Đây là thông tin do Bộ Quốc phòng Tunisia đưa ra và được truyền thông nước ngoài dẫn lại vào ngày 18/4. Bộ trên cũng cho biết thêm, nhiều nước láng giềng đã đề nghị hỗ trợ Tunisia hạn chế hậu quả môi trường do vụ chìm tàu.
Con tàu Xelo, treo cờ Guinea Xích đạo, đã bị chìm hôm 16/4 tại Vịnh Gabes ở độ sâu gần 20 m khi đang thực hiện hành trình từ Ai Cập đến Malta. Trước đó, tối 15/4, thủy thủ đoàn của tàu này đã phát đi một cuộc gọi khẩn cấp yêu cầu cứu nạn do thời tiết xấu ở vùng biển Tunisia trước khi chìm dần. Hải quân Tunisia đã cứu được toàn bộ thủy thủ đoàn gồm 7 người. Sau khi kiểm tra sức khỏe tại bệnh viện, toàn bộ thủ thủy đoàn đã được đưa tới một khách sạn.
Vào thời điểm gặp sự cố, con tàu Xelo chở khoảng từ 750 đến 1.000 tấn dầu diessel. Theo trang web giám sát tàu thuyền Vesseltracker.com, tàu Xelo dài 58m, rộng 9m.
Trong tuyên bố gửi báo chí, Bộ Quốc phòng Tunisia khẳng định, để kiểm soát thiệt hại môi trường sau sự cố chìm tàu, hải quân Tunisia sẽ hợp tác với các nước có thiện chí giúp đỡ. Ngày 17/4, các thợ lặn đã kiểm tra và kết luận không phát hiện thấy rò rỉ trên thân của con tàu.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Tunisia- ông Rabie Majidi, cho biết các nhân viên cứu hộ đã kiểm tra và xác nhận rằng các van của con tàu đã được đóng lại. Trong khi đội thợ lặn đảm bảo rằng các thiết bị này được bịt kín và còn nguyên vẹn.
“Tình hình không nguy hiểm, triển vọng cứu hộ khả quan, con tàu ở trạng thái ổn định vì mắc cạn trên cát” – ông Majidi nói, đồng thời tiết lộ thêm rằng, ưu tiên hiện nay là bơm hút dầu diesel và ngăn chặn các sự cố tràn dầu hoặc ô nhiễm.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Tunisia đánh giá công đoạn tiếp theo cần rất thận trọng vì con tàu phải được đưa lên khỏi mặt nước mà không để dầu bị rò rỉ.
Ngày 16/4, các nhà chức trách Tunisia đã mở một cuộc điều tra về vụ chìm tàu, với nguyên nhân ban đầu do Bộ Môi trường nước này xác định là do thời tiết xấu.
Bộ trưởng Môi trường Tunisia Leila Chikhaoui cho biết Tunisia sẽ xác định thiệt hại sau đó và sẽ yêu cầu bồi thường sau sự cố chìm tàu.
Theo đánh giá của các tổ chức môi trường, trong nhiều năm qua, bờ biển Gabes của Tunisia đã bị ô nhiễm nghiêm trọng do nhiều nhà máy công nghiệp trong vùng xả trực tiếp nước thải chưa qua xử lý ra biển./.
T.Lan (Theo CNN, Guardian)