Theo Phái đoàn Ngoại giao châu Âu (EU) tại Việt Nam, EU cùng phối hợp với các Đại sứ quán nước thành viên tổ chức một chuỗi các hoạt động nhằm vào việc nâng cao nhận thức công chúng về sự cần thiết duy trì các nỗ lực trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây là dịp để các Phái đoàn EU và các quốc gia thành viên trên khắp thế giới tiếp xúc với các cộng đồng và các tổ chức đối tác, nhấn mạnh vào hành động tích cực và sự phối hợp toàn cầu trong vấn đề biến đổi khí hậu.
Tại Việt Nam, Tuần lễ Ngoại giao Khí hậu EU đã được khởi động vào ngày 15/9 với hoạt động dọn rác ở nhiều địa điểm tại Hà Nội. Trong tuần tới, một hội thảo dành cho 15 thành phố của Việt Nam với chủ đề kế hoạch hành động và các mục tiêu về khí hậu, một diễn đàn về nền kinh tế tuần hoàn dành cho khu vực tư nhân và một cuộc thảo luận bàn tròn về biến đổi khí hậu sẽ diễn ra tại Hà Nội trong khuôn khổ Tuần lễ Ngoại giao Khí hậu EU.
"Chống lại biến đổi khí hậu là một ưu tiên trong quan hệ đối tác của chúng tôi với Việt Nam. Cụ thể, chúng tôi thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam, trong đó có thông qua sự hỗ trợ tài chính đáng kể bởi lĩnh vực năng lượng có vai trò hết sức quan trọng đối với sự tăng trưởng kinh tế nhưng cũng đồng thời là lĩnh vực gây ra sự phát thải khí nhà kính lớn nhất”, Đại sứ Phái đoàn EU Bruno Angelet cho biết.
EU hiện đang đẩy mạnh hợp tác quốc tế và sự hỗ trợ dành cho các đối tác bên ngoài EU trong cuộc chiến với biến đổi khí hậu. Điều này được thể hiện thông qua các cuộc đối thoại chính sách, các dự án xây dựng năng lực và tài chính khí hậu.
Tại Việt Nam, EU hiện đang hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi năng lượng cũng như thúc đẩy năng lượng tái tạo, thông qua đối thoại chính sách cũng như qua các hành động cụ thể như đào tạo, vận động chính sách và đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo nhờ vào sự hợp tác với các ngân hàng phát triển của quốc gia thành viên EU.
Ngoài năng lượng, Ngân hàng Đầu tư châu Âu cũng đóng góp vào việc cấp vốn cho các hệ thống đường sắt đô thị, sẽ giúp đảm bảo các mức giảm quan trọng đối với lượng phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực vận tải. EU cùng với các ngân hàng phát triển EU cũng đang hỗ trợ tài chính cho các nỗ lực thích ứng với biến đổi khí hậu tại khu vực Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long, và tại các tỉnh miền Trung Việt Nam.
EU hiện cũng đang đầu tư vào lĩnh vực giáo dục liên quan tới khí hậu. Tại Việt Nam, nằm trong khuôn khổ ERASMUS+, một chương trình hợp tác quốc tế dành cho giáo dục đại học do EU tài trợ, các trường đại học của Ý, Ba Lan và Cộng hòa Síp đang cùng hợp tác với 3 trường đại học ở Việt Nam nhằm xây dựng các khóa học dành cho sinh viên Việt Nam về các hệ thống năng lượng tái tạo. Thuộc khuôn khổ dự án này, 8 sinh viên xuất sắc nhất đã được lựa chọn đi học tập tại châu Âu và được tận mắt chứng kiến các dự án về năng lượng mặt trời, gió và các loại năng lượng tái tạo khác. Họ đã trở về cùng với những câu chuyện hay để chia sẻ, và cả những ý tưởng mới để làm sao đưa nhiều hơn nữa các giải pháp năng lượng tái tạo về Việt Nam./.
Kiều Giang