Ngày 13/8, tuần san tuyên truyền Tongil Shinbo của Triều Tiên đăng một bài bình luận cho rằng, không nên trông đợi vào những tiến triển xa hơn trong tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên nếu như Mỹ không thực hiện các hành động đồng thời và theo từng giai đoạn, như việc tuyên bố chấm dứt chiến tranh, nhằm xây dựng niềm tin tưởng lẫn nhau.
“Mỹ, với tư cách là một bên có trách nhiệm trong tuyên bố chấm dứt chiến tranh nhằm thiết lập một cơ chế hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên, nên thực hiện các biện pháp cụ thể nhằm thực hiện thỏa thuận đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên diễn ra ngày 12/6 vừa qua tại Singapore” - thông điệp trên tờ Tongil Shinbo viết.
Ngoài ra, tuần san của Triều Tiên cũng cảnh báo Hàn Quốc không nên đi theo chính sách chống Triều Tiên của các thế lực bên ngoài, đồng thời cho rằng, việc áp đặt trừng phạt và cải thiện các mối quan hệ liên Triều là hai mục tiêu hoàn toàn không tương thích.
“Không thể trông đợi vào việc phát triển phát triển một cách suôn sẻ các mối quan hệ liên Triều nếu như Hàn Quốc mù quáng đi theo các chính sách thù địch chống miền Bắc của các thế lực bên ngoài…Đã có một bước tiến đột phá trong các mối quan hệ liên Triều cũng như quan hệ giữa Triều Tiên và Mỹ, nhưng việc chấm dứt cuộc chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên vẫn còn là một nhiệm vụ chưa được giải quyết” - bài xã luận trên tờ Tongil Shinbo bày tỏ quan điểm.
Trong một lập luận tương tự, trang web tuyên truyền của Bình Nhưỡng Meari cũng cho rằng, việc xây dựng lòng tin tưởng lẫn nhau đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc khôi phục lại tiến trình đối thoại Mỹ - Triều Tiên vốn đang bị đình trệ. Trang web này cho rằng, tiến triển chậm trễ trong các vòng đối thoại Mỹ - Triều xuất phát từ các đòi hỏi đơn phương và sự thù địch từ phía Mỹ.
Theo nhận định của các nhà phân tích, trong bối cảnh đang thực hiện nhiều thay đổi về chính sách ngoại giao, hiện Triều Tiên đang mong muốn và kêu gọi Mỹ đưa ra lời tuyên bố chính thức chấm dứt cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953 và đây cũng là điều Hàn Quốc mong muốn. Tuy nhiên, Mỹ - với tư cách là bên cử lực lượng quân đội tới bán đảo Triều Tiên vào năm 1950 và hiện vẫn duy trì 28.500 quân tại bán đảo Triều Tiên, lại tỏ ra không sẵn sàng đưa ra lời tuyên bố này. Nguyên nhân của sự khác biệt này là do lập trường của Mỹ và Triều Tiên liên quan tới vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên vẫn chưa được “xích lại gần nhau hơn”. Triều Tiên đang mong muốn có được một sự bảo đảm chắc chắn về lời tuyên bố chấm dứt cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953 trước khi nước này thúc đẩy mục tiêu giải trừ vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump lại muốn Triều Tiên cần từ bỏ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân trước khi đưa ra lời tuyên bố chấm dứt chiến tranh.
Một lý do khác khiến Mỹ chưa tỏ ra sốt sắng trong việc đưa ra lời tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên là bởi, dù lời tuyên bố này không mang tính chất tương tự như một bản Hiệp ước hòa bình mang tính chất ràng buộc, song sẽ khởi động tiến trình tìm kiếm và đưa ra một bản Hiệp ước hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Điều này đồng nghĩa với việc các bên sẽ phải “tính toán lại” về số lượng binh sỹ Mỹ cần thiết duy trì trên bán đảo Triều Tiên. Trước khi tham gia Hội nghị thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore vào tháng 6/2018, Tổng thống Mỹ D.Trump đã chỉ thị Lầu Năm góc chuẩn bị các phương án rút bớt binh sỹ Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, hiện điều này đang vấp phải những phản ứng trái chiều từ dư luận Mỹ với một số ý kiến cho rằng, việc duy trì sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Hàn Quốc không chỉ là một biện pháp răn đe đối với Triều Tiên mà còn giúp Washington khẳng định vị thế quân sự tại khu vực châu Á, đồng thời hỗ trợ cho chiến lược giành ưu thế về quân sự mà Mỹ đang theo đuổi./.
Thu Lan (Theo Yonhap, nytimes.com)