Chạy trốn trong tuyệt vọng
Ngày 16/8, kênh truyền hình Al Arabiya đã chia sẻ một đoạn video gây sốc, cho thấy khoảnh khắc một người rơi từ máy bay xuống đất gần sân bay thủ đô Kabul, sau khi họ cố gắng đu bám vào một máy bay của không quân Mỹ để tìm cách rời khỏi Afghanistan. Đó thực sự là một khoảnh khắc đầy ám ảnh, cho thấy sự bế tắc đến tuyệt vọng khi họ không còn cách nào khác để thoát khỏi hiện thực mà họ đang phải trải qua.
|
Khoảng 640 người dân ngồi chen chúc trong khoang máy bay C-17 của của không quân Mỹ, để chạy trốn khỏi Afghanistan sau khi Taliban kiểm soát đất nước
(Ảnh: The Guardian/Defense One)
|
Một bức ảnh do trang tin tức quốc phòng Defense One của Mỹ đăng tải cho thấy, khoảng 640 người ngồi chật cứng trong khoang chở hàng của máy bay C-17. Đây là số lượng người đông nhất từng được chở trên một chiếc máy bay. Họ chen nhau để lên máy bay, nhiều người trong số họ là phụ nữ và trẻ em, ít người trong số họ mang theo đồ đạc.
Sự tuyệt vọng của người Afghanistan cũng thể hiện trong các đoạn video cho thấy hàng trăm người đã chạy theo, cố gắng bám vào càng chiếc máy bay C-17, khi nó chạy đà trên đường băng để cất cánh. Dường như sân bay Kabul – nơi quân đội Mỹ đang kiểm soát – là con đường khả thi duy nhất cho những người muốn chạy trốn khỏi Afghanistan sau khi Taliban kiểm soát thủ đô Kabul?
Hiện nay, lực lượng Taliban khẳng định đã kiểm soát hơn 90% các trụ sở của chính phủ và gần như tất cả các chốt kiểm soát trong thành phố Kabul. Các tay súng của lực lượng này tại Kabul cũng đang bắt đầu thu giữ vũ khí của dân thường khi cho rằng họ không cần vũ khí vì mục đích tự vệ nữa.
Những diễn biến dồn dập ở Afghanistan trong 48 giờ qua: lực lượng Taliban tiến vào thủ đô Kabul, Tổng thống Ashraf Ghani quyết định rời đất nước và chính quyền chuyển tiếp tạm thời nắm quyền…, vốn là “kịch bản” được dự đoán từ trước nhưng đã đến sớm hơn so với dự tính. Sự kháng cự yếu ớt của lực lượng an ninh Afghanistan đã không thể xoay chuyển được tiến trình mà Taliban ấp ủ suốt 20 năm qua.
Trong 5 năm qua, cán cân sức mạnh trên chính trường Afghanistan đã thay đổi chóng vánh sau khi các lực lượng quốc tế do Mỹ dẫn đầu rút quân. Điều này dẫn tới việc Taliban tăng cường tấn công và dần kiểm soát được nhiều khu vực. Bên cạnh đó, sự bất ổn và mâu thuẫn nội bộ của Afghanistan đã làm cho sự gắn kết trở nên lỏng lẻo trước sự táo tợn của các tay súng Taliban. Trước một kết cục không thể thay đổi, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã rời khỏi đất nước, để lại đằng sau những hỗn loạn, lo âu và người dân Afghanistan thì hoang mang về tương lai của chính họ.
Lịch sử lặp lại cho tương lai của phụ nữ và trẻ em gái?
Trong cuộc họp khẩn ngày 16/8 về tình hình Afghanistan, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã kêu gọi thành lập một chính phủ mới ở Afghanistan thông qua đối thoại, kêu gọi chấm dứt ngay lập tức các hành động thù địch và vi phạm nhân quyền, đồng thời kêu gọi tất cả các bên đảm bảo cho phép tiếp cận hỗ trợ nhân đạo khẩn trương, an toàn và không bị cản trở
Phát biểu tại cuộc họp, Tổng thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Antonio Guterres kêu gọi thế giới hợp tác “ngăn chặn mối đe dọa khủng bố toàn cầu tại Afghanistan” và đảm bảo rằng các quyền cơ bản của con người phải được tôn trọng. Theo ông, “cộng đồng quốc tế phải đoàn kết để đảm bảo rằng Afghanistan không bao giờ lại được sử dụng như một bàn đạp hoặc nơi trú ẩn an toàn cho các tổ chức khủng bố”.
|
Tương lai của phụ nữ và trẻ em gái ở Afghanistan sẽ như thế nào dưới sự kiểm soát của Taliban?
(Ảnh minh họa: Getty Images)
|
Góp mặt tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc bày tỏ lo ngại về diễn biến tình hình ở Afghanistan, không chỉ có tác động xấu đến an ninh, ổn định của nước này mà còn với khu vực, đặc biệt là các nước láng giềng.
Đại sứ khẳng định chỉ có giải pháp chính trị toàn diện mới đem lại hòa bình, ổn định lâu dài ở Afghanistan và kêu gọi tất cả các bên liên quan tại Afghanistan tuân thủ luật nhân đạo và nhân quyền quốc tế, tiến hành đối thoại nhằm ổn định tình hình và thúc đẩy hòa giải, hoà hợp dân tộc.
Đại diện Việt Nam cũng nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu hiện nay là chấm dứt bạo lực, bảo vệ thường dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, cũng như bảo đảm an ninh, an toàn cho nhân viên Liên hợp quốc, các cơ quan đại diện và nhân viên ngoại giao, tổ chức quốc tế và người nước ngoài.
Tương lai của phụ nữ và trẻ em gái ở Afghanistan là vấn đề được cộng đồng quốc tế quan tâm đặc biệt. Bởi đây là đối tượng dễ bị tổn thương nhất dưới sự nắm quyền của Taliban.
Dưới sự cai trị của Taliban từ năm 1996 đến 2001, phụ nữ Afghanistan không được đi làm, trẻ em gái không được đi học, phụ nữ phải che mặt và đi cùng đàn ông nếu muốn ra khỏi nhà. Việc Taliban bị lật đổ vào năm 2001 không đánh dấu sự kết thúc của sự bất công với phụ nữ ở Afghanistan. Tuy nhiên, trong hai thập kỷ qua, các thành phố đã đạt được nhiều tiến bộ khi phụ nữ được đi học đại học, tham gia làm việc ở các vị trí đầy quyền lực trong truyền thông, chính trị, tư pháp và thậm chí cả lực lượng an ninh.
Trước những diễn biến mới nhất về tình hình chính trị tại đất nước, nhiều phụ nữ Afghanistan đã bày tỏ nỗi sợ hãi khi Taliban kiểm soát đất nước. Họ lo sợ về một kịch bản hà khắc sẽ lặp lại đối với cuộc sống và quyền của họ dưới sự kiểm soát của Taliban.
Trong khi đó, có nhiều ý kiến nghi ngại về việc, liệu Afghanistan dưới thời Taliban có lại trở thành "thánh địa" cho các lực lượng khủng bố như Al Qaeda hay không? Bởi điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nền hòa hình của không chỉ riêng Afghanistan mà còn với cả khu vực và thế giới.
Hiện vẫn là quá sớm để nói về một Afghanistan dưới thời Taliban, nhưng dường như một tương lai bất ổn, với những gam màu xám là điều mà người ta đang mường tượng đến kể từ thời điểm lực lượng này giành quyền kiểm soát thành trì chủ chốt – thủ đô Kabul!./.