Ngày 17/12, cử tri Tunisia đã bắt đầu đi bỏ phiếu, tham gia cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên kể từ khi Hiến pháp mới được thông qua trong cuộc trưng cầu dân ý cuối tháng 7 vừa qua.
Trong cuộc bầu cử lần này, lần đầu tiên người dân Tunisia sẽ bỏ phiếu cho các ứng cử viên độc lập thay vì theo danh sách đảng phái. Trong khi đó, nguyên tắc bình đẳng giới, được áp dụng vào năm 2016, đã bị bãi bỏ, dẫn đến khả năng Quốc hội tiếp theo của Tunisia sẽ chỉ bao gồm các đại diện là nam giới.
Theo Cơ quan Bầu cử Tunisia, 5 đảng và khoảng 1.500 ứng cử viên độc lập đã được chấp nhận tham gia tranh cử. Tuy nhiên, 12 đảng phái, trong đó có đảng Ennahda Hồi giáo có nhiều ảnh hưởng, đã quyết định tẩy chay bầu cử.
Dư luận cho rằng cuộc bầu cử sẽ giúp Tổng thống Kais Saied củng cố quyền lực, điều mà phe đối lập chỉ trích là sẽ dẫn đến nền cai trị độc tôn đối với một quốc gia đã từ bỏ chế độ độc tài vào năm 2011.
[Tổng thống Tunisia công bố phiên bản sửa đổi của dự thảo hiến pháp]
Trước đó, ngày 15/9, Tổng thống Saied đã ban hành một sắc lệnh về sửa đổi luật bầu cử ở Tunisia được cho là làm giảm đáng kể vai trò của các đảng chính trị sẽ tham gia vào cuộc bầu cử lập pháp.
Sắc lệnh có nhiều thay đổi lớn so với Luật Bầu cử được áp dụng từ tháng 5/2014, trong đó có việc hủy bỏ hệ thống bầu cử dựa trên danh sách các chính đảng để thay thế bằng hệ thống bầu cử trực tiếp dựa trên cá nhân.
Ngoài ra, sắc lệnh mới cũng quy định giảm số ghế trong Quốc hội từ 217 ghế xuống còn 161 ghế, đồng thời nâng tổng số đơn vị bầu cử lên 161 (bao gồm 151 đơn vị ở trong nước và 10 đơn vị dành cho công dân sinh sống ở nước ngoài). Số ghế quốc hội dành cho mỗi tỉnh cũng khác nhau, tùy theo quy mô dân số.
Các sửa đổi còn bao gồm các điều kiện đối với ứng cử viên và cử tri, việc giới thiệu và tiến cử ứng cử viên, bãi nhiệm những nghị sỹ không hoàn thành nhiệm vụ hoặc vi phạm các quy tắc ứng xử nhất định.
Theo quy định mới, các ứng cử viên phải là công dân Tunisia từ 23 tuổi trở lên, không có tiền án tiền sự và không phải là thành viên chính phủ, người đứng đầu Văn phòng chính phủ, thẩm phán, người đứng đầu các cơ quan đại diện ngoại giao và cơ quan lãnh sự, thống đốc tỉnh, các quan chức chính quyền cấp tỉnh, lãnh tụ Hồi giáo, chủ tịch các câu lạc bộ và hiệp hội thể thao….
Nếu muốn tranh cử, các ứng viên thuộc các đối tượng trên sẽ phải từ bỏ chức vụ ít nhất một năm trước đó./.
Phương Hồ (TTXVN/Vietnam+)