Là đại diện tổ chức quốc tế duy nhất phát biểu tại Hội nghị Y tế toàn quốc được tổ chức vào ngày 6/1 tại Hà Nội, bà Caitlin Wiesen - Antin đánh giá cao Việt Nam trong năm qua đạt được nhiều thành tựu quan trọng, có nhiều hành động cụ thể với tinh thần "không để ai bị bỏ lại phía sau", trong đó có nhiều dấu ấn của ngành y tế. Năm 2020, Việt Nam lần đầu tiên vào nhóm các nước có Chỉ số phát triển con người (HDI) ở mức cao trên thế giới.
Năm 2020 có rất nhiều những biến động ngoài mong đợi trên thế giới, đại dịch COVID-19 đã tác động đến rất nhiều quốc gia, rất nhiều khu vực và cả cấp độ toàn cầu. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã sớm trở thành một quốc gia dẫn đầu trong khống chế đại dịch cũng như là một trong số ít nước trên thế giới có mức tăng trưởng dương.
Việc Việt Nam ứng phó thành công với đại dịch COVID-19 phần lớn phụ thuộc vào những hành động quyết liệt, nhanh chóng và kịp thời của Chính phủ kết hợp với lòng tin vững chắc và sự sẵn sàng tham gia của người dân, bà Caitlin Wiesen - Antin nói. Việt Nam đã chia sẻ những kinh nghiệm, bài học của mình với cộng đồng quốc tế, cho thấy thành công đến từ sự minh bạch, tính giải trình cao, khả năng ứng phó linh hoạt và có nhiều giải pháp kịp thời xử lý khủng hoảng, khẳng định năng lực quản trị quốc gia của Việt Nam được nâng lên rõ rệt, duy trì sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Báo cáo của UNDP về khảo sát ý kiến người dân cho thấy sự đồng lòng, ủng hộ rất lớn của người dân đối với những chính sách, chỉ đạo, những hành động quyết liệt của Chính phủ Việt Nam trong quá trình phòng chống đại dịch với hơn 97% ý kiến của người dân cho rằng sự lãnh đạo của Chính phủ cũng như là của BCĐ Quốc gia phòng chống COVID-19 là rất tốt.
Bà cũng đánh giá cao Chính phủ Việt Nam đối với sáng kiến thành lập Quỹ ứng phó khẩn cấp với đại dịch COVID-19 của ASEAN cũng như sáng kiến chọn 27/12 là Ngày quốc tế phòng chống dịch bệnh được Đại hội đồng LHQ thông qua.
Trưởng Đại diện UNDP cũng đánh giá cao quyết định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về chuẩn nghèo đa chiều mới, theo đó, sẽ có nhiều đối tượng yếu thế, có hoàn thành khó khăn, chịu nhiều rủi ro do tác động của đại dịch được tiếp cận chính sách hỗ trợ tốt hơn.
Năm 2021 và các năm tới, UNDP và các tổ chức của LHQ cũng như các đối tác phát triển quốc tế khác sẽ tiếp tục đồng hành, hợp tác với Chính phủ Việt Nam trong việc bảo đảm phát triển bền vững, tập trung vào 3 lĩnh vực. Thứ nhất là bảo đảm rằng không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phục hồi sau đại dịch và phát triển bền vững trong gia đoạn bình thường mới.
UNDP và hệ thống các tổ chức LHQ ở Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam để hỗ trợ nhóm yếu thế chịu tác động của đại dịch bao gồm phụ nữ, trẻ em, đồng bào dân tộc thiểu số, người sống ở vùng sâu vùng xa, những người khuyết tật... được tiếp cận các dịch vụ bảo trợ xã hội cũng như những dịch vụ phát triển bền vững.
Thứ hai, "chúng tôi sẽ ưu tiên hỗ trợ chuyển đổi số trong ngành y tế, đó là áp dụng công nghệ 4.0", bà Caitlin Wiesen - Antin lấy ví dụ như việc cung cấp 19 robot tự động giúp các cơ sở y tế, cán bộ y tế cung cấp dịch vụ tư vấn và điều trị cho bệnh nhân ở trong cơ sở điều trị.
UNDP cũng đang hỗ trợ cho Bộ Y tế xây dựng những phần mềm về quản lý vật tư, thiết bị y tế, quản lý cũng như điều phối vật tư thiết bị y tế để bảo đảm quản lý tốt, thông suốt.
Thứ ba, cần phải giải quyết những vấn đề đề liên quan giữa sức khỏe, biến đổi khí hậu và môi trường. UNDP luôn sẵn sàng phối hợp sâu hơn và rộng hơn với ngành y tế cũng như ngành tài nguyên và môi trường để làm sao giải quyết vấn đề thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu và đóng góp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đến sức khỏe con người. Bà góp ý, cần phải xây dựng chỉ số về sức khỏe và môi trường ở cấp quốc gia, tăng cường hệ thống giám sát dịch bệnh, xây dựng hệ thống cảnh báo sớm những bệnh liên quan đến biến đổi khí hậu và các bệnh liên quan tới yếu tố môi trường.
UNDP cùng các tổ chức LHQ khác sẽ luôn nỗ lực tiếp tục hỗ trợ cho ngành y tế, giúp Việt Nam đạt được tất cả mục tiêu phát triển bền vững, bà Caitlin Wiesen - Antin chia sẻ.
An Bình