Bài viết cho biết, khi các ca mắc COVID-19 chỉ ở mức hàng trăm, cách ứng phó của Việt Nam đối với cuộc khủng hoảng dịch COVID-19 đã nhận được lời khen ngợi từ Tổ chức Y tế Thế giới (WTO).
Theo số liệu chính thức, hiện có hơn 75.000 người được cách ly hoặc tự cách ly ở Việt Nam. Cho tới nay, Việt Nam đã thực hiện hơn 121.000 xét nghiệm và chỉ có hơn 260 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 được xác nhận. Hiện Việt Nam chưa có trường hợp tử vong liên quan đến virus COVID-19 và tỷ lệ lây nhiễm vẫn thấp hơn đáng kể so với Hàn Quốc, Singapore, những quốc gia đã được ca ngợi rộng rãi trên các phương tiện truyền thông quốc tế về cách ứng phó hiệu quả đối với đại dịch.
Theo ông Kidong Park, đại diện của WHO tại Việt Nam, quốc gia Đông Nam Á này đã ứng phó với sự bùng phát của bệnh dịch sớm và chủ động. Đánh giá rủi ro đầu tiên của Việt Nam đã được tiến hành vào đầu tháng 1, ngay sau khi các trường hợp mắc COVID-19 ở Trung Quốc bắt đầu được báo cáo. Ông Kidong Park cho biết Việt Nam đã nhanh chóng thành lập một Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống và kiểm soát COVID-19 dưới sự lãnh đạo của một Phó Thủ tướng và Ủy ban này đã ngay lập tức đã thực hiện kế hoạch ứng phó quốc gia.
Theo bài báo, mặc dù có số lượng ít các ca mắc bệnh được xác nhận, Việt Nam đã thực hiện “cách ly trên toàn quốc” vào ngày 1/4, một phản ứng nhanh và quyết đoán hơn nhiều so với ở Anh hoặc Italy, nơi các ca nhiễm đã lên tới hàng nghìn trước khi lệnh phong tỏa được ban bố. Ở những nước khác, Chính phủ ban hành các lệnh phong tỏa để đối phó với dịch bệnh đang bùng phát ra, trong khi Việt Nam thực hiện phong tỏa là để ngăn ngừa một cuộc khủng hoảng quốc gia có thể tránh được.
Bài báo nhận định phần lớn thành công của Việt Nam đạt được là nhờ sự đồng thuận xã hội. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây đã ví những nỗ lực của Việt Nam trong ngăn chặn dịch COVID-19 như là “cuộc tổng tấn công mùa Xuân năm 2020”.
Các trường học Việt Nam đã đóng cửa kể từ tháng 1 và việc kiểm dịch hàng loạt bắt đầu vào ngày 16/3. Kể từ đó, hàng chục ngàn người nhập cảnh vào Việt Nam từ các quốc gia bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh đã được cách ly tại các trại trung tâm lớn. Đến ngày 25/3, các chuyến bay quốc tế đã ngừng hoàn toàn.
Cho đến nay, chưa có dấu hiện nào cho thấy các biện pháp hạn chế sẽ được nới lỏng. Phần lớn các chuyến bay nội địa, đường sắt và xe buýt đã bị đình chỉ, và bất cứ ai rời khỏi Hà Nội - tâm của dịch bệnh ở Việt Nam - đều được cách ly khi đến hầu hết các tỉnh khác.
Bài báo nhận xét cách người Việt phản ứng với khủng hoảng cũng rất nghiêm khắc. Các thông báo chính thức tại Thành phố Hồ Chí Minh cảnh báo những ai không đeo khẩu trang mà bị phát hiện đã lây nhiễm căn bệnh nguy hiểm cho người khác có thể phải đối mặt với án tù 12 năm. Các biện pháp nghiêm ngặt này đã đưa lại kết quả tương đối thành công./.
TTXVN