Xuất hiện một loạt biến thể mới virus SARS-CoV-2
|
Anh và một loạt các quốc gia ghi nhận sự xuất hiện của nhiều biến thể mới virus SARS-CoV-2. (Ảnh: Getty Images/AFP) |
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến vô cùng phức tạp trên thế giới, mới đây các nhà khoa học cho biết đã phát hiện thêm một loạt biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có tốc độ lây lan nhanh hơn nhiều lần so với chủng gốc, thậm chí một số biến thể chứa đột biến được cho có thể kháng các loại vaccine đang lưu hành, đã buộc một loạt quốc gia áp đặt lệnh hạn chế đi lại.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Edinburgh, Anh đã thông báo về một biến thể mới có tên gọi B1525, được phát hiện thông qua giải trình tự gen của virus ở 10 quốc gia bao gồm Đan Mạch, Mỹ và Australia. Theo đó, biến thể này xuất hiện lần đầu từ cuối tháng 12/2020 tại Anh và Nigeria và hiện ở Anh đã có 32 bệnh nhân được phát hiện nhiễm. Từ đó đến nay, biến thể B1525 đã được phát hiện ở Bỉ, Jordan, Ghana và gần đây nhất là Canada.
Nhóm nghiên cứu còn cho biết, biến thể này có những điểm tương đồng trong bộ gen của nó với biến thể B117- loại biến thể đang khiến nhiều quốc gia trên thế giới lao đao, nhưng chứa một số đột biến (như đột biến E484K) khiến họ lo ngại nó sẽ khiến cho virus SARS-CoV-2 dễ dàng xâm nhập vào tế bào cơ thể người hơn. Đột biến E484K có trong các biến thể xuất hiện ở Nam Phi và Brazil và được cho là giúp virus kháng vaccine. Nhật Bản mới đây cũng đã phát hiện ra biến thể mới virus SARS-CoV-2 có đột biến này.
Khi dịch bệnh chưa thể khống chế hoàn toàn, cộng đồng người châu Á trong tuần qua đã đón Tết Nguyên đán 2021 trong một không khí trầm lặng hơn, thay vào đó tinh thần chống dịch được nâng lên.
Theo số liệu thống kê cập nhật trên worldometers.info, tính đến sáng ngày 21/2 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận 111.640.270 ca nhiễm COVID-19, với 2.471.466 ca tử vong và 86.824.867 ca điều trị khỏi.
Tuyết rơi dày kỷ lục tại nhiều quốc gia
|
Nhiều phương tiện giao thông mắc kẹt trên đường phố do tuyết rơi dày ở Li-băng. (Ảnh: Xinhua) |
Không khí lạnh giá, băng và tuyết rơi dày kỷ lục tại nhiều nước trên thế giới trong những ngày qua. Ngày 17/2, tuyết phủ trắng xóa nhiều khu vực của Li-băng, Syria, Israel, Jordan và Libya gây gián đoạn hoạt động giao thông, ảnh hưởng đến chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cũng như kỳ thi tại một số trường đại học. Tại Syria, thủ đô Damascus đã hứng chịu đợt tuyết rơi đầu tiên trong mùa đông này. Chính quyền địa phương các tỉnh Sweida, Quneitra, Daraa và Tartous đã chỉ thị tạm đóng cửa các trường học ngày 18/2.
Không khí lạnh giá, băng và tuyết phủ khắp nhiều bang ở miền Trung và miền Nam nước Mỹ, khiến hàng triệu người phải sống trong cảnh mất điện. Trong đó, bang Texas chứng kiến đợt lạnh giá tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Tổng thống Joe Biden đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở Texas. Texas vốn được biết tới với những sa mạc và những đợt nóng khắc nghiệt, nhưng giờ đây bị phủ lên mình lớp băng tuyết dày.
Tại Nga, tuyết dày đã chôn vùi nhiều con đường ở thủ đô Moscow, làm đứt gãy giao thông, trì hoãn các chuyến bay khi nhiệt độ rơi xuống âm 15 độ C. Trong khi đó, Hy Lạp hứng lượng tuyết rơi dày nhất trong 12 năm, dẫn tới cảnh mất điện, cản trở giao thông và buộc nhiều người dân ở lại trong nhà hôm 15/2.
Còn tại Thổ Nhĩ Kỳ, khu vực miền Trung và Tây bắc đã hứng lượng tuyết dày, khiến giao thông ùn ứ ở Ankara và Istanbul. Vừa qua, Hà Lan cũng chìm trong tuyết trắng do bị trận bão tuyết lớn nhất trong 10 năm qua đổ bộ.
Dịch bệnh Ebola tái bùng phát tại Tây Phi
|
Ebola là bệnh sốt xuất huyết do virus gây ra, lây lan qua tiếp xúc với chất dịch cơ thể. (Ảnh: Reuters)
|
Trong khi đại dịch COVID-19 đang hoành hành trên toàn cầu, thì dịch bệnh Ebola dường như đã quay trở lại Tây Phi khi bùng phát những ổ dịch mới tại Guinea và CHDC Congo.
Phát biểu tại họp báo ngày 16/2 ở Geneva (Thụy Sĩ), người phát ngôn WHO, bà Margaret Harris cho biết cơ quan y tế đã xác định gần 300 trường hợp tiếp xúc gần với các ca nhiễm Ebola tại CHDC Congo và 125 trường hợp tại Guinea. Theo thông tin cập nhật, Guinea đã ghi nhận 5 ca tử vong và Congo ghi nhận 3 ca trong đợt bùng phát mới này.
Hiện việc phân tích mẫu gene của virus phát hiện tại cả Congo và Guinea đang được tiến hành để hiểu rõ hơn nguồn gốc của các ổ dịch mới cũng như xác định chủng virus. Theo bà Harris, hiện chưa rõ đây là chủng Ebola đã tồn tại trên người hay đơn giản là chủng Ebola lây từ động vật. Một số nước khu vực như Sierra Leone, Mali và Cote d’ Ivoire đã áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới để ngăn chặn virus lây lan.
Theo số liệu thống kê, đợt dịch bệnh tồi tệ xuất hiện từ 2013-2016 đã giết hơn 11.300 người, chủ yếu ở 3 quốc gia gồm Guinea, Sierra Leone và Liberia. Trong đó, Guinea đã ghi nhận hơn 2.500 người chết trong đợt dịch bệnh này.
Giá vàng tiếp tục chìm sâu trong đáy mới
|
Giá vàng thế giới chìm trong vùng giá thấp nhất 11 tuần qua. (Ảnh: Kitco)
|
Giá vàng thế giới vào chiều ngày 19/2 (giờ Việt Nam) tiếp tục giảm sâu xuống vùng giá thấp nhất trong vòng 11 tuần qua và vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục trong ngắn hạn.
Thực tế trước khi chốt phiên giao dịch ngày vào trưa ngày 19/2 ở vùng giá 1.775,3 USD/ounce, giá vàng thế giới có thời điểm giảm mạnh xuống chỉ còn 1.759 USD/ounce.
Theo đánh giá của các tổ chức đầu tư, giá vàng thế giới đang chứng kiến chuỗi ngày giảm giá mạnh chưa từng thấy. Tính toán cho thấy chỉ trong 3 ngày qua, giá vàng thế giới "bốc hơi" tới 60 USD mỗi ounce, tương đương mức giảm tới 1,7 triệu đồng/lượng.
Giới kinh doanh nhận định thị trường vàng quốc tế trong các phiên giao dịch gần đây luôn bị chi phối bởi các quỹ đầu tư vàng. Vì thế, giá vàng chỉ có thể bật tăng mạnh mẽ trở lại nếu các tổ chức này dừng bán ra.
Mỹ quay trở lại thỏa thuận khí hậu Paris
|
Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: Reuters) |
Ngày 19/2 đánh dấu sự kiện Mỹ chính thức quay trở lại thỏa thuận khí hậu Paris sau 4 tháng gián đoạn. Đây là cam kết đã được Tổng thống Mỹ Joe Biden nhiều lần đề cập trong chiến dịch tranh cử và hiện thực hóa bằng việc đệ trình đơn tái gia nhập lên Liên hợp quốc chỉ vài giờ sau khi ông tiếp quản Nhà Trắng.
Hiện chính quyền Tổng thống Joe Biden đang đề ra mục tiêu tham vọng, đó là đặt nền kinh tế số 1 thế giới vào lộ trình cắt giảm mức khí thải gây hiệu ứng nhà kính xuống còn mức 0 vào năm 2050. Theo kế hoạch, Mỹ sẽ đệ trình mục tiêu cắt giảm lên Liên hợp quốc vào tháng 4 tới. Không những thế, Mỹ còn đang cân nhắc một kế hoạch nhằm cung cấp tài chính để giúp đỡ các nước đang phát triển cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Dự kiến, vào ngày 22/4, Mỹ sẽ tổ chức một Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo thế giới, gồm cả các nước phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính hàng đầu.
Trong một phản ứng tức thời, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã hoan nghênh việc Mỹ khôi phục tư cách thành viên tham gia thỏa thuận khí hậu Paris, đồng thời, tỏ ra lạc quan trước mục tiêu mà Tổng thống Joe Biden nhằm cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính xuống mức 0 vào năm 2050.
Người đứng đầu Liên hợp quốc cũng tin tưởng rằng, các mục tiêu cắt giảm khí thải mà Mỹ sắp đệ trình sẽ trở thành một ví dụ điển hình để các quốc gia khác noi theo. Mỹ sẽ đóng vai trò dẫn dắt để mang lại thành công cho Hội nghị các bên tham gia Công ước khí hậu lần thứ 26 (COP26), dự kiến diễn ra tại Anh vào tháng 11 năm nay.
WTO chính thức chọn bà Ngozi Okonjo-Iweala làm tân Tổng giám đốc
|
Bà Ngozi Okonjo-Iweala là tân Tổng Giám đốc WTO. (Ảnh: EPA) |
Trong cuộc họp Đại hội đồng đặc biệt ngày 15/2, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã chính thức lựa chọn cựu Bộ trưởng Tài chính Nigeria, bà Ngozi Okonjo-Iweala là lãnh đạo tiếp theo của WTO từ ngày 1/3 tới với nhiệm kỳ kéo dài đến ngày 31/8/2025, qua đó trở thành người phụ nữ đầu tiên và là người gốc Phi đầu tiên lãnh đạo WTO.
Phát biểu sau khi trúng cử, Tiến sĩ Ngozi Okonjo-Iweala bày tỏ vinh dự khi được các Thành viên WTO chọn làm Tổng Giám đốc WTO, đồng thời, nhấn mạnh còn nhiều công việc quan trọng phía trước phải làm cùng nhau. Theo bà Okonjo-Iweala, một WTO vững mạnh có ý nghĩa sống còn nếu muốn phục hồi nhanh chóng và hoàn toàn từ sự tàn phá do đại dịch COVID-19. Bà mong muốn được hợp tác với các thành viên để định hình và thực hiện các chính sách để đưa nền kinh tế toàn cầu phát triển trở lại, khiến WTO vững mạnh hơn, nhạy bén hơn và thích nghi tốt hơn đối với những thực tế ngày nay.
Bà Okonjo-Iweala kế nhiệm ông RobertoAzevedo, người đã thông báo vào tháng 5 năm ngoái về việc từ chức trước khi kết thúc nhiệm kỳ và đã rời WTO vào tháng 8/2020. Việc bổ nhiệm bà chấm dứt nhiều tháng trì hoãn và phải mất hơn 6 tháng WTO mới thống nhất về một Tổng Giám đốc mới.
Nhiệm vụ của bà Okonjo-Iweala sẽ không dễ dàng khi nhiệm vụ trước mắt chủ yếu giúp khôi phục lòng tin và hình ảnh của tổ chức, vật lộn với sự xáo trộn lớn trong thương mại quốc tế do đại dịch COVID-19 gây ra. Tiến sĩ Okonjo-Iweala, với niềm đam mê thương mại và lời hứa về sự lãnh đạo chủ động rất có thể là động lực dẫn dắt mà WTO rất cần./.