với đại dịch COVID-19, chúng tôi nhận thấy nhu cầu cấp thiết về một AMRO lớn mạnh hơn và có năng lực hơn với tư cách là “bác sĩ gia đình đáng tin cậy” nhằm hỗ trợ các thành viên ASEAN+3. Chúng tôi khen ngợi những phân tích và cập nhật kịp thời của AMRO về tác động của đại dịch đối với khu vực của chúng ta, những phân tích này đóng vai trò là tài liệu tham khảo có giá trị cho việc hoạch định chính sách của chúng tôi. Chúng tối kỳ vọng sự hỗ trợ liên tục của AMRO dành cho các nước thành viên bảo đảm sự ổn định kinh tế vĩ mô và tài chính của khu vực.
12. Về vấn đề này, chúng tôi hoan nghênh Kế hoạch triển khai trung hạn trong giai đoạn mới (MTIP): 2020-2024 đã được các Thứ trưởng và Phó Thống đốc thông qua. Chúng tôi khuyến khích AMRO tận dụng yếu tố khu vực và lợi thế so sánh của mình, đồng thời cam kết hỗ trợ AMRO trong việc triển khai Kế hoạch MTIP mới. Chúng tôi mong muốn AMRO sẽ điều chỉnh lại kế hoạch làm việc, và tăng cường khả năng giám sát kinh tế vĩ mô của mình nhằm tăng cường hỗ trợ các nước thành viên trước tác động của COVID-19. Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của AMRO trong việc thiết lập một Chu trình Đánh giá Tích hợp nhằm nâng cao hơn nữa trách nhiệm giải trình và quản lý thể chế, mở đường hướng tới một tổ chức dựa trên kết quả và mong muốn chúng sớm được triển khai.
13. Chúng tôi hoan nghênh những tiến bộ đáng kể mà AMRO đã đạt được trong vài năm qua trong việc nâng cao năng lực giám sát kinh tế vĩ mô của mình. Cụ thể, chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực của AMRO trong việc lồng ghép khung Ma trận Đánh giá Kinh tế và Đối thoại Chính sách (ERPD) vào công việc giám sát thường xuyên của mình.Chúng tôi cũng hoan nghênh việc sử dụng Bảng chấm điểm Ma trận ERPD để đánh giá nền kinh tế thành viên có tiếp cận được Chương trình hỗ trợ phòng ngừa khủng hoảng CMIM hay không. Về vấn đề này, chúng tôi kỳ vọng vào việc giới thiệu thí điểm chức năng đánh giá chính sách nhằm tăng cường quản lý đối với quá trình giám sát kinh tế vĩ mô và hỗ trợ cho chương trình CMIM. Chúng tôi mong muốn AMRO sẽ tận dụng sự hiện diện và chuyên môn của mình trong khu vực để phát triển những quan điểm về các vấn đề chính sách quan trọng bao gồm các biện pháp quản lý dòng vốn (CFM) và các biện pháp chính sách vĩ mô (MPM), và đóng vai trò là “đại diện của khu vực” trong việc thể hiện các quan điểm trên tại các diễn đàn quốc tế.
14. Chúng tôi đánh giá cao những đóng góp của AMRO trong việc nâng cao khả năng sẵn sàng hoạt động của Thỏa thuận CMIM. Chúng tôi khen ngợi AMRO đã cung cấp hỗ trợ kỹ thuật nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực của các thành viên và hoan nghênh nỗ lực của AMRO trong việc mở rộng hơn nữa phạm vi hỗ trợ kỹ thuật của mình. Chúng tôi kêu gọi AMRO tăng cường quản trị thể chế và đảm bảo tính thận trọng và bền vững về tài khóa trong các hoạt động của mình. Chúng tôi ghi nhận sự tiến bộ của AMRO trong việc nâng cao vị thế của mình và khuyến khích AMRO tăng cường hơn nữa sự hiện diện của tổ chức và tiếp tục tích cực hợp tác với các tổ chức quốc tế khác.
15. Chúng tôi khen ngợi đội ngũ quản lý cấp cao của AMRO, đứng đầu là Giám đốc, ông Doi Toshinori, với sự lãnh đạo mạnh mẽ của mình trong việc thúc đẩy sự phát triển của AMRO. Đội ngũ quản lý cấp cao mới đã thích ứng nhanh chóng và hiệu quả nhằm điều chỉnh điều chỉnh các hoạt động của tổ chức nhằm hỗ trợ tốt hơn cho các thành viên ASEAN+3 trong thời gian này. Chúng tôi khuyến khích AMRO tiếp tục các công việc như hiện nay và bày tỏ sự tin tưởng của chúng tôi vào khả năng của AMRO để hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Sáng kiến Thị trường Trái phiếu châu Á (ABMI)
16. Chúng tôi ghi nhận những tiến bộ liên tục trong khuôn khổ ABMI và Lộ trình Trung hạn ABMI giai đoạn 2019-2022 trong việc thúc đẩy sự phát triển của thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ. ABMI tiếp tục hỗ trợ sự phát triển của các thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ nhằm giảm thiểu sự chênh lệch về tiền tệ và kỳ hạn cũng như huy động các khoản tiết kiệm trong khu vực để tài trợ cho đầu tư dài hạn trong khu vực.
17. Chúng tôi khen ngợi những nỗ lực của Quỹ Bảo lãnh Tín dụng đầu tư (CGIF) nhằm hỗ trợ tài chính cho cơ sở hạ tầng, bao gồm nghiên cứu Đối tác các nhà đầu tư về cơ sở hạ tầng (IIP). Chúng tôi khuyến khích CGIF sử dụng các kết quả từ nghiên cứu này để khám phá các biện pháp sáng tạo nhằm thúc đẩy hơn nữa tài chính cơ sở hạ tàng trong khu vực và sự phát triển của thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ. Chúng tôi hoan nghênh việc bắt đầu thực hiện dự án hỗ trợ kỹ thuật mới để thúc đẩy trái phiếu xanh bằng đồng nội tệ để đáp ứng nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng của khu vực cũng như triển khai dự án hỗ trợ kỹ thuật mới nhằm tăng cường AsianBondsOnline (ABO). Chúng tôi ghi nhận tiến độ ổn định trong việc hội nhập thị trường trong khuôn khổ Diễn đàn Thị trường Trái phiếu ASEAN+3 (ABMF). Chúng tôi ghi nhận việc xuất bản “Các bước tiếp theo cho việc liên kết Trung tâm lưu ký chứng khoán và Hệ thống thanh toán trên thời gian thực trong khu vực ASEAN+3” của Diễn đàn Cơ sở hạ tầng thanh toán qua biên giới (CSIF) và các nỗ lực hợp tác của CSIF và Diễn đàn Tài sản thế chấp Châu Á (APCF) nhằm thúc đẩy việc sử dụng tài sản thế chấp qua biên giới trong khu vực. Chúng tôi mong muốn Nhóm Điều phối Hỗ trợ Kỹ thuật (TACT) liên tục hỗ trợ nâng cao năng lực cho các nước tiếp nhận.). Chúng tôi mong đợi những chương trình hỗ trợ kỹ thuật tăng cường năng lực liên tục cho các nước thành viên do Nhóm Điều phối Hỗ trợ Kỹ thuật (TACT) thực hiện.
Hợp tác tài chính ASEAN+3 trong tài trợ và bảo hiểm rủi ro thiên tai
18. Chúng tôi tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực của Công cụ Tài trợ Rủi ro Thiên tai Đông Nam Á (SEADRIF) nhằm tăng cường khả năng phục hồi tài chính của các nước thành viên ASEAN chống lại các rủi ro thiên tai và khí hậu, với sự hỗ trợ của Ban Thư ký ASEAN và Ngân hàng Thế giới. Chúng tôi hoan nghênh quá trình nhằm tiến tới việc vận hành nhóm bảo hiểm rủi ro thiên tai dành cho CHDCND Lào và My-an-ma và việc thành lập nhóm công tác kỹ thuật về Chương trình Bảo vệ Tài sản Công nhằm mở rộng phạm vi bảo hiểm sang các nước thành viên ASEAN khác. Chúng tôi chào mừng tất cả các nước thành viên ASEAN+3 khác tham gia SEADRIF và khuyến khích các đối tác tài trợ ngoài khu vực ASEAN+3 ủng hộ sáng kiến này.
IV. Định hướng chiến lược của Tiến trình Tài chính ASEAN+3
19. Chúng tôi hoan nghênh những tiến triển không ngừng trong “Định hướng chiến lược của Tiến trình Tài chính ASEAN+3” và “Khuyến nghị về Nâng cao Hiệu lực và Hiệu quả của Tiến trình Tài chính ASEAN+3”, điều này sẽ đặt nền tảng để chúng ta tiếp tục làm sâu sắc và mở rộng hơn nữa hợp tác tài chính ASEAN+3 hướng tới một khu vực hội nhập, bao trùm và bền vững hơn.
20. Về vấn đề này, chúng tôi hoan nghênh việc thành lập năm nhóm nghiên cứu nhằm khám phá các lĩnh vực tiềm năng cho các sáng kiến mới và ghi nhận tiến độ được nêu tại các báo cáo đã trình lên hội nghị, bao gồm (i) Thúc đẩy sử dụng đồng nội tệ cho thanh toán thương mại và đầu tư, cũng như kết nối thanh toán; (ii) Tài chính cơ sở hạ tầng; (iii) Các công cụ hỗ trợ nhằm giúp các thành viên giải quyết tốt hơn các vấn đề về cấu trúc kinh tế vĩ mô; (iv) Tăng cường sự phục hồi tài chính trước biến đổi khí hậu và các thảm họa thiên tai; (v) Tăng cường phối hợp chính sách để khai thác lợi ích của tiến bộ công nghệ trong việc giảm thiểu các rủi ro tài chính. Chúng tôi mong đợi các cuộc thảo luận chi tiết dựa trên cơ sở các báo cáo này, nhằm tìm kiếm các sáng kiến mới để thúc đẩy hợp tác tài chính.
21. Chúng tôi hài lòng về việc giới thiệu phiên thảo luận chuyên đề tại phiên Rà soát Kinh tế và Đối thoại chính sách (ERPD) nhằm khuyến khích việc trao đổi ý kiến giữa các nước thành viên thực tiễn và kịp thời. Chúng tôi mong muốn nỗ lực hơn nữa để nâng cao hiệu quả của của Tiến trình Tài chính ASEAN+3. Vì vậy, chúng tôi khuyến khích AMRO tăng cường hơn nữa những hỗ trợ đối với Tiến trình Tài chính ASEAN+3, bao gồm hỗ trợ các thành viên phát triển và quản lý Kho lưu trữ Trực tuyến ASEAN+3.
V. Phần kết luận
22. Chúng tôi bày tỏ sự trân trọng đối với Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản vì sự tổ chức tuyệt vời với tư cách là Đồng chủ tịch của Tiến trình Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN +3 vào năm 2020, đặc biêt trong bối cảnh đầy thách thức như hiện nay. Chúng tôi mong đợi Hội nghị sắp tới tại Tbilisi, Georgia vào năm 2021. Bru-nây và Hàn Quốc sẽ là Đồng chủ tịch của Tiến trình các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN+3 vào năm 2021.
Anh Minh